Cách tính GDP mới: Thu nhập bình quân đầu người tăng "trên giấy"?
Tại hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia diễn ra sáng ngày 7/8, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng về thay đổi cách tính GDP, hiện Tổng cục Thống kê đã hoàn tất và sắp sửa công bố kết quả với cách tính mới.
Theo đó, việc thay đổi cách tính đã cho ra một số kết quả tích cực, ví như thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam (GDP đầu người) theo cách tính GDP mới sẽ tăng lên khoảng 3.000 USD/năm (năm 2018), thay vì cách tính hiện nay đang áp dụng thì con số này là 2.590 USD/người/năm. Dù vậy, số liệu cụ thể về quy mô GDP của nền kinh tế Việt Nam theo cách tính mới chưa được tiết lộ. Theo cách tính vẫn đang áp dụng thì nền kinh tế Việt Nam năm 2018 có quy mô khoảng 5,5 triệu tỷ đồng (hơn 240 tỷ USD).
PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc trường Đại học Kinh tế quốc dân, thành viên nhóm tư vấn Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có những thông tin chia sẻ xung quanh vấn đề này.
PGS.TS Phạm Thế Anh
Cách tính GDP mới giúp quy mô của nền kinh tế tăng thêm 40 tỷ USD
Thưa ông, theo cách tính GDP mới (chưa công bố) của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tăng thêm khoảng 15,8% so với cách tính hiện tại, lên 3.000 USD/người/năm, có thể đến từ những yếu tố nào?
Trong đề án của Tổng cục Thống kê đã nói rõ, là cơ quan này thống kê thêm những hoạt động kinh tế không quan sát hoặc chưa quan sát được. Điều này sẽ làm gia tăng GDP của nền kinh tế và đương nhiên thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng tăng lên.
Đây cũng không phải là việc chưa có tiền lệ. Tôi lấy đơn cử như trước đây, nhà ở tự có không tính vào GDP nhưng từ năm 2014, nhà ở tự có cũng đã được đưa vào để tính GDP.
Ví dụ bạn có 1 ngôi nhà. Nếu như ngôi nhà đó bạn đi thuê thì phải mất 10 triệu đồng/tháng. Nhưng thay vì bạn phải trả tiền thuê cho chủ ngôi nhà và nó trở thành thu nhập của người cho thuê thì nay nếu bạn chính là chủ sở hữu ngôi nhà thì cũng giống như bạn tự trả tiền cho bạn là 10 triệu đồng. Trên cơ sở đó, Tổng cục Thống kê sẽ tính toán rằng, giá trị của ngôi nhà đó tạo ra cho bạn bao nhiêu tiền và số tiền này được đưa thêm vào tính GDP và làm gia tăng GDP của nền kinh tế.
Tương tự, theo cách tính mới của Tổng cục Thống kê dù chưa công bố chính thức nhưng có thể dự đoán rằng, cơ quan này sẽ tìm thêm những dịch vụ như thế để tính vào GDP.
Ngoài ra, còn có những hoạt động phi chính thức như con gà, mớ rau mà các gia đình đang tự sản xuất, tự tiêu dùng. Đặc biệt là các gia đình nông thôn chẳng hạn, họ tự trồng rau, nuôi con gà, con lợn và tự tiêu thụ. Tất cả những giá trị được tạo ra từ hoạt động đó đều có thể được Tổng cục Thống kê quy đổi, ước tính để tính vào GDP.
Hay như các hoạt động phi chính thức khác như cắt tóc, bán hàng rong, trà đá…trước đây chưa thống kê vào thì nay sẽ thống kê vào.
Theo như ông nói thì cách tính GDP mới có thể sẽ bao hàm giá trị của những hoạt động kinh tế chưa được quan sát mang lại. Tuy nhiên, đó là những giá trị được Tổng cục Thống kê quy đổi, ước tính. Vậy, tính chính xác của con số mới này đến đâu, và điều này có phù hợp với thông lệ quốc tế hay không?
