Dùng nợ trị nợ: Chính quyền Tập Cận Bình ôm bom nợ trái phiếu 10 tỷ USD

11/09/2019 11:30 GMT+7
Thương chiến Mỹ Trung đã đẩy chính quyền Tập Cận Bình vào một sự lựa chọn cay đắng “dùng nợ trị nợ”. Điều này khiến Trung Quốc đối mặt với một trong hai lựa chọn đầy rủi ro: “tê giác xám” nợ chồng chất nợ hoặc “thiên nga đen” suy thoái.

Xung đột Mỹ Trung leo thang, nền kinh tế giảm tốc cùng nỗi lo sợ suy thoái kinh tế đang gây áp lực nặng nề lên đôi vai các doanh nghiệp Trung Quốc. Bằng chứng là theo dữ liệu của China Chengxin International Credit Rating - một trong những cơ quan đánh giá xếp hạng tín nhiệm uy tín nhất Trung Quốc, số lượng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn trị giá 31,8 tỷ NDT (khoảng 4,4 tỷ USD) lại tiếp tục đứng trước nguy cơ không thể thanh toán. 

Như vậy, tính từ đầu năm 2019 đến nay, tổng lượng trái phiếu vỡ nợ tại Trung Quốc đã đạt tới 78,4 tỷ NDT (hơn 10 tỷ USD), tăng 51% so với cùng kỳ năm ngoái. Lưu ý rằng năm 2018 là năm có tổng lượng trái phiếu vỡ nợ đạt mức kỷ lục 122 tỷ NDT, cao nhất trong nhiều năm qua.

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu có nguy cơ không thể thanh toán đã đạt tới 60 tỷ NDT (8,7 tỷ USD), tương đương với tốc độ vỡ nợ năm 2018. Đáng lưu ý hơn, những diễn biến xung đột thương mại leo thang và lo ngại suy thoái kinh tế sẽ góp phần đẩy mạnh nguy cơ vỡ nợ năm 2019.

Tính đến thời điểm hiện tại, lượng trái phiếu riêng lẻ không có khả năng thanh toán đã lên tới 0,63% trên tổng khối lượng phát hành. Trong khi lượng trái phiếu chào bán công khai vỡ nợ hiện chỉ ở mức 0,26%. Nguyên nhân một phần được giải thích bởi nhà quản lý danh mục đầu tư từ Ngân hàng Thương mại Nông thôn Qingdao, ông Chen Su là do các công ty phát hành trái phiếu riêng lẻ không nhất thiết phải công bố thông tin còn trái phiếu chào bán công khai thì công bố thông tin là hành động bắt buộc. Bởi vậy, một khi đối mặt với áp lực tài chính, đa số các công ty sẽ chọn cách ưu tiên trả nợ trái phiếu niêm yết công khai. 

Dù nhà đầu tư đang đặt ra yêu cầu phần bù rủi ro cao, nhu cầu trái phiếu riêng lẻ vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tính đến tháng 7.2019, lượng phát hành trái phiếu riêng lẻ đã chứng kiến sự sụt giảm 4 tháng liên tục, đợt giảm dài nhất kể từ năm 2017 đến nay. 

Từ năm 2015 trở về trước, hiện tượng vỡ nợ trái phiếu là vô cùng hiếm hoi, bởi chính quyền địa phương thường phối hợp với các ngân hàng có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước. Những biện pháp hỗ trợ nhằm đảm bảo lượng việc làm ổn định và tăng trưởng kinh tế đạt mức mục tiêu. 

Mọi thứ bắt đầu thay đổi từ năm 2016, khi Chính phủ Trung Quốc bắt tay vào tái cơ cấu để giảm nợ, thắt chặt tín dụng, dẫn đến làn sóng vỡ nợ trái phiếu Doanh nghiệp. Bắc Kinh khi đó tuyên bố chấp nhận tăng trưởng kinh tế giảm tốc để quét sạch ngân hàng nợ xấu và thanh lý các khoản nợ trong nước.

Cho đến nửa cuối năm 2018, khi thương chiến Mỹ Trung leo thang buộc Bắc Kinh thay đổi lập trường chính sách, một lần nữa quay trở lại con đường kích thích tăng trưởng kinh tế. 

