5 năm con tàu 67 (bài 3): Nỗi buồn xa biển và nỗi lo... hầu tòa

11/09/2019 13:33 GMT+7
Những ngày cuối tháng 8, đến một số âu thuyền ở Quảng Nam, chúng tôi không khỏi giật mình khi bắt gặp hàng loạt con tàu vỏ thép (được đóng theo Nghị định 67, hay còn gọi là "tàu 67") ngày đêm dầm mình phơi nắng, phơi sương dọc bờ biển. Đằng sau mỗi con tàu đó là những nỗi buồn của hàng trăm ngư dân khi phải xa biển, xa ngư trường và họ còn có nỗi lo lớn hơn nữa là có thể phải đi hầu tòa bất cứ lúc nào, bởi các ngân hàng đe sẽ khởi kiện nếu không trả nợ đúng hạn. Nhưng, tiền đâu trả?...

Nỗi buồn xa biển...

Tháng 11/2015, con tàu cá vỏ thép QNa 95997 TS, công suất 822CV của ngư dân Phan Thu (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) được hạ thủy trong niềm hân hoan xen lẫn kỳ vọng về một sự đổi đời thực sự trong nghề đi biển. Đã mấy chục năm làm nghề đi biển trên những con tàu vỏ gỗ ọp ẹp, lúc nào cũng "hồn treo cột buồm", nay ông Thu yên tâm hơn vì từ nay sẽ ra khơi trên con tàu vỏ thép hiện đại cả chục tỷ đồng để đánh bắt hải sản và cũng giữ trọng trách làm "cột mốc" chủ quyền trên biển của Tổ quốc.

Ấy thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, đi biển chưa đầy một năm, ông đã buộc phải đưa thuyền về nằm "phơi nắng" tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên) từ 2 năm qua với lý do chính là: Càng đi biển, càng thua lỗ. Vì sao vậy?

Lý giải điều này cho chúng tôi, ngư dân Phan Thu giải thích: Tàu đã hoạt động đánh bắt hải sản trên biển gần một năm nhưng làm ăn không hiệu quả dẫn đến thua lỗ nặng. Sau đó, tôi xin chuyển đổi từ nghề lưới rê qua nghề khai thác lươn biển nhưng cũng thua lỗ. Vì khi bắt lươn dưới biển lên tàu phải làm sao giữ cho lươn sống khỏe mạnh. Thế nhưng con tàu vỏ thép ở ngoài biển hay rung lắc mạnh, dẫn đến lươn bị chết, không thể bán được cho thương lái. Từ năm 2017 đến nay, con tàu vỏ thép trị giá hơn 10 tỷ đồng của tôi đành phải nằm bờ.

5 nam con tau 67 (bai 3): noi buon xa bien va noi lo... hau toa hinh anh 1

Tàu vỏ thép của ngư dân Thu nằm bờ do đi biển thua lỗ

Sau thất bại đó, năm 2017, ông có làm đơn kiến nghị gửi Sở NNPTNT, UBND tỉnh Quảng Nam và ngân hàng để thanh lý con tàu vỏ thép QNa95997TS, nhằm sớm thu hồi nợ nhưng tới nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời.

“Tôi đã kiến nghị lên các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam về việc con tàu QNa95997TS không thể đầu tư vào được nữa. Muốn chuyển đổi con tàu này qua nghề lưới chụp thì vốn đầu tư rất lớn, khoảng 4 tỷ đồng, quá sức đối với gia đình tôi hiện nay. Nếu tàu không được giải quyết sớm, nguy cơ hư hỏng sẽ rất nhanh”, ông Thu cho biết.

Chung "số phận" như ông Thu, với số tiền tích cóp được 700 triệu đồng, ngư dân Nguyễn A (trú xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên; chủ tàu QNa 93188TS) đã vay thêm 11,3 tỷ đồng từ ngân hàng để đóng mới con tàu có công suất 829CV, vỏ composite, chuyên hành nghề lưới rê hỗn hợp. Những tưởng với con tàu này sẽ giúp ông vùng vẫy khắp Biển Đông. Nào ngờ...

Từ năm 2017 đến nay, chi phí mỗi chuyến biển đã tăng cao, khoảng 150 triệu đồng, chưa kể tiền công trả cho 10 bạn thuyền. Trong khi đó, sản lượng hải sản đánh bắt thấp, giá bán bấp bênh, dẫn đến tình trạng thu không đủ bù chi cho mỗi chuyến biển. "Làm ăn nó không vào, không đủ tiền trả nợ ngân hàng nên tàu đành nằm bờ"- ngư dân Nguyễn A cất tiếng thở dài.

