Hé mở về doanh nghiệp phải nộp lại hơn 2.300 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án cho bà Trương Mỹ Lan

16/04/2024 11:34 GMT+7
Liên quan đến đại án Vạn Thịnh Phát, tòa án buộc Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát phải nộp lại số tiền 2.355 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án cho bị cáo Trương Mỹ Lan trong toàn bộ vụ án.

Chiều 11/4, TAND TPHCM đã tuyên án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát cùng với 85 bị cáo khác trong vụ án.

Đối với trách nhiệm dân sự, xử lý tài sản và vật chứng trong vụ án, Hội đồng xét xử đã quyết định bắt bị cáo Trương Mỹ Lan bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với 1.243 khoản vay còn dư nợ tại SCB, sau khi khấu trừ số tiền các bị cáo đã trả, tổng số tiền bồi thường của bị cáo là hơn 673.000 tỷ đồng.

Hé mở về doanh nghiệp phải nộp lại hơn 2.300 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án cho bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 1.

Bị cáo Trương Mỹ Lan lĩnh án tử hình tại phiên tòa ngày 11/4. Ảnh: Lê Giang.

Hội đồng xét xử đồng ý tiếp tục kê biên và tạm giữ các tài sản như bất động sản, cổ phần, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm và các tài sản khác thuộc sở hữu của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hoặc giao cho các cá nhân, để đảm bảo việc thi hành án.

Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thi hành án đối với bị cáo Trương Mỹ Lan, Hội đồng xét xử buộc các doanh nghiệp phải phải trả lại tiền cho bà Trương Mỹ Lan để đảm bảo thi hành án. Trong đó, Công ty Cổ phần địa ốc Hồng Phát phải nộp lại số tiền 2.355 tỷ đồng.

Hé mở về CTCP Địa ốc Hồng Phát

CTCP Địa ốc Hồng Phát (tên viết tắt là Hophaco) được thành lập ngày 9/3/2005, có trụ sở chính tại số 91, Ấp Đức Ngãi 2, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Ngành nghề hoạt động chính của Địa ốc Hồng Phát là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.

Theo thông từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia, Địa ốc Hồng Phát có vốn điều lệ 350 tỷ đồng, tương ứng 350.000 cổ phần, mỗi cổ phần có mệnh giá 1 triệu đồng.

Người đại diện theo pháp luật của Địa ốc Hồng Phát là bà Trần Thị Việt Thanh (sinh năm 1955). Đồng thời bà Thanh cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc doanh nghiệp.

Tại thời điểm sáng lập, bà Trần Thị Việt Thanh nắm giữ 346.000 cổ phần (98,86% vốn), bà Thái Thị Thúy Hằng nắm 2.000 cổ phần (0,57% vốn), bà Nguyễn Thị Xuân Cừu nắm giữ 1.000 cổ phần (0,29% vốn) và bà Thái Thị Hồng Hậu nắm giữ 1.000 cổ phần (0,29% vốn).

Địa ốc Hồng Phát được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu dân cư cao cấp, Trưởng đua ngưa và Câu lạc bộ đua ngựa tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.  

Tháng 6/2007, Hồng Phát và Công ty China Policy Limited (gọi tắt là công ty CPL) cùng góp vốn đầu tư Dự án Khu dân cư cao cấp, Trường đua ngựa và Câu lạc bộ đua ngựa tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) với tổng vốn đầu tư 140 triệu USD.

Trong đó, giai đoạn 1 của dự án là phát triển khu dân cư cao cấp trên diện tích 273ha tại xã Đức Lập Thượng. Giai đoạn 2 là trường đua ngựa tiêu chuẩn quốc tế, câu lạc bộ đua ngựa, một số nhà ở mà khu tái định cư trên 220ha đất tại xã Tân Mỹ và Đức Lập Thượng (cả 2 xã đều thuộc địa phận huyện Đức Hòa).

