Đã đến lúc các startup cần chậm và chắc
Theo Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo ở Việt Nam 2022, trong 9 tháng đầu năm 2022, đầu tư công nghệ tại Việt Nam chứng kiến sự giảm nhẹ so với năm 2021, tuy nhiên, vẫn duy trì như mức độ trước đại dịch Covid-19.
Tổng số vốn đầu tư được rót ra đã giảm 17,9%, trong đó số lượng thương vụ giảm 13%. Đặc biệt, quý 3/2021 đầu tư vào công nghệ Việt Nam chứng kiến sự sụt giảm mạnh.
Mặc dù vậy, đầu tư công nghệ tại Việt Nam cũng có những điểm sáng nhất định. Phía quỹ Do Ventures cho biết, 9 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến kỷ lục về số lượng giao dịch với quy mô gọi vốn đạt 10 - 50 triệu USD, gần bằng với cả năm 2021.
Điều đó cho thấy các công ty đã huy động vốn vòng trước series A (Pre-A) và series A vào năm ngoái đã tăng trưởng sang bước giai đoạn tiếp theo. Số lượng thương vụ có giá trị 3 - 10 triệu USD và lớn hơn 50 triệu USD ngang nhau.
Mặc dù giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái, thương vụ có giá trị 500.000 USD - 3 triệu USD có số lượng giao dịch lớn nhất trong số tất cả các quy mô gọi vốn. Còn số lượng thương vụ vòng tiền hạt giống với số tiền nhỏ hơn 5.000 USD thì đã giảm 19%.
Ngoài ra, bên cạnh những "điểm đen" như giá trị thoả thuận dưới 10 triệu USD giảm nhẹ, hay những thương vụ lớn có giá trị hơn 50 triệu USD giảm 55%, do thị trường suy thoái khiến các nhà đầu tư lo ngại về định giá trị công ty cao, thị trường đầu tư startup Việt cũng có "điểm sáng" ở các thương vụ series B khi đạt mức cao kỉ lục.
Cụ thể, giá trị giao dịch trong phạm vi 10 - 50 triệu USD tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ, đạt mức cao lịch sử trong khoảng thời gian 9 tháng đầu năm của những năm gần đây.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures khẳng định, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nguy cơ suy thoái và nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ khó tránh khỏi những thách thức. Vì vậy, startup cần chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn khó khăn sắp tới.
Theo bà Vy, các nhà đầu tư sẽ thận trọng hơn khi đánh giá một công ty, sẽ không chỉ nhìn vào con số doanh thu mà sẽ xem xét kỹ lưỡng các chỉ số liên quan cho thấy khả năng tăng trưởng bền vững.
"Trước kia, các nhà đầu tư sẽ thường nhìn và đánh giá gắt gao những con số về tăng trưởng của các startup, tức là công ty phải tăng trưởng rất nhanh thì các nhà đầu tư mới quyết định rót vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, các nhà đầu tư sẽ bớt nhìn vào số liệu về tăng trưởng, doanh thu của một startup, thay vào đó, họ sẽ đánh giá các chỉ số tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp", đại diện Do Ventures chia sẻ.
Quay lại với bối cảnh hiện tại, các startup có cơ hội để đi chậm lại nhưng tăng trưởng theo cách bền vững hơn khi áp lực cạnh tranh để gọi vốn giảm đi, các công ty có thể tập trung vào xây dựng sản phẩm thật tốt thay vì tiêu tốn nguồn lực để tăng trưởng thần tốc.
"Khi tất cả các nhà đầu tư đều không ưu tiên tập trung vào doanh thu nữa, họ sẽ hỏi doanh nghiệp nhiều hơn về chi phí vận hành như thế nào, cơ cấu về mặt chi phí và lợi nhuận trong tương lai ra sao. Những câu hỏi này sẽ giúp các công ty có thể vận hành một cách bài bản hơn và hướng đến tăng trưởng và hoạt động dài hạn", bà Lê Hoàng Uyên Vy nhấn mạnh.
Trước những thăng thầm của nền kinh tế thế giới, Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures cho rằng, bức tranh đầu tư công nghệ tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 vẫn cho thấy sự bền bỉ. Về tổng thể, nền kinh tế số của Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn phát triển nhanh trong khu vực.
Bà Lê Mỹ Nga, nhà sáng lập kiêm CEO WeAngels Ventures cho biết, sau tất cả, startup chính là người lèo lái công ty của mình, vì thế việc củng cố năng lực chốt lõi trong nội tại chính là chìa khoá để startup thể hiện và chứng minh tiềm năng của mình với các nhà đầu tư trong bối cảnh hiện nay và tương lai.
Việc duy trì tình sáng tạo, linh hoạt và R&D liên tục trong doanh nghiệp theo xu thế phát triển của công nghệ và sự thay đổi của thị trường, trong đó việc duy trì dẫn đầu trước những đối thủ cạnh tranh, kể cả các công ty mới xuất hiện là điều cực kì khó.
"Nhưng đây là tiêu chí mấu chốt để các quỹ đầu tư sẵn sàng đồng hành cùng dự án", bà Nga nói. Xu hướng đầu tư hiện tại trong năm tới có thể là các dự án về vũ trụ ảo (metaverse), những giải pháp khoa học, công nghệ khác có bằng đăng ký sáng chế, đặc biệt là sáng chế đăng ký ở Mỹ và các nước châu Âu, các giải pháp mang tính xã hội như thành phố thông minh, năng lượng sạch, bền vững.
Theo các chuyên gia, để các nhà đầu tư tìm đến mình, startup trước hết phải thể hiện được mình là nhân tố ưu tú, nơi có đầy đủ "nguyên liệu tốt nhất để nấu một bữa ăn ngon" thông qua xây dựng các giá trị nội tại để trở nên khác biệt và duy nhất trên thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt.
Cụ thể, đó là sự trưởng thành về công nghệ. Startup phải đặt mục tiêu phát triển công nghệ, giải pháp thông minh giúp giải quyết nỗi đau của thị trường toàn cầu hoặc khu vực chứ không chỉ một quốc gia. Giải pháp cần ứng dụng công nghệ đề cao tính đột phá, sáng tạo, mang lại giá trị mới và có khả năng tăng trưởng nhanh là những điểm mà nhà đầu tư quan tâm trước nhất ở một startup.
Điểm quan tâm tiếp theo đến từ năng lực quản trị của đội ngũ startup, bao gồm: Tư duy của đội ngũ lãnh đạo, người dẫn dắt thực thi phải linh hoạt trong mọi tình huống, đủ khả năng thay đổi nhanh chóng và thích ứng với sự thay đổi, phát triển của thị trường; Năng động, chủ động quan sát kỹ các diễn biến ở quy mô khu vực và toàn cảnh, với đổi thủ cạnh tranh để tự đổi mới và cải tiến; Mô hình kinh doanh linh hoạt để có thể nhanh chóng thích ứng với xu thế, xu hướng thị trường mới đồng thời vẫn đảm bảo đột phá và tăng trưởng mạnh; Xây dựng đội ngũ mạnh, trang bị kỹ càng năng lực ngôn ngữ đạt mục tiêu vươn minh ra thế giới.