Điểm khác biệt lớn nhất trong chính sách kinh tế Joe Biden với ông Trump
Trái ngược với các đời Tổng thống Mỹ trước đây bao gồm Donald Trump thường tập trung vào những đề xuất chính sách làm tăng tổng sản phẩm quốc nội GDP, ông Joe Biden công bố mục tiêu trọng tâm là thay đổi xã hội, đảo ngược mức gia tăng ngày càng lớn giữa khoảng cách thu nhập giàu nghèo và tình trạng phân biệt chủng tộc đã tồn tại hàng thập kỷ nay tại nước Mỹ.
Đề xuất được công bố trong giai đoạn cuối của cú sốc kinh tế mà đại dịch Covid-19 gây ra. Chính quyền Tân Tổng thống Biden dự báo tăng trưởng GDP quốc gia sẽ ổn định quanh mức 2% trong thập kỷ tới. Con số này phù hợp với mức trung bình trong vòng 15 năm tính đến năm 2019, trước khi đại dịch xảy ra.
1% các hộ gia đình giàu nhất nước Mỹ đã ghi nhận tài sản tăng vọt 4 nghìn tỷ USD vào năm ngoái, tương đương 35% tổng mức tăng trong toàn nền kinh tế. Trong khi đó, một nửa dân số nghèo nhất quốc gia, tương đương 64 triệu người, chỉ chiếm chưa đầy 4% mức tăng. Điều này vô hình chung thúc đẩy mạnh mẽ tình trạng bất bình đẳng giàu nghèo.
Theo đó, chính quyền Biden đề xuất một gói ngân sách khổng lồ bao gồm các hạng mục tài trợ chăm sóc sức khỏe trẻ em, đầu tư vào doanh nghiệp nhỏ, trường cao đẳng và đại học, cải thiện phương tiện giao thông công cộng ở các khu vực nghèo khó, lạc hậu. “Những khu vực được chọn để đầu tư phản ánh những gì chính phủ ưu tiên với tư cách một quốc gia” - ông Biden cho biết trong một tuyên bố do Văn phòng Quản lý và Ngân sách công bố gần đây. Mục tiêu cuối cùng của ông Biden là thúc đẩy sự gia tăng tầng lớp trung lưu và cải thiện cuộc sống của người nghèo, qua đó tạo động lực dài hơi và ổn định hơn cho sự tăng trưởng kinh tế.
Đó là một cách tiếp cận trái ngược hẳn với chiến lược của các tổng thống tiền nhiệm bao gồm Ronald Reagan, người lập luận rằng cắt giảm thuế và bãi bỏ các quy chế chặt chẽ sẽ giúp thúc đẩy kinh tế. Tổng thống Donald Trump cũng hứa hẹn sẽ thúc đẩy nền kinh tế, dự báo tăng trưởng hàng năm 3%. “Không giống như các khoản đầu tư lớn của các đời Tổng thống trước đây, kế hoạch này ưu tiên giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc lâu đời và dai dẳng và giúp đảm bảo người dân có một cơ hội đạt tới thịnh vượng chung”.
Trước đó, ông Biden đã công bố Kế hoạch việc làm cho người Mỹ, đề xuất tăng thuế suất doanh nghiệp lên 28% để tăng thu ngân sách nhà nước. Số tiền đó, chính quyền Biden muốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm tái cơ cấu nền kinh tế Mỹ, giảm bất bình đẳng cũng như xây dựng nguồn lực nội tại vững chắc hơn chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc. Gói đầu tư mà chính quyền Biden đề xuất bao gồm xây dựng cầu đường, nhà ở giá rẻ, nhà ở cho người cao tuổi và nhiều hạng mục khác.
Ngoài ra, một đề xuất khác của ông Biden mang tên Kế hoạch Gia đình Mỹ trước Quốc hội cũng đi kèm đề xuất tăng thuế tài sản gia tăng để có nguồn thu ngân sách trang trải. Theo đó, ông Biden muốn tăng thuế tài sản gia tăng, tức thuế các khoản lãi đầu tư, từ 20% lên 39,6%, tức mức tăng gần gấp đôi với những người Mỹ có thu nhập trên 1 triệu USD mỗi năm, theo nguồn tin từ Bloomberg. Kế hoạch việc làm cho người Mỹ tập trung vào các ưu tiên chăm sóc trẻ em, mở rộng hệ thống giáo dục nhà trẻ miễn phí quốc gia, miễn phí đại học công, trả lương cho người lao động trong kỳ nghỉ phép…
Tổng trị giá hai kế hoạch lên tới gần 4 nghìn tỷ USD.
“Các chính sách của chính quyền cho đến nay không chỉ nhắm đến mục tiêu không chỉ là tăng trưởng, mà còn là tăng trưởng công bằng” - nhận định của Jared Bernstein, một cố vấn kinh tế của ông Biden.
Thâm hụt ngân sách chính phủ Mỹ đã tăng vọt trong năm qua sau khi Nhà Trắng thúc đẩy hàng loạt gói cứu trợ Covid-19 khổng lồ. Trong khi đó, nguồn thu thuế lại giảm kể từ khi ông Trump phê duyệt chính sách giảm thuế doanh nghiệp hồi năm 2018. Điều này buộc ông Biden tìm đến các lựa chọn tăng thu ngân sách như tăng thuế để tài trợ cho các gói kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế Mỹ hậu đại dịch Covid-19.
Trong quý I/2021, Nhà Trắng đã chứng kiến thâm hụt ngân sách thu hẹp từ mức cao nhất của đại dịch trong lịch sử, mặc dù vẫn ở mức cao hơn mức bình quân 4% được dự báo cho thập kỷ tiếp theo.