5 nam con tau 67 (bai 3): noi buon xa bien va noi lo... hau toa hinh anh 2

Tàu cua ngư dân Nguyễn A đóng 12 tỷ đồng cũng nằm bờ do sản lượng hải sản đánh bắt thấp, giá bán bấp bênh

Ông Nguyễn Tấn Nam - Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019 sản lượng đánh bắt hải sản ở địa phương đạt khoảng 670 tấn, giảm 40 tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đánh bắt giảm, giá bán bấp bênh, trong khi chi phí tăng cao đã dẫn đến tình trạng nhiều tàu cá phải nằm bờ. Đã có không ít ngư dân lên bờ, bỏ nghề đi biển để tìm việc làm tại các dự án du lịch đang triển khai ở vùng Đông của Quảng Nam.

“Xã Duy Nghĩa là một xã bãi ngang ven biển nên có số lượng tàu thuyền tương đối lớn. Trong đó, có 15 tàu công suất hơn 100CV và 2 tàu đóng theo Nghị định 67. Hoạt động đánh bắt hải sản của các tàu cá ở Duy Nghĩa từ đầu năm 2019 đến nay không hiệu quả”, ông Nam nói.

Vay 19 tỷ đồng, sau 3 năm mới trả được... 1 tỷ đồng: Đến chết không hết nợ!

Những ngày cuối tháng 8, PV Báo điện tử Dân Việt về vùng biển Gio Linh (Quảng Trị) để tìm hiểu quá trình đánh bắt thuỷ sản của ngư dân vay vốn đóng mới tàu 67. Gặp PV, ngư dân H.V.H (trú xã Trung Giang) thở dài cho biết, NĐ 67 đã giúp ngư dân tiếp cận được vốn vay, đóng mới tàu sắt vươn khơi bám biển. Thế nhưng, những con tàu đấy, nay đã thành... cục nợ.

5 nam con tau 67 (bai 3): noi buon xa bien va noi lo... hau toa hinh anh 3

Những con tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 ở Quảng Trị đang lâm vào tình trạng nợ xấu vì nhiều yếu tố. Ảnh: Đất Lửa

Năm 2016, ông H vay 19 tỷ đồng đóng tàu vỏ thép, công suất máy 829CV, lãi suất ưu đãi 1% mỗi năm, trả dần trong 16 năm. Năm đầu do chưa nắm rõ kỹ thuật đánh bắt bằng tàu vỏ thép, ngư lưới cụ chưa phù hợp nên khi hoạt động nhiều lần bị rách lưới, phải tu bổ gần 1 tỷ đồng. Theo cam kết, mỗi năm ông H phải trả 1,3 tỷ đồng tiền lãi và gốc cho ngân hàng nhưng năm 2016 chỉ trả được 200 triệu đồng.

Hai năm sau, tình hình đánh bắt có khá hơn nhưng ông H cũng chỉ trả được 850 triệu đồng tiền nợ ngân hàng. Đến nay, khoản nợ xấu cả gốc lẫn lãi của ông H đã lên tới 1,9 tỷ đồng, rất khó xoay xở. 

Theo ông H, mỗi chuyến ra khơi phải thu về khoảng 300 triệu đồng mới mong có lãi, nếu dưới con số đó thì chắc chắn lỗ. Bởi vì, dù đánh bắt lãi hay lỗ thì ông cũng phải trả lương cho 16-18 thuyền viên với mức lương 4 triệu đồng/người. Theo ông H, lao động biển ngày càng khan hiếm nên chủ tàu phải trả lương cố định như vậy mới mong đủ thuyền viên cho mỗi chuyến ra khơi, nếu không thì sẽ mất người. "Cứ đà này, có khi đến chết, tôi vẫn không trả được hết nợ"- ngư dân H. lo lắng.

Gặp ngư dân T.V.H (trú xã Trung Giang, Gio Linh), người cũng đã vay 16,7 tỷ đồng để đóng mới tàu vỏ thép 829CV vào năm 2016 hành nghề lưới vây. Thế nhưng, từ khi hoạt động đến nay, ông H chỉ trả nợ ngân hàng được 700 triệu đồng, nợ quá hạn đến nay lên tới 2,1 tỷ đồng.

