Chiến tranh thương mại Mỹ Trung có thể kết thúc nhưng chiến tranh công nghệ thì không?
Tiktok là cái tên mới nhất bị Bộ Thương mại Mỹ tiến hành điều tra do những cáo buộc rủi ro an ninh quốc gia, sau khi loạt Thượng nghị sĩ Thượng viện Mỹ dẫn đầu là Marco Rubio nghi vấn ứng dụng này kiểm duyệt nội dung theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh.
Trước đó, hàng loạt gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như tập đoàn dịch vụ viễn thông lớn nhất hành tinh Huawei, nhà cung cấp camera giám sát lớn nhất thế giới Hikvision, công ty phát triển công nghệ giám sát trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI Dahua Technology...đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen, bất chấp sự chỉ trích “bắt nạt kinh tế” từ Bắc Kinh.
“Chính quyền Trump đưa các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào tầm ngắm không đơn thuần do quan ngại an ninh quốc gia, mà còn do mối đe dọa cạnh tranh công nghệ với siêu cường Mỹ” - các chuyên gia phân tích CNBC nhận định. “Danh sách đen có khả năng được sử dụng như một đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại. Nhưng không ai có thể chắc chắn sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt đến thỏa thuận thương mại, các công ty công nghệ Trung Quốc sẽ thoát khỏi tầm ngắm của Lầu Năm Góc”.
Đòn bẩy chiến tranh thương mại?
Bất chấp những tín hiệu lạc quan từ các cuộc thảo luận thương mại, nguy cơ thương chiến kéo dài giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới vẫn đang đè nặng lên thị trường. Các nhà phân tích chỉ ra ngay cả khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump ký vào thỏa thuận giai đoạn 1 thì những xung đột cơ bản liên quan đến trợ cấp chính phủ và chuyển giao công nghệ bắt buộc vẫn có thể thổi bùng căng thẳng thương mại.
Một mối quan ngại khác của thị trường là việc Tổng thống Donald Trump sẵn sàng theo đuổi các chiến dịch đưa những công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc vào tầm ngắm như một cách kìm chế bước nhảy vọt công nghệ của đất nước tỷ dân. Một số nhà phân tích như ông Dan Wang từ công ty nghiên cứu kinh tế vĩ mô Gavekal nhận định Mỹ đang cố gắng dùng Huawei nói riêng và danh sách đen nói chung như một quân cờ gây áp lực cho Bắc Kinh trên bàn đàm phán.
Còn ông Adam Segal, Chủ tịch Hội đồng quan hệ Đối ngoại Mỹ thì chia sẻ: “Nhìn từ góc độ an ninh quốc gia, cạnh tranh công nghệ và nhân quyền, thì những mối quan ngại về sự phát triển của công nghệ Trung Quốc sẽ tiếp diễn ngay cả khi thỏa thuận thương mại được ký kết”. Điều đó có nghĩa là trong dài hạn, bất chấp thương chiến kết thúc với phần thắng nghiêng về phe nào, thì Mỹ nhiều khả năng vẫn không buông tha cho chiến lược phát triển thành siêu cường công nghệ của Trung Quốc.
Hay cuộc chiến giành vị thế siêu cường công nghệ?
Cũng theo nhận định từ tờ CNBC, nguyên nhân sâu xa phía sau hành động Washington gây áp lực cho loạt đại gia công nghệ Trung Quốc thực chất là mối đe dọa cạnh tranh mà các doanh nghiệp này gây ra với những tập đoàn Mỹ, tức là một cuộc chiến tranh công nghệ.
Hồi đầu tuần trước, ông Michael Brown - một quan chức trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc hiện đang bắt kịp và dần vượt qua Mỹ trên nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng như trí tuệ nhân tạo AI, khoa học lượng tử, mạng 5G, di truyền sinh học và công nghệ vũ trụ. Đây không chỉ là những lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển kinh tế xã hội lâu dài mà còn được ứng dụng trong hoạt động quân sự, do đó ảnh hưởng to lớn đến vị thế quốc gia trên chính trường quốc tế. Đó là lý do vì sao Nhà Trắng phải hành động, dù có cuộc chiến tranh thương mại hay không.
Một ví dụ cụ thể là trường hợp của ứng dụng Tiktok mới đây bị điều tra vì những cáo buộc kiểm duyệt nội dung theo sự chỉ đạo của Bắc Kinh. Tuy nhiên sâu xa hơn, nhiều nhà phân tích chỉ ra đây còn là chiêu bài nhằm bảo hộ các ứng dụng mạng xã hội truyền thông của Mỹ như Facebook, Snapchat...khỏi sự phổ biến và cạnh tranh của Tiktok. Theo một thống kê tính đến hết quý III, số lượt tải ứng dụng Tiktok tại Mỹ đã vượt quá 110 triệu, một con số kỷ lục.
Hay như trường hợp của Huawei, Bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra hàng chục cáo buộc liên quan đến hành vi ăn cắp bí mật thương mại, gián điệp cho Bắc Kinh, rủi ro cho quan hệ đối ngoại quốc tế...để đưa gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen. Nhưng đáng nói là Chính quyền Trump sau đó còn gây áp lực lên hàng loạt quốc gia đồng minh để loại Huawei khỏi các dự án phát triển mạng viễn thông 5G, khiến Huawei rơi vào “cuộc khủng hoảng sinh tử” theo lời CEO Nhậm Chính Phi. Ngay cả khi đàm phán Mỹ Trung tiến triển, Tổng thống Trump cũng nhiều lần tuyên bố sẽ giải quyết vấn đề Huawei sau cùng, khi hai nước đã ký xong thỏa thuận thương mại toàn diện.
Nhìn chung, theo nhận định của nhiều chuyên gia phân tích, cho đến thời điểm này, Mỹ vẫn chắc chân ở vị thế siêu cường công nghệ thống trị thế giới. Nhưng với những bước tiến đột phá của Trung Quốc hiện nay, chính quyền Donald Trump hoàn toàn có lý do để quan ngại.