3 trường hợp cha mẹ không được sang tên Sổ đỏ cho con
Thứ nhất, khi không đủ điều kiện để sang tên quyền sử dụng đất
Theo quy định tại khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp:
Trường hợp tại khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai 2013: Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
Trường hợp tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai 2013: Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất khi có Giấy chứng nhận. Đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp thì người sử dụng đất được thực hiện quyền sau khi có quyết định giao đất, cho thuê đất. trường hợp nhận thừa kế quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất được thực hiện quyền khi có Giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
- Đất không có tranh chấp.
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.
- Trong thời hạn sử dụng đất.
Vì vậy, nếu thiếu một trong các điều kiện theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai 2013 thì cha mẹ không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất cho con.
Thứ hai, khi con không trực tiếp sản xuất nông nghiệp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.
Với trường hợp con không trực tiếp sản xuất nông nghiệp sẽ không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa từ người khác, kể cả cha mẹ.
Việc hộ gia đình, cá nhân có trực tiếp sản xuất nông nghiệp hay không sẽ do cơ quan có thẩm quyền xác định khi hộ gia đình, cá nhân đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Quy định Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, căn cứ xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp:
Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất. do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận.
Có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên. đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.
Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh.
Trường hợp giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình thì chỉ căn cứ quy định tại Điểm b Khoản này.
Thứ ba, khi hộ gia đình, cá nhân không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.
Quy định tại khoản 4 Điều 191 và Điều 192 Luật Đất đai 2013: Hộ gia đình, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất ở, đất nông nghiệp trong khu vực rừng phòng hộ, trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái thuộc rừng đặc dụng, nếu không sinh sống trong khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đó.
Trên đây là những trường hợp mà pháp luật quy định cha mẹ sẽ không được sang tên sổ đỏ cho con. Tuy nhiên với trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp và không sinh sống trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì chỉ ảnh hưởng đối với việc chuyển nhượng và tặng cho quyền sử dụng đất, việc nhận thừa kế quyền sử dụng đất vẫn được áp dụng trong 2 tình huống này.