Theo ông T.V.H, khi vay dự kiến siêng năng ra khơi thì khoảng 8 năm là có thể trả hết nợ. Thế nhưng, thực tế không như mong muốn vì đánh bắt bấp bênh, sản lượng thấp, đa số ra khơi đều bị lỗ nên không có tiền trả nợ ngân hàng. “Với tình hình này không biết khi nào mới trả hết nợ” – ông H nói.

Tình trạng ngư dân nợ xấu khi vay vốn đóng mới tàu 67 diễn ra khoảng 2 năm qua, với số tiền 144 tỷ đồng đã khiến ngư dân lẫn ngân hàng ở Quảng Trị điêu đứng. Hiện nay, phía ngân hàng và chính quyền địa phương đang tìm cách “cứu” ngư dân nhưng khó tránh trường hợp khởi kiện.

Tiếp xúc với PV, các ngư dân cho biết, để vận hành tàu vỏ thép phải tốn kinh phí gấp nhiều lần tàu gỗ, trong khi ngư trường lại bị bó hẹp, sản lượng đánh bắt thấp, đầu ra không ổn định đã khiến ngư dân bị lỗ. Các ngư dân nợ xấu vay vốn đóng mới tàu 67 đều mong muốn chính quyền địa phương, ngân hàng có phương án giãn nợ, cho thêm thời gian để đánh bắt, tìm hướng trả nợ dần dần.

Theo một ngư dân có nợ xấu tàu 67, nếu phía ngân hàng bắt buộc phải trả nợ xấu ngay lập tức thì chắc chắn ngư dân không thể làm được. Bởi lẽ, không ngư dân nào muốn chây ì mà vì lý do khách quan nên mới dẫn tới nợ xấu ngân hàng. “Là ngư dân, chúng tôi mong muốn vươn khơi bám biển để giữ lấy nghề ông cha truyền lại, vừa có kinh tế cho gia đình và còn tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Lâm vào nợ xấu chẳng ai muốn, chỉ vì yếu tố khách quan” – một ngư dân chia sẻ.

Đối mặt với kiện tụng, hầu tòa

Bên cạnh việc nhiều tàu nằm bờ, ngư dân Quảng Nam còn liên tục hầu tòa do dính vụ kiện tàu 67.

Đó là con tàu vỏ sắt Qna94679TS trị giá 16 tỷ đồng của ngư dân  Trần Văn Liên (51 tuổi, ngụ thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam) được đóng theo NĐ 67, đến nay vẫn án binh bất động tại bờ biển Thọ Quang (Đà Nẵng), chưa một lần vươn khơi bám biển.

5 nam con tau 67 (bai 3): noi buon xa bien va noi lo... hau toa hinh anh 4

Con tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên (Thăng Bình) từ khi đóng đến giờ chưa một lần vươn khơi do dính đến kiện tụng kéo dài

“Tôi thuộc diện được hỗ trợ đóng tàu vỏ thép theo NĐ67. Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Nam yêu cầu vốn đối ứng nên vợ chồng tôi bán con tàu nhỏ, cầm cố nhà cửa vay thêm anh em để làm vốn đối ứng. Ngân hàng BIDV cho tôi vay với tổng tiền đã giải ngân hơn 7,6 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tàu vỏ thép hình thành từ vốn vay mang số hiệu QNa-94679 TS và toàn bộ máy móc, trang thiết bị trên tàu.

Khi tàu sắp hoàn tất, tôi tiếp tục cầm sổ đỏ ngôi nhà đang ở để vay ngân hàng gần 500 triệu đồng dung vào ký hợp đồng thuê lao động, mua nhu yếu phẩm chuẩn bị vươn khơi. Tuy nhiên, khi đóng tàu xong, tiến hành chạy thử thì xảy ra sự cố hư hỏng, không thể hoạt động khai thác thủy sản được. Việc tàu nằm bờ do hỏng máy khiến gia đình tôi lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất…”, ngư dân Liên đau buốt.

5 nam con tau 67 (bai 3): noi buon xa bien va noi lo... hau toa hinh anh 5

Ngư dân Liên đau đáu không biết số phận của con tàu hàng chục tỷ đồng và số phận mình đi về đâu

Do các bên không nhận trách nhiệm nên ông Liên quyết định kiện công ty CP đóng tàu Bảo Duy (Cty Bảo Duy, đơn vị đóng tàu) và Công ty CP Tập đoàn Liên Á (Cty Liên Á, đơn vị bán máy tàu) ra tòa. Và đến nay, ông Liên đã không dưới 10 lần hầu tòa.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết, qua khảo sát đã nhận thấy lực lượng lao động, thị trường cũng như ngư trường đánh bắt của ngư dân một số huyện như Thăng Bình, Duy Xuyên đang gặp khó khăn. Vì vậy, Sở NNPTNT tỉnh đã khuyến cáo ngư dân cần chủ động trong xây dựng lại phương án tổ chức sản xuất.

