dd/mm/yyyy

Chuyên gia Mỹ: Tôi mê nhất nhãn Việt Nam

Để có thêm cái nhìn khách quan từ phía Mỹ đối với trái cây Việt Nam, Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Thomas P. Sutton - chuyên gia cao cấp về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

 

Ông Thomas P. Sutton - chuyên gia cao cấp về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Thưa, công việc hàng ngày của ông tại Việt Nam là gì?

- Ngay sau khi trái thanh long được phép xuất qua Mỹ vào năm 2008, tôi đã qua Việt Nam (VN). Công việc chính của tôi là kiểm dịch và giám sát liều lượng chiếu xạ trái cây đi Mỹ tại các nhà máy chiếu xạ của VN, sau đó cấp giấy chứng nhận cho phép các lô hàng đạt chất lượng được xuất cảng vào Mỹ. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ và phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (thuộc Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT VN) trong việc mở rộng và xúc tiến thêm nhiều loại trái cây khác vào Mỹ, tham gia giám sát vùng trồng, cấp mã số vùng trồng cho các trang trại VN; tư vấn cho những nhà máy đóng gói, nhà máy chiếu xạ của Việt Nam muốn hội đủ điều kiện kỹ thuật để có mã số tham gia làm hàng vào Mỹ; cũng như đi kiểm tra và  duyệt cấp mã số khi cơ sở của họ đạt được yêu cầu về kỹ thuật theo tiêu chuẩn của Mỹ…

Ông Thomas P. Sutton - chuyên gia cao cấp về kiểm dịch thực vật của Bộ Nông nghiệp Mỹ, được đặc phái sang  Việt Nam trong nhiều đợt công tác những năm qua để hỗ trợ và cùng phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2  thực hiện chương trình xuất khẩu trái cây vào Mỹ.

Tình hình kiểm tra dịch hại cũng như chất lượng của trái thanh long VN xuất đi Mỹ trong những năm qua như thế nào, thưa ông?
Chương trình kiểm tra dịch hại phối hợp giữa 2 nước trong những năm qua khá tốt, đảm bảo được yêu cầu trái cây VN khi xuất qua Mỹ đạt chất lượng tốt, không nhiễm dịch hại, người tiêu dùng Mỹ có thể yên tâm sử dụng. Khoan hãy nói về chất lượng quả khi đã xuất sang Mỹ, mà ngay tại nhà máy chiếu xạ của VN, tôi chưa phát hiện một lô hàng thanh long nào có dịch hại khiến tôi phải quyết định thải loại và trả lại cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ngoài thanh long và chôm chôm, VN cũng xúc tiến xuất khẩu thêm  nhãn, vải, vú sữa, xoài… sang Mỹ. Ông đánh giá sức cạnh tranh của những loại trái cây này như thế nào?

Theo tôi, vú sữa sẽ có tiềm năng rất lớn trong việc thâm nhập vào thị trường Mỹ. Vì nó chưa được trồng ở Mỹ cũng như chưa có một nước nào xuất khẩu loại trái này vào đất nước chúng tôi. Trái vú sữa ăn rất ngon, tôi và các bạn Mỹ của tôi đều công nhận như thế. Tôi tin chắc nó sẽ hấp dẫn được người tiêu dùng Mỹ. Ngoài ra, trái nhãn VN cũng rất ngon, tôi mê nhất một số giống nhãn trồng ở VN, ngon hơn hẳn so với các giống nhãn tôi đã ăn ở các nước khác (cười).

Những loại trái khác, ngoài trái thanh long là trái chỉ có duy nhất ở VN xuất sang bán ở Mỹ, thì chôm chôm bán ở Mỹ từ nhiều năm nay có nguồn gốc của Thái Lan và Mexico... Riêng quả vải tươi ở Mỹ thì có vải của Thái Lan (xử lý chiếu xạ) và vải của Trung Quốc (xử lý lạnh).

Ông đã từng đi thăm và làm việc với nhiều vườn cây ăn trái và trang trại ở ĐBSCL, Bình Thuận. Ông có nhận xét như thế nào về nông dân VN?

Thú thật tôi có ấn tượng khá mạnh về nông dân Việt Nam. Họ không những thông minh, làm việc chăm chỉ mà còn xuất sắc trong khâu sáng tạo. Họ có nhiều sáng kiến về khoa học kỹ thuật. Chỉ riêng việc họ có thể trồng cho ra trái chôm chôm và trái thanh long quanh năm với chất lượng tốt như hiện nay đã là một lợi thế lớn trong việc cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường.

Ông có lời khuyên nào dành cho họ?

Các bạn đã làm khá tốt, những lần làm việc tại VN, tôi vẫn chưa phát hiện có lô hàng nào bị nhiễm dịch hại, nên tôi cũng chẳng có lời khuyên nào. Tôi chỉ có một điểm lưu ý là việc kiểm tra dịch hại trước chiếu xạ chỉ là để phát hiện ra một số các dịch hại, sâu bệnh còn tồn tại trên trái cây xét về khía cạnh kiểm dịch thực vật, chứ không quan tâm đến vấn đề chất lượng của trái đó cụ thể có ngon hay có đẹp không.

Tuy nhiên rõ ràng một trái cây khi sạch sâu bệnh thường có mối quan hệ nhất định với một hình thức đẹp đi theo. Và yếu tố sạch (về các dấu vết của sâu bệnh và tạp chất) và đẹp lại là những yếu tố quyết định việc người tiêu thụ ở Mỹ sẽ bị hấp dẫn và thích mua sản phẩm ấy, ngoài yếu tố an toàn cho cây trồng và cho sức khỏe người tiêu dùng (chắc chắn đã  đạt được, một khi đã xuất vào thị trường Mỹ).

Xin cảm ơn ông!

Ngọc Minh (thực hiện)