Đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc, chuyên nghiệp thua... nhỏ lẻ
Các sàn giao dịch chứng khoán Trung Quốc trở nên nhộn nhịp trong thời gian gần đây, giúp tạo nên những tỷ phú mới mỗi tuần. Chỉ trong 10 ngày giao dịch trong tháng 7, chỉ số CSI 300 đã tăng 17%.
Từ đầu năm tới nay, các công ty phi tài chính tại Trung Quốc đã huy động 41 tỷ USD trên sàn, không quá cách xa so với mức 62 tỷ USD tại New York. Trong Top 100 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất (với quy mô vốn hóa tối thiểu 20 tỷ USD) thì 1/3 là doanh nghiệp Trung Quốc.
Bất chấp mối quan hệ Mỹ - Trung nóng lạnh bất thường, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang mua cổ phiếu Đại lục ở mức kỷ lục thông qua mối liên kết với sàn Hồng Kông.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, khẩu vị của nhà đầu tư ngoại tại thị trường này có nhiều khác biệt so với nhà đầu tư nội và cách tiếp cận có thể chưa hiệu quả.
Nhà đầu tư nước ngoài xem Trung Quốc là một thị trường mới nổi và cơ hội lớn nhất nằm ở nhóm cổ phiếu hàng tiêu dùng.
Hàng chục triệu cư dân Trung Quốc sẽ trở thành tầng lớp trung lưu trong thời gian tới và mức chi tiêu cho các loại hàng hóa, từ túi xách cho tới trường tư thục…, đều gia tăng.
Đây là lý do trong số gần 2.000 tỷ nhân dân tệ nhà đầu tư nước ngoài rót vào sàn chứng khoán Hồng Kông để mua cổ phiếu của doanh nghiệp Trung Quốc kể từ tháng 11/2014 cho tới nay, nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu và không thiết yếu chiếm khoảng 35% - cao hơn 10% so với tỷ trọng của nhóm này trong chỉ số MSCI China A-share, theo Goldman Sachs Group Inc.
Trong khi đó, nhà đầu tư nội địa có cái nhìn khác biệt, họ nhìn thấy điểm nóng tại các lĩnh vực được chính phủ tập trung phát triển. Giới chức Trung Quốc đang trong tiến trình hiện thực hoá kế hoạch “Made in China 2025” với việc rót khoảng 1.400 tỷ USD vào hạ tầng công nghệ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư nội địa hiểu rõ nhất việc dưới áp lực từ nhiều phía, Trung Quốc sẽ không để các công ty công nghệ chịu cảnh “thiếu thốn”.
Vì vậy, nhà đầu tư nội địa “đặt cược” vào nhóm các công ty công nghệ (phần cứng và phần mềm). Ví dụ, nhà đầu tư Trung Quốc biết kế hoạch “Made in China 2025” có mục tiêu nâng tỷ trọng sản xuất chất bán dẫn tại thị trường nội địa từ khoảng 20% lên 70%. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất như Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) sẽ là tâm điểm.
Cổ phiếu của SMIC vừa lên sàn Thượng Hải đã trở thành thương vụ IPO lớn nhất tại sàn giao dịch này trong thập kỷ qua.
Trước đó, năm 2019, SMIC được nhà nước rót vốn 293 triệu USD, tương đương 1/4 doanh thu hoạt động của Công ty. Chưa hết, China Intergrated Circuit Industry Investment Fund, quỹ đầu tư nhà nước thường được gọi là “Big Fun”, trở thành một trong những cổ đông lớn nhất của SMIC với 18% cổ phần.
Trong tháng 5, SMIC công bố Big Fund cùng nhiều quỹ đầu tư khác tại Thượng Hải đã rót khoảng 2,5 tỷ USD vào một trong những dự án mới của Công ty.
SMIC kỳ vọng có thể thu về 20 tỷ nhân dân tệ khi IPO tại Thượng Hải, nhưng kết quả huy động được tới 46 tỷ nhân dân tệ. Nếu nhà đầu tư ngoại nắm bắt được khẩu vị này của khối nội và mua vào cổ phiếu thì mức lợi nhuận có thể lến tới 268% chỉ trong vài tháng qua.
Một sai lầm khác của nhà đầu tư phương Tây khi rót vốn vào thị trường Đại lục là không nắm bắt được tình hình trong nước, mà trường hợp của Luckin Coffee Inc là một điển hình.
Ngay từ khi niêm yết tại New York vào tháng 5/2019, nhà đầu tư Trung Quốc đã thường xuyên “chế giễu” cách thức hoạt động của Luckin và cho rằng “chỉ nhà đầu tư phương Tây mới rót tiền vào đây”.
Trong một báo cáo gửi tới khách hàng vào tháng 7/2019, Credit Suisse Group AG nhận định: “Đa phần nhà đầu tư Trung Quốc và châu Á giữ cái nhìn ngờ vực với mô hình kinh doanh của Luckin, cũng như khả năng kiểm soát tại các cửa hàng”.
Cuối cùng, Luckin hóa ra là “cú lừa” với nhà đầu tư ngoại ưa chuộng “tốc độ phát triển nhanh”, vốn được xem là đặc tính của các thị trường mới nổi.
Một đặc điểm khác của thị trường chứng khoán Trung Quốc là khi tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đi xuống, hoặc chính quyền tỏ ra không “bận tâm” tới lĩnh vực nào, nhà đầu tư sẽ rút chạy rất nhanh, tương tự như khi đổ tiền vào lĩnh vực nóng.
Để thành công tại thị trường Trung Quốc, có lẽ nhà đầu tư ngoại cần nghiên cứu kỹ hơn “bài tập” của mình, cũng như noi gương khối nội.
Chứng khoán Trung Quốc đang có nhiều tiềm năng hơn so với các sàn giao dịch lớn tại phương Tây.
Ví dụ, tại Mỹ, chỉ 5 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất đã chiếm tỷ trọng hơn 20% của chỉ số S&P 500, dư địa còn lại không có nhiều. Trong khi tại Trung Quốc, thị trường luôn đầy những cơ hội kích thích có thể giúp nhà đầu tư chủ động có cơ hội để thắng lớn.