Đất hiếm - Quân bài “độc” của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại

21/05/2019 06:59 GMT+7
Giữa lúc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới một trong những nhà máy sản xuất đất hiếm lớn nhất nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm nhà máy sản xuất đất hiếm hôm 20/5.

Chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh đã xuất hiện những tranh luận tại Trung Quốc rằng có nên xem xét ngừng xuất khẩu đất hiếm như một biện pháp đáp trả trong cuộc chiến thương mại đang leo thang hay không.

Đất hiếm là một trong số ít các mặt hàng không nằm trong kế hoạch đánh thuế mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ trong số 325 tỷ USD hàng xuất khẩu còn lại của Trung Quốc chưa bị áp thuế. Điều này càng nêu bật tầm quan trọng chiến lược của nguồn tài nguyên này. Các mức thuế mới nhất có thể có hiệu lực vào đầu tháng 7.

Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu khoáng hiếm lớn nhất thế giới. Đất hiếm là nguồn nguyên liệu quan trọng đối với một số công nghệ carbon thấp, như nam châm hiệu suất cao và các thiết bị điện tử. Trung Quốc chiếm 90% sản lượng đất hiếm toàn cầu và mặt hàng này được quản lý khai thác rất cẩn. Năm ngoái thậm chí Trung Quốc còn nhập khẩu ròng đất hiếm.

Jin Canrong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, đã viết một bài báo tuần trước cho rằng Trung Quốc có thể cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ như một cách để trừng phạt Mỹ vì áp thuế bổ sung. Nước này không nhập khẩu đủ hàng hóa từ Mỹ để trả đũa bằng các điều khoản thuế quan thuần túy.

Trung Quốc đã từng siết xuất khẩu đất hiếm trước đó, khi năm 2010 nước này giảm 40% hạn ngạch xuất khẩu. Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu đã đệ đơn phản đối hạn ngạch của Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2012, và WTO phán quyết bất lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc sau đó đã nới lỏng các hạn chế xuất khẩu đất hiếm trong năm 2015.

Theo truyền thông Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm JL Mag Rare Earth Co, một công ty chế biến đất hiếm lớn có trụ sở tại Giang Châu, tỉnh Giang Tây và nghiên cứu về ngành công nghiệp đất hiếm địa phương. Giang Châu là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác và chế biến đất hiếm Trung Quốc. Chuyến đi này còn có Phó thủ tướng Lưu Hạc, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ và là cố vấn kinh tế đáng tin cậy nhất của ông Tập Cận Bình.

JL Mag Rare Earth Co là công ty chuyên sản xuất nguyên liệu thô cho nam châm vĩnh cửu có ứng dụng rất rộng, từ hệ thống điện tử đến hệ thống radar, bao gồm cả các thiết bị quân sự.

Cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ là một trong một số ý tưởng được thảo luận không chính thức về các biện pháp trả đũa chiến tranh thương mại mà Trrung Quốc có thể áp dụng. Các phân tích khác cho rằng Trung Quốc cũng có thể bán kho dự trữ trái phiếu Mỹ trị giá 3 nghìn tỷ USD hoặc cho đồng nhân dân tệ giảm giá đáng kể, điều này sẽ khiến hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ hơn, giúp giảm thiểu tác động của thuế quan.

Nguyên Hà - Theo SCMP
Cùng chuyên mục