Báo Trung Quốc: Nhượng bộ Mỹ là một "sai lầm nghiêm trọng mang tính lịch sử"

02/09/2019 18:01 GMT+7
Trong khi Mỹ và Trung Quốc đẩy chiến tranh thương mại lên một nấc thang mới bằng việc đồng thời áp mức thuế mới từ 1.9, truyền thông Trung Quốc cũng bày tỏ ý chí cứng rắn khi đưa ra cảnh báo bất kỳ sự nhượng bộ nào với Mỹ là một “sai lầm nghiêm trọng”. Quan điểm được đăng trên tờ Nhân dân Nhật báo hôm 2.9.

Tờ Nhân dân Nhật báo đăng tải bài bình luận cho rằng nhượng bộ Trung Quốc và một sai lầm nghiêm trọng mang tính lịch sử

“Nếu Trung Quốc tỏ ra yếu thế và nhượng bộ dưới sự độc đoán của Mỹ, đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng mang tính lịch sử” - bình luận của giáo sư ngành quan hệ quốc tế Jin Canrong (Đại học Renmin) và Sun Xihui (Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc).

“Đối mặt với hành vi bắt nạt và gây áp lực từ Washington, việc nhượng bộ sẽ không lấy được sự đồng cảm từ nhân dân. Chúng ta cần bảo vệ lợi ích cốt lõi của quốc gia bằng cách duy trì những biện pháp đấu tranh cần thiết”. 

Bình luận được đưa ra trong bối cảnh vòng thuế quan mới mà Mỹ và Trung Quốc áp đặt lên hàng hóa của đối phương vừa chính thức có hiệu lực, trong khi thời điểm diễn ra đàm phán vào đầu tháng 9 tại Washington vẫn chưa được công bố. Trong khi Mỹ chính thức áp thuế 15% với số mặt hàng trị giá khoảng 125 tỷ USD của Trung Quốc, bao gồm cả quần áo, giày dép, thực phẩm, đồ gia dụng, TV...từ 1.9 thì Trung Quốc cũng đồng thời tăng thuế với 75 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ cùng ngày. Theo như kế hoạch được công bố, cả hai nước sẽ duy trì đợt thuế quan mới có hiệu lực vào 15.12 tới đây, động thái làm kéo dài chiến tranh thuế quan và dấy lên mối lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu trong tương lai gần. 

Trong bài báo, hai giáo sư cũng kêu gọi Trung Quốc từ bỏ lối tư duy tôn vinh nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều dẫn đến mối lo sợ rằng Bắc Kinh sẽ bị đánh bại vì khoảng cách phát triển và áp lực lớn lao từ Mỹ. Thay vào đó, cần đẩy mạnh quyết tâm đấu tranh cho đến khi giành được chiến thắng trên bàn đàm phán.

Shi Yinhong, đồng nghiệp của giáo sư Jin Canrong tại Đại học Renmin cũng duy trì quan điểm đấu tranh khi nhận định Trung Quốc sẽ tuân thủ 3 nguyên tắc chính trên bàn đàm phán. Thứ nhất, Mỹ xóa bỏ hoàn toàn kế hoạch áp thuế đã, đang và sẽ có hiệu lực. Thứ hai, các điều kiện đàm phán thể hiện sự công bằng và bình đẳng. Thứ ba, Trung Quốc chỉ nhập khẩu sản phẩm của Mỹ đúng theo nhu cầu trong nước. “Nếu một trong ba nguyên tắc này không được đáp ứng, không có gì để đàm phán thêm. Kể từ khi thương chiến leo thang vào tháng 5, Mỹ đã ép Trung Quốc vào con đường duy nhất là trả đũa nếu không muốn bị coi là nhượng bộ và yếu thế”.

“Trung Quốc đã bày tỏ sự chân thành, nhưng Trump lại coi đó như một dấu hiệu Bắc Kinh tha thiết hy vọng thỏa thuận thương mại”, giáo sư Shi cáo buộc. “Vẫn còn nhiều nghi ngờ xoay quanh việc liệu kinh tế Mỹ có tiếp tục đà tăng trưởng cho đến cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2020 hay không. Trump có lẽ sẽ phải thỏa hiệp nếu kinh tế Mỹ chứng kiến dấu hiệu suy thoái rõ rệt”. 

Một nguồn tin thân cận của Nhân dân Nhật báo cũng cho hay Chính phủ Trung Quốc còn nhiều công cụ khác để sử dụng như vũ khí trong thương chiến. “Câu hỏi đặt ra là Bắc Kinh có muốn leo thang căng thẳng hay không, sau dữ liệu kinh tế suy yếu vào tháng 7 và tháng 8”, nguồn tin nói thêm.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục