10 trên 13 ngân hàng lớn toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc

17/10/2021 10:12 GMT+7
Cho đến nay, hầu hết các ngân hàng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2021 của Trung Quốc, cảnh báo tình trạng thiếu điện và sự sụt giảm trên thị trường bất động sản có nguy cơ kéo lùi tăng trưởng.

CNBC đã theo dõi dự báo GDP của Trung Quốc từ 13 ngân hàng lớn. Trong đó, 10/13 ngân hàng cho đến nay đã cắt giảm GDP cả năm 2021 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sau sự cắt giảm, mức dự báo bình quân là tăng trưởng 8,2% trong năm nay, giảm 0,3% so với dự báo bình quân trước khi cắt giảm.

Trong số các công ty mà CNBC theo dõi, ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura có mức dự báo cả năm thấp nhất cho nền kinh tế Trung Quốc với tăng trưởng GDP 7,7% cho cả năm 2021. Ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, DBS, có mức dự báo cao nhất là 8,8%.

10 trên 13 ngân hàng lớn toàn cầu đã hạ dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc - Ảnh 1.

10 ngân hàng lớn đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm nay (Ảnh: Getty Images)

Các ngân hàng cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc năm 2021:

Tháng 8

ANZ: hạ dự báo từ 8,8% xuống 8,3%

Morgan Stanley:  hạ dự báo từ 8,2% xuống 7,9%

Tháng 9

Bank of America:  hạ dự báo từ 8,3% xuống 8%

Citi : hạ dự báo từ 8,7% xuống 8,2%

Deutsche Bank: hạ dự báo từ 8,9% xuống 8,4%

Goldman Sachs: hạ dự báo từ 8,2% xuống 7,8% 

HSBC:  hạ dự báo từ 8,5% xuống 8,3%

Nomura: hạ dự báo từ 8,2% xuống 7,7%

Tháng 10

Standard Chartered:  hạ dự báo từ 8,8% xuống 8,2%

JPMorgan: hạ dự báo từ  8,7% xuống 8,3%

Các ngân hàng không thay đổi dự báo của Trung Quốc

Credit Suisse:  8,2%.

DBS: 8,8%.

UBS:  8,2%.

Các yếu tố tiêu cực đối với tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã gia tăng trong suốt năm nay, khi chi tiêu tiêu dùng phục hồi chậm hơn dự kiến và thiên tai lũ lụt gây thêm áp lực lên chuỗi cung ứng. Cuộc siết chặt quản lý của Bắc Kinh với hàng loạt lĩnh vực từ công nghệ, bất động sản cho đến giáo dục cũng góp phần thêm vào sự không chắc chắn của tăng trưởng. Đó là chưa kể tới khủng hoảng nợ của nhà phát triển bất động sản China Evergrande - điều có thể dẫn tới hệ lụy với toàn hệ thống tài chính Trung Quốc, cũng như tình trạng thiếu điện nghiêm trọng đang diễn ra. 

 “Các thị trường có vẻ đang lo lắng do sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản, đến nỗi họ bỏ qua rủi ro từ các biện pháp hạn chế sử dụng điện của Bắc Kinh” - ông Ting Lu, kinh tế trưởng của Nomura Bank nhấn mạnh.

Vào năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẽ đạt mức trung hòa carbon vào năm 2060. Để đạt mục tiêu này, Bắc Kinh đã khởi động kế hoạch cắt giảm sản xuất than cũng như hạn chế các ngành công nghiệp phát thải nhiều carbon tại các địa phương trên toàn quốc.

Trong những tháng qua, nhiều chính quyền địa phương Trung Quốc đang ban hành lệnh cắt giảm sử dụng điện nhằm theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải của chính quyền Trung ương. Trong khi đó, giá than cao kỷ lục đang khiến nhiều nhà máy điện hoạt động không có lãi, càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nguồn cung điện.

Tổ chức xếp hạng nổi tiếng toàn cầu Fitch Ratings trước đó cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 8,4% xuống còn 8,1% trong năm nay do sự giảm tốc của thị trường bất động sản có nguy cơ gây sức ép lên nhu cầu trong nước.

Chính phủ Trung Quốc hiện đặt mục tiêu tăng trưởng GDP thấp hơn nhiều so với các dự báo, chỉ ở mức trên 6% cho cả năm nay. Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh chú trọng chất lượng tăng trưởng kinh tế hơn là tốc độ tăng trưởng.


NTTD
Cùng chuyên mục