Giá lợn hơi miền Bắc duy trì mức cao: "Liều” tái đàn giữa vùng dịch

26/07/2019 10:16 GMT+7
Thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lây lan ra 62/63 tỉnh, thành phố, khiến hơn 3 triệu con lợn phải tiêu hủy. Đáng lo ngại là trong khi dịch bệnh này còn diễn biến phức tạp thì tại một số nơi, người dân đã rục rịch tái đàn khi nhận thấy giá lợn hơi có xu hướng tăng lên, nhất là tại miền Bắc.

Tiểu thương bán thịt lợn... dễ thở hơn

Theo khảo sát của PV NTNN, hiện nay giá lợn hơi tại một số khu vực ở miền Bắc như Hà Nội, Hà Nam, Hoà Bình, Thái Bình, Hưng Yên đang dao động quanh mức 39.000 - 41.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc 3 máu cái, trọng lượng xuất chuồng từ 110kg/con trở lên. Đây cũng là những địa phương có mức giá lợn hơi xuất chuồng bình quân cao nhất cả nước.

Đơn cử như tại chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam (thuộc xã Bối Cầu, huyện Bình Lục), giá lợn hơi loại đẹp đang được các thương lái thu mua từ 41.000-42.000 đồng/kg; các loại lợn khác giá dao động từ 36.000-38.000 đồng/kg.

Giá heo hơi loại đẹp đang được các thương lái ở Hà Nam thu mua với giá từ 41.000-42.000 đồng/kg. Ảnh: T.Q

Anh Trần Quang Sang - Trưởng Ban quản lý chợ đầu mối gia súc - gia cầm Hà Nam cho biết: Khoảng 1 tháng trở lại đây, lượng lợn về giao dịch tại chợ đầu mối này đã tăng gấp đôi so với thời điểm DTLCP bùng phát tại Hà Nam, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 700-1.000 con.

Tuy nhiên, chủ yếu thương lái thu mua để giết mổ và tiêu thụ trong địa bàn tỉnh, do dịch bệnh vẫn đang lây lan diễn biến phức tạp nên các địa phương vẫn đang siết chặt xe chở lợn ra-vào trên địa bàn.

Trong khi đó, trao đổi với PV NTNN, ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cho biết: "HTX mới xuất bán 500 con lợn với giá 40.000 đồng/kg, biểu cân trung bình 120kg/con. Với giá này, HTX ước tính thu lãi khoảng 500.000 đồng/tạ lợn hơi, do HTX chủ động được con giống, thức ăn mua trực tiếp tại nhà máy, không phải qua trung gian nên giá rẻ hơn mua qua đại lý. Còn đối với những hộ chăn nuôi phải mua con giống, quy mô nhỏ thì trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, bà con chưa thể có lãi”.

Theo ông Cảnh, từ khi xuất hiện DTLCP, mọi chi phí chăn nuôi đều tăng lên. Hiện ông Cảnh đang nuôi 300 con lợn nái, hơn 2.600 con lợn thịt, trung bình mỗi tháng đàn nái đẻ khoảng 500-600 lợn giống, chỉ tính riêng chi phí thức ăn tại trang trại đã lên tới hơn 1 tỷ đồng/tháng; chi phí thuốc sát trùng chuồng trại cũng "ngốn" hơn 10 triệu đồng/tháng, chưa kể tiền điện nước, nhân công...

Người dân mua thịt tại chợ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhiều hơn trước, khiến các tiêu thương rất phấn khởi. Ảnh: baohatinh

Đáng mừng là gần đây, tình hình tiêu thụ thịt lợn tại các chợ ở Hà Tĩnh bắt đầu “ấm” trở lại, giá tăng lên.

Anh Nguyễn Hoài Nam (phường Tân Giang, TP.Hà Tĩnh) cho biết: "Gần 2 tháng qua, do nắm bắt không đầy đủ thông tin về DTLCP trên địa bàn nên người dân Hà Tĩnh hạn chế sử dụng sản phẩm thịt lợn. Sau khi tìm hiểu về dịch bệnh này, tôi đã sử dụng thịt lợn bình thường, mua ở những nơi bán có uy tín, thịt được đóng dấu kiểm dịch thú y đầy đủ".

