Dân số già đi quá nhanh, Trung Quốc gấp rút thành lập công ty hưu trí quốc gia

21/08/2021 15:27 GMT+7
Trung Quốc dự định sẽ thành lập một công ty hưu trí quốc gia với vốn đăng ký 11,15 tỷ nhân dân tệ (1,72 tỷ USD) trong bối cảnh dân số nước này già đi nhanh chóng.

Theo tờ Caixin, một tuyên bố từ Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc cho biết 17 tổ chức tài chính sẽ nắm giữ cổ phần trong công ty hưu trí này, bao gồm 5 công ty con chuyên mảng quản lý tài sản của 5 ngân hàng hàng đầu Trung Quốc với số vốn 1 tỷ nhân dân tệ, tương đương 8.97% cho mỗi công ty. Ngoài ra, các công ty đầu tư và bảo hiểm hàng đầu quốc gia như Citic Securities; Taikang Life Insurance và bộ phận đầu tư trực thuộc Ủy ban Giám sát và Quản lý Tài sản Nhà nước Trung Quốc cũng sẽ tham gia góp vốn vào công ty hưu trí này.

Động thái được đưa ra trong bối cảnh quốc gia đông dân nhất hành tinh đứng trước nguy cơ đối mặt với cuộc khủng hoảng lương hưu khi dân số già đi nhanh chóng, nhóm người trong độ tuổi lao động thu hẹp và tỷ lệ sinh liên tục ở mức thấp, theo kết quả cuộc điều tra dân số gần nhất hồi tháng 5. Tính riêng năm 2020, tỷ lệ sinh trên một phụ nữ Trung Quốc là 1,3 trẻ em, ngang bằng các quốc gia có dân số già hóa như Nhật Bản và Ý.

Dân số già đi quá nhanh, Trung Quốc gấp rút thành lập công ty hưu trí quốc gia - Ảnh 1.

Dân số già đi quá nhanh, Trung Quốc gấp rút thành lập công ty hưu trí quốc gia (Ảnh: Reuters)

Chính phủ Trung Quốc cũng dự kiến sẽ mở rộng phạm vi bảo hiểm hưu trí cơ bản của nhà nước, khuyến khích lĩnh vực bảo hiểm hưu trí nghề nghiệp và tư nhân, xem xét tăng tuổi nghỉ hưu…, theo kế hoạch 5 năm lần thứ 14 mà Bắc Kinh vừa công bố hồi tháng 7.

Các nhà phân tích cho biết họ kỳ vọng công ty hưu trí quốc gia sẽ đóng một vai trò mới trong thị trường lương hưu cạnh tranh. Trung Quốc hiện đang vận hành một hệ thống hưu trí ba trụ cột được chi phối bởi "trụ cột thứ nhất" do nhà nước điều hành, bao gồm các quỹ bảo hiểm hưu trí cơ bản do chính quyền cấp tỉnh quản lý chung. Các quỹ trụ cột thứ nhất chiếm 82,9% tổng số quỹ hưu trí tính theo giá trị tài sản ở Trung Quốc. Nhỏ nhất là các quỹ trụ cột thứ ba - quỹ hưu trí tư nhân hiện vẫn đang trong giai đoạn non trẻ. Tuy nhiên, với các chính sách mở gần đây của Bắc Kinh, các quỹ hưu trí tư nhân đang đứng trước tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ.

Trước đó, hôm 31/5, chính phủ Trung Quốc ra thông báo mỗi cặp vợ chồng được sinh tối đa ba con, một sự thay đổi chính sách lớn so với chính sách sinh tối đa hai con trước đây nhằm góp phần giải quyết tình trạng dân số già. Theo hãng thông tấn Tân Hoa xã, sự thay đổi về chính sách sinh tối đa ba con đã được thông qua trong cuộc họp Bộ Chính trị do đích thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Nguyên nhân chính là dữ liệu gần đây cho thấy sự sụt giảm đáng kể về tỷ lệ sinh ở quốc gia đông dân nhất thế giới, đe dọa đà tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Trung Quốc cũng đang nỗ lực tìm cách giảm bớt gánh nặng tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ để khuyến khích sinh con, chẳng hạn cắt giảm thuế và trợ cấp nhà ở cho các gia đình có con. Trước đó, Bắc Kinh cũng can thiệp vào ngành công nghiệp dạy thêm đang nở rộ trong nước để giảm thiểu chi phí học tập cho trẻ em. 

Trong một động thái khuyến khích sinh con mới nhất được Ủy ban Thường vụ Đại hội Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc thảo luận hôm 17/8, hàng loạt tỉnh thành tại Trung Quốc dự kiến sẽ ban thành thêm nhiều chính sách thúc đẩy người dân sinh con thứ ba. Chẳng hạn, thành phố Bắc Kinh trong tháng này đã thông báo sẽ kéo dài thời gian nghỉ phép thêm 30 ngày cho các bà mẹ sinh con thứ ba từ mức nghỉ phép tiêu chuẩn 98 ngày hiện tại. Thông báo được áp dụng ngay từ 31/5. Các bà mẹ có thể được nghỉ phép thêm 3 tháng nếu nhận được sự chấp thuận của cơ quan hoặc doanh nghiệp đang làm việc. 


NTTD
Cùng chuyên mục