Như tôi đã đề cập ở trên, cách tính GDP mới khiến cho thu nhập bình quân đầu người tăng lên con số 3.000 USD/người/năm là một con số không hề nhỏ. Tất nhiên những hoạt động được đưa thêm vào tính GDP lần này có thể trước đây họ không đưa ra thị trường thì Tổng cục Thống kê sẽ không tính toán được con số chính xác mà chỉ là mang tính ước tính, phỏng đoán.
Tôi lấy ví dụ, nếu sản xuất 1 cái xe đạp bán ra thị trường thì biết ngay giá là bao nhiêu nhưng những hàng hóa không quan sát được, không có trên thị trường thì rất là khó tính nên chúng ta chỉ có thể đưa ra con số ước tính. Chính vì vậy, con số đấy sẽ kém chính xác đi.
Đấy là nói trên phương diện lý thuyết, còn con số 3.000 USD của Tổng cục Thống kê đưa ra thì tôi chưa thể khẳng định hay bình luận rằng nó chính xác hay không chính xác bởi hiện tại cơ quan này vẫn chưa công bố chính thức về phương pháp tính GDP mới.
Còn về thông lệ quốc tế, theo tôi biết thì nguyên tắc tính GDP của mỗi một quốc gia đều phải theo những chuẩn mực nhất định. Cách tính GDP của Việt Nam cũng như các nước không tự sáng tạo ra được mà phải thực hiện dựa trên các khái niệm, nguyên tắc chung thì lúc đó chúng ta mới đánh giá được tình hình kinh tế vĩ mô của nước ta một cách chính xác. Phải theo một chuẩn mực chung thì GDP của các nước mới so sánh được với nhau, nếu Việt Nam tính theo một cách khác mà thế giới không làm thì GDP của chúng ta thống kê ra sẽ không so sánh được với các quốc gia khác.
Hiện nay Việt Nam đang tương đối theo thông lệ quốc tế. Những hàng hóa VIệt Nam đang tính thế giới cũng đã tính vào GDP. Năm 2014, Việt Nam điều chỉnh giá nhà tự ở tự có vào GDP, thế giới họ cũng đã làm và Việt Nam chỉ học theo thế giới mà thôi.
Còn cách tính lần này có theo thông lệ hay không phải đợi Tổng cục Thống kê công bố xem họ tính thêm cái gì vào trong cách tính mới thì chúng ta mới có thể đánh giá được.
Vậy theo quan điểm của ông, những yếu tố nào sẽ thay đổi khi thay đổi cách tính GDP?
Thu nhập bình quân đầu người theo cách tính mới (chưa công bố) tăng từ 2.590 USD lên 3000 USD (~15,8%). Với dân số hiện nay vào khoảng 97,53 triệu người thì quy mô GDP của cả nền kinh tế tăng từ 253 lên 293 tỷ USD (tăng 40 tỷ USD) theo cách tính mới.
Điều này có nghĩa là:
Thứ nhất, Việt Nam sẽ chính thức vượt qua Lào trên bảng xếp hạng thu nhập của Ngân hàng Thế giới (Theo tổ chức này, năm 2018 GDP/người của Lào là 2.568 USD còn của Việt Nam là 2.564 USD), góp phần cải thiện hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thứ 2, nợ công sẽ giảm từ 58,4% GDP hiện nay xuống còn khoảng 50,4% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 46,0% GDP hiện nay xuống còn dưới 40,0%. Xếp hạng tín nhiệm của quốc gia cũng theo đó mà tăng lên. So với trần nợ công 65% GDP thì Chính phủ còn rất nhiều dư địa để vay nợ.
GDP tăng thêm, tạo dư địa vay nợ cho Chính phủ
Thứ 3, góp phần làm giảm thặng dư tài khoảng vãng lai/GDP và can thiệp mua vào ngoại tệ/GDP, hai trong ba tiêu chí mà chính quyền của ông Donald Trump đang sử dụng để xác định một quốc gia thao túng tiền tệ để từ đó trừng phạt thương mại.