Ông Nguyễn Thiên Toàn – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) thông tin: Nhu cầu thịt lợn tăng lên kéo theo giá lợn hơi cũng tăng theo, người chăn nuôi đã có lãi sau những tháng ngày ảm đạm. Theo đó, giá lợn hơi đã tăng từ 35.000 đồng lên đến 40.000 đồng/kg. Hiện lợn trong dân không còn nhiều nhưng gần đây, ngày nào trong xã cũng có hộ xuất chuồng từ 5 – 10 con.

“Liều mình” tái đàn giữa vùng dịch

Nhận thấy giá lợn hơi đang có xu hướng tăng và ổn định trong khoảng 1 tháng qua, trong khi giá lợn giống rất rẻ (chỉ từ 500.000 - 650.000 đồng/con loại xách tai trọng lượng từ 7-10kg, rẻ bằng một nửa so với trước khi xảy ra DTLCP), nhiều hộ chăn nuôi tại Hà Nam đã tính toán nhập về tái đàn.

Đáng chú ý việc tái đàn đang diễn ra ngay ở những nơi chưa công bố hết DTLCP. Cụ thể là tại xã Ngọc Lũ (huyện Bình Lục), đầu tháng 6, khi thấy giá lợn hơi xuất chuồng lên cao đã có một số hộ trong xã nhập lợn giống về nuôi, ước tính tổng số hơn 2.000 con.

Mặc dù đều là lợn giống tại các trại có đầy đủ giấy tờ về nguồn gốc, giấy kiểm dịch động vật, tuy nhiên, do Ngọc Lũ vẫn đang trong vùng DTLCP, nguy cơ dịch tiếp tục bùng phát là rất cao nên UBND xã yêu cầu các hộ đã nhập lợn cam kết nếu xảy ra dịch phải chịu toàn bộ trách nhiệm tiêu hủy theo đúng quy định, và không được tổng hợp vào diện hỗ trợ của Nhà nước.

Theo UBND xã Ngọc Lũ, hiện tổng đàn lợn của xã còn gần 30.000 con với 2.000 lợn nái, vì thế việc nhập lợn giống từ bên ngoài về nuôi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.

 Cán bộ thú y Hà Nội cân lợn trước khi đưa đi tiêu hủy theo quy định.   (ảnh: D.Đ.T)

Tương tự, tại huyện Kim Bôi (Hoà Bình), anh T.D.K - một chủ trang trại đang nuôi 70 lợn nái và khoảng 1.000 lợn thịt cho biết, anh vừa quyết định vào đàn thêm 300 con lợn giống. Dù DTLCP chưa được khống chế, đàn lợn có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào nhưng nhận thấy giá lợn giống rẻ, thị trường tiêu thụ thuận lợi nên anh K vẫn liều mua lợn giống về nuôi ở một trại riêng biệt, áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Anh K cho biết, năm 2017, khi thị trường xảy ra "khủng hoảng” giá lợn hơi kéo dài, nhiều chủ trang trại vỡ nợ, anh đã liều mua một đàn nái đang mang thai về nuôi, chưa kể còn nhập thêm cả ngàn con lợn giống với giá chỉ từ 200.000 - 500.000 đồng/con. Đến đầu năm 2018, giá lợn hơi liên tục tăng, có thời điểm đạt 47.000-50.000 đồng/kg nên anh trúng đậm.

Anh K phân tích: Hiện nguồn lợn hơi trong dân không còn nhiều như trước, có nơi vắng bóng lợn vì cả xã bị DTLCP hoành hành. Các thương lái cho biết, nếu trước đây chỉ cần gọi điện cho 1 chủ trang trại là có đầy xe lợn đẹp thì hiện nay, phải lùng bắt vài hộ mới đủ chuyến hàng.

Thêm vào đó, các dự báo về nguồn cung thịt lợn cho thị trường từ nay đến cuối năm cũng đều cho rằng dễ xảy ra thiếu thịt nên những người giữ được đàn lợn qua dịch, cũng như “liều” tái đàn thì chắc chắn sẽ có lãi. 

(Dân Việt)
Cùng chuyên mục