“Quảng Nam có 63 tàu cá đóng theo NĐ 67, trong đó có 13 tàu lưới rê hỗn hợp. Vì nghề lưới rê hỗn hợp hoạt động không hiệu quả nên đã có 5 tàu đã chủ động chuyển đổi qua nghề chụp mực và đạt được hiệu quả bước đầu. 8 tàu lưới rê hỗn hợp còn lại đang tính toán phương án, kế hoạch sản xuất sao cho hiệu quả để tiếp tục đưa tàu vươn khơi, bám biển”, ông Tấn nói.

Còn ông Dương Văn Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã có thông báo gửi đến Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh Quảng Trị về việc sẽ khởi kiện các ngư dân vay vốn theo nghị định này vì nợ xấu.

5 nam con tau 67 (bai 3): noi buon xa bien va noi lo... hau toa hinh anh 6

Ngân hàng BIDV Quảng Trị gửi thông báo đến cơ quan chức năng về việc dự kiến sẽ khởi kiện các chủ tàu nợ xấu vay đóng mới tàu 67. Ảnh: Đất Lửa

Theo đó, ngân hàng này đã cho vay 178 tỷ đồng thì nợ xấu lên đến 144 tỷ đồng. Trong 11 chủ tàu được vay vốn đóng mới tàu 67 thì có đến 10 chủ tàu trong tình trạng nợ xấu.

Theo ông Hà, ngân hàng này đã nhiều lần làm việc với các chủ tàu nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như bàn các giải pháp để thu hồi nợ. Phía các chủ tàu cho rằng, do thời tiết không thuận lợi, sản lượng đánh bắt giảm, thu không bù chi; không có ngư trường đánh bắt rộng rãi như trước đây do bị phía tàu lạ đánh đuổi; tàu không ra khỏi bến neo đậu được do bị mắc cạn ở cảng Cửa Tùng.

Theo BIDV Quảng Trị, tình trạng chủ tàu 67 nợ xấu đã kéo dài gần 2 năm qua, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của đơn vị. Vì vậy, BIDV Quảng Trị dự kiến sẽ khởi kiện các chủ tàu nợ xấu để xử lý nợ.

Ông Hà cho biết, BIDV Quảng Trị đã lên danh sách để chuẩn bị khởi kiện 3 ngư dân. Tuy nhiên, sau khi làm việc lại với chính quyền địa phương và ngư dân, phía ngân hàng đã quyết định gia hạn thời gian khởi kiện.

Theo đó, ngân hàng yêu cầu ngư dân cam kết trong thời hạn 3 tháng phải trả nợ xấu, nếu không sẽ tiến hành khởi kiện ra toà theo luật định.

“Ngư dân đã được vay vốn ưu đãi, bên cạnh quyền lợi thì phải thực hiện trách nhiệm trả nợ của mình. Việc khởi kiện là giải pháp bất đắc dĩ ngân hàng phải thực hiện để đảm bảo xử lý nợ theo quy định pháp luật” – ông Hà nói.

Ngư dân nếu không trả nợ sẽ bị xử lý
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện nghị định 67 tỉnh Quảng Trị cho biết, thực hiện Nghị định 67, các ngân hàng tại Quảng Trị đã cho ngư dân vay gần 437 tỷ đồng để đóng mới một tàu dịch vụ hậu cần, 24 tàu đánh bắt (17 tàu vỏ thép, 7 tàu vỏ gỗ). Nhìn chung, chính sách hỗ trợ từ Nghị định 67 đã mang lại hiệu quả trong đánh bắt thuỷ sản, đặc biệt giúp ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.
Theo ông Đồng, địa phương này đã chỉ đạo các ngành, địa phương đôn đốc các chủ tàu thực hiện đúng hợp đồng, nếu không thì phải thực hiện các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
“Ngư dân đã được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước rồi thì phải có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, nếu không thì sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi tiếp theo, đồng thời phải bị xử lý theo quy định của pháp luật” – ông Đồng nói.

(Dân Việt)
Tags:
Cùng chuyên mục