Hơn nữa, định hướng của Bắc Kinh tập trung chủ yếu vào hỗ trợ doanh nghiệp nhà nước, điều khiến cho lượng doanh nghiệp tư nhân vỡ nợ trái phiếu chiếm đa số. Phần lớn trong số hơn 8.000 tỷ NDT được Chính phủ tung ra trong 5 tháng đầu năm 2019 đi vào các doanh nghiệp nhà nước. Theo Shanghai DZH, một nhà phân tích thông tin tài chính uy tín, thì số doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc chỉ chiếm 5 trên 70 vụ vỡ nợ xảy ra vào 6 tháng đầu năm 2019. Hồi năm 2018, trong tổng số 124 vụ vỡ nợ doanh nghiệp, các công ty nhà nước chỉ chiếm 16 vụ. 

Khu vực kinh tế tư nhân gần như đang hứng trọn những rủi ro của suy thoái do chính sách ưu tiên khu vực kinh tế Nhà nước của Bắc Kinh.

Trong bối cảnh doanh nghiệp liên tục vỡ nợ trái phiếu và nền kinh tế giảm tốc do ảnh hưởng của thương chiến, Trung Quốc giờ đây phải đối mặt với 2 lựa chọn đầy rủi ro: “thiên nga đen” hoặc “tê giác xám”

“Thiên nga đen” là một phép ẩn dụ ám chỉ những biến cố hy hữu có xác suất mong manh nhưng lại mang đến những tác động nặng nề đến nền kinh tế (mà ở đây là rủi ro suy thoái kinh tế Trung Quốc).

“Tê giác xám” tại Trung Quốc lần đầu tiên được nhắc đến năm 2017, khi Thứ trưởng Bộ Công nghệ Thông tin Wang Zhijun đề cập đến hàng loạt mối quan ngại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bao gồm ngân hàng nợ xấu, nợ của Doanh nghiệp nhà nước, nợ Chính phủ, bong bóng thị trường tài chính… Nhìn chung, “tê giác xám” là một phép ẩn dụ khác thể hiện rủi ro nợ nần chồng chất của nền kinh tế Trung Quốc, trong đó nổi bật nhất là nợ khu vực doanh nghiệp nhà nước và Chính phủ.

Đứng giữa hai khả năng: bỏ mặc nền kinh tế rơi vào suy thoái nhưng không tăng thêm gánh nặng nợbơm tiền vào hệ thống tiền tệ, tăng gánh nặng nợ nhưng tạo động lực kích thích kinh tế; Bắc Kinh đã chọn con đường thứ hai. Bằng chứng là tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã khởi động chính sách kích thích tiền tệ của mình khi bơm thêm 126 tỷ USD vào hệ thống tín dụng các ngân hàng. Chính quyền Tập Cận Bình có lẽ đang gửi đi thông điệp rằng chính sách giảm nợ mà nước này theo đuổi hồi năm 2016 đã chấm dứt vì xung đột Mỹ Trung. 

Trung Quốc cuối cùng đã chấp nhận gánh nặng nợ như một sự đánh đổi bắt buộc. Chính quyền Tập Cận Bình thậm chí còn lên kế hoạch cho nhiều gói kích thích hơn nữa trong những tháng tiếp theo để gia tăng đòn bẩy tài chính. Ông Chang Xin, Phó Giám đốc Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia Trung Quốc: “Bắc Kinh phải chịu đựng sự gia tăng đòn bẩy tài chính vì mục tiêu ổn định kinh tế”. 

Như vậy, Chính phủ Trung Quốc đang giải quyết nợ bằng cách...chồng thêm những khoản nợ lên doanh nghiệp, một lối thoát mà nhiều nhà phân tích cảnh báo là không bền vững. Cứ đà này, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ ngày càng chìm trong vũng lầy nợ nần.

Trung Quốc có lẽ không còn con đường nào khác ngoại trừ chấp nhận làm thân với “tê giác xám”. 

Thùy Dung - Phùng Thúy
Tags:
Cùng chuyên mục