Thứ tư, giảm thâm hụt ngân sách/GDP. Nếu Quốc hội duy trì hạn mức thâm hụt 3,6% GDP như hiện nay thì Chính phủ sẽ có thêm 3,6%*40=1,44 tỷ USD để chi tiêu trong năm 2019. Các năm sau cũng thế.
Thứ năm, phần tăng thêm theo cách tính mới này chủ yếu đến từ khu vực phi chính thức (không/chưa quan sát được). Do vậy, khi sử dụng kết quả mới thì các tiêu chí phản ánh quy mô của khu vực công như quy mô của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công,... tính theo tỷ lệ với GDP sẽ giảm xuống. Góp phần giúp Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường nhanh hơn.
Thứ 6, giúp năng suất lao động - yếu tố quyết định mức sống trong dài hạn nhưng lại là điểm yếu của Việt Nam - tăng đáng kể.
Và cuối cùng, với mức GDP cao hơn sẽ làm lành mạnh hệ thống tài chính tiền tệ của Việt Nam bởi khi đó các chỉ tiêu như tỷ lệ tín dụng/GDP, cung tiền/GDP, nợ xấu/GDP,... sẽ giảm xuống.
Nhìn chung tác động là tích cực, chỉ có "nồi cơm” của nhân dân là không có gì thay đổi.
GDP bình quân tăng trên giấy, "nồi cơm" của người dân không thay đổi
Như ông đề cập, nồi cơm của nhân dân không thay đổi, vậy cách tính này thực chất chỉ là bình mới rượu cũ?
Điều này ai cũng có nhìn thấy. Việc thay đổi cách tính GDP chỉ mang tính hình thức. Tức là thay đổi về mặt danh nghĩa còn thực chất thu nhập của nền kinh tế vẫn không hề thay đổi, thực tế trước là 10 đồng thì nay vẫn là 10 đồng chứ không phải thay đổi cách tính thì thu nhập bình quân đầu người của nền kinh tế được tạo thêm ra.
Chỉ khác nhau ở chỗ, trước kia nền kinh tế có 10 đồng thì chúng ta mới chỉ đưa vào con số chính thức 7 đồng, còn lại 3 đồng không được tính hay nói ví von “để ngoài sổ sách” thì nay chúng ta sẽ đưa vào tính toán chính thức để tính GDP mà thôi.
Nếu như vậy thì bản chất là thu nhập bình quân đầu người không thay đổi mà chỉ thay đổi con số hình thức. Người dân trước đây sống như thế nào thì nay cũng vẫn sẽ như thế, đời sống không cải thiện hơn. Chứ không phải với cách tính mới GDP tăng thêm thì người dân giàu lên hay nghèo đi.
Vậy thì câu chuyện giảm thâm hụt và tăng khả năng vay nợ của Việt Nam như ông đề cập cần được hiểu như thế nào, thưa ông?
Nếu Quốc hội vẫn cho phép Chính phủ vay nợ theo những chỉ tiêu cũ thì Việt Nam sẽ có khả năng vay nợ nhiều hơn khi tính GDP theo cách mới.
Với cách tính mới, nợ công sẽ giảm từ 58,4% GDP hiện nay xuống còn khoảng 50,4% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia giảm từ 46,0% GDP hiện nay xuống còn dưới 40,0%. So với trần nợ công 65% GDP thì Chính phủ còn rất nhiều dư địa để vay nợ.
Còn về thâm hụt ngân sách/GDP. Nếu Quốc hội duy trì hạn mức thâm hụt 3,6% GDP như hiện nay thì Chính phủ sẽ có thêm 3,6%*40=1,44 tỷ USD để chi tiêu trong năm 2019 và các năm tiếp theo cũng tương tự.
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm từng khẳng định: Không có chuyện thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát sẽ có thể làm đẹp về GDP dẫn đến những sai lệch về nợ công.
Tuy nhiên, tôi cần phải nhấn mạnh rằng, đó chỉ là con số “danh nghĩa” còn thực tế nền kinh tế hiện tại của Việt Nam như thế nào thì vẫn như thế. Như tôi nói vui “nồi cơm của nhân dân không có gì thay đổi”. Chính vì vậy, khi GDP tăng lên theo cách tính mới nếu chúng ta không điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế, xã hội thì về mặt pháp lý, Việt Nam sẽ được tăng khả năng vay nợ. Nhưng việc vay nợ có an toàn hay không lại là câu chuyện khác.
An toàn nợ không chỉ tính theo GDP mà còn dựa vào nhiều yếu tố. Đối với Chính phủ việc vay nợ phụ thuộc khả năng trả nợ của Chính phủ và sử dụng đồng vốn đó như thế nào? Trước khi điều chỉnh hay sai khi điều chỉnh GDP thì khả năng trả nợ và an toàn nợ của Việt Nam không thay đổi. Con số tuyệt đối của khoản nợ Việt Nam đang gánh cũng không hề mất đi hay giảm bớt. Vì vậy, nếu sau khi GDP được điều chỉnh tăng thêm, chúng ta tiếp tục vay nợ thì khả năng an toàn nợ sẽ kém đi.
Tóm lại, phương pháp tính mới hay phương pháp tính cũ không làm thay đổi an toàn nợ công bởi vì thu nhập của nền kinh tế, của Chính phủ như thế nào thì nay vẫn thế không có tăng thêm đồng nào chỉ là cách gọi khác đi. Việc điều chỉnh tính mới cho phép chúng ta vay nợ nhiều hơn, thâm hụt nhiều hơn thì có nghĩa là an toàn nợ của chúng ta sẽ kém đi.
Vậy có thể hiểu, với cách tính GDP mới mà Tổng cục Thống kê dự kiến áp dụng, Việt Nam sẽ "thoát khỏi" danh sách thao túng tiền tệ và trừng phạt thương mại của Mỹ?
Có 3 tiêu chí (ngưỡng) để một quốc gia được chính quyền của ông Donald Trump dùng để đánh giá một quốc gia có thao túng tiền tệ hay không đó là quốc gia đó có thặng dư thương mại trên 20 tỷ USD với Mỹ (C1). Tiêu chí 2 (C2), thặng dư cán cân thanh toán 2% GDP và cuối cùng quy định thời gian mua ngoại tệ ròng liên tục 6/12 tháng.
Ngày 29/5 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố Báo cáo định kỳ bán niên về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, trong đó bổ sung 5 quốc gia mới gồm Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam vào danh sách theo dõi trong thời gian tới.
Nếu so với các chỉ tiêu mà Mỹ dùng để đánh giá 1 nước thao túng tiền tệ thì Việt Nam đã chạm hai ngưỡng C1 và C2.
Như vậy đúng là về mặt con số, khi GDP tăng lên thì các chỉ tiêu về thặng dư tài khoảng vãng lai/GDP và can thiệp mua vào ngoại tệ/GDP sẽ giảm bớt đi. Điều này có nghĩa rằng, Việt Nam có thể thoát ra khỏi danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ và giảm khả năng bị đưa vào danh sách theo túng tiền tệ của Chính quyền Donald Trump.
Còn việc có áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại hay không thì không chỉ căn cứ trên những yếu tố này mà Mỹ còn căn cứ vào nhiều yếu tố khác tùy theo ý muốn của Tổng thống Mỹ Donald Trump, điều này rất khó đoán định.
Quan trọng là Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đạt được mục đích gì từ Việt Nam?
Tôi lấy ví dụ như việc Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn đạt được mục tiêu hàng rào biên giới, hay như việc Mexico phải có động thái ngăn chặn dòng người di cư vào Mỹ chẳng hạn … đó mới chính là lý do Tổng thống Trump đưa ra đe dọa và áp dụng các biện pháp trừng phạt thương mại chứ không phải chỉ căn cứ vào mấy chỉ tiêu như đã đề cập ở trên.
(Xin cảm ơn ông!)