Theo thỏa thuận khung, 2 bên sẽ ký hợp đồng thành lập "công ty liên doanh" với vốn điều lệ 21,4 triệu USD, trong đó, Hồng Phát góp 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất, Công ty CPL góp 70% bằng tiền mặt. Công ty CPL đã tạm ứng 15,6 triệu USD (số tiền này sẽ được tính vào tiền góp vốn của Công ty CPL khi thành lập công ty liên doanh) để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Tuy nhiên, do có sự thay đổi của chính sách đất đai khiến các chi phí đền bù, tái định cư tăng thêm...Vì vậy, Hồng Phát đã đề nghị Công ty CPL bổ sung vốn tạm ứng là 20 triệu USD ngoài thỏa thuận khung. Nhưng Công ty CPL đã từ chối và ra điều kiện chỉ xem xét thanh toán tiếp khi dự án đã có giấy chứng nhận QSDĐ do "công ty liên doanh" đứng tên. Do đó, Hồng Phát đã tự tìm nguồn tài chính 1.000 tỷ đồng tiền bồi thường mặt bằng, đồng thời được UBND tỉnh Long An cấp 13 sổ đỏ (tổng diện tích hơn 232 ha) vào năm 2009.

Hé mở về doanh nghiệp phải nộp lại hơn 2.300 tỷ đồng để đảm bảo thi hành án cho bà Trương Mỹ Lan- Ảnh 2.

Một góc dự án 140 triệu USD tại huyện Đức Hoà, tỉnh Long An (Ảnh: Công an TPHCM).

Sau đó, Công ty CPL đã gửi đơn lên Bộ Công an tố cáo Hồng Phát "chiếm đoạt 15,6 triệu USD". Tiến hành xác minh, Bộ Công an khẳng định 15,6 triệu USD được Hồng Phát sử dụng vào dự án là có thật và không bị chiếm đoạt.

Sự việc được đưa lên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và VIAC kết luận hai bên tiếp tục thực hiện "thỏa thuận khung" đã ký - tức tiếp tục thành lập "công ty liên doanh". Tuy nhiên, sau nhiều lần Hồng Phát đề nghị Công ty CPL đàm phán, thỏa thuận nhưng CPL không đáp ứng, hai bên phát sinh mâu thuẫn khiến dự án không thể triển khai.

Đến tháng 4/2022, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An cùng cơ quan liên quan đã mời Hồng Phát và CPL ngồi lại về việc thực hiện phán quyết của VIAC. Dù Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An yêu cầu trong thời hạn 30 ngày, hai bên phải có trách nhiệm thỏa thuận, tiến hành thủ tục cần thiết để thành lập "công ty liên doanh" theo phán quyết của trọng tài. Nhưng hết hạn 30 ngày, Hồng Phát báo cáo vẫn không thể thành lập liên doanh. Đáng chú ý, Hồng Phát còn nhấn mạnh, thậm chí hai bên đã thành "đối thủ" của nhau.

Tại cuộc gặp tháng 4/2022, Công ty CPL cho rằng, Hồng Phát mới là bên phải thực hiện phán quyết của VIAC và đồng thời bày tỏ thiện chí muốn thành lập "công ty liên doanh".

Công ty CPL cho hay, doanh nghiệp này đã yêu cầu Hồng Phát cung cấp tài liệu liên quan đến Giấy chứng nhận QSDĐ thuộc giai đoạn 1 của dự án, tình trạng hiện tại của Dự án và các khoản chí phí liên quan, năng lực của Hồng Phát để phục vụ thành lập "công ty liên doanh" nhưng Hồng Phát đã không thực hiện.

Đáng chú ý, toàn bộ 232ha đất (13 sổ đỏ được cấp cho Hồng Phát) đã bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An kê biên. Do đó, Hồng Phát không đủ điều kiện để góp phần diện tích đất này. Trước sự việc này, Công ty CPL đã có văn bản đề nghị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An tiếp tục duy trì quyết định số 07/QĐ-CTHADS ngày 18/12/2018 về việc không cho đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng với 13 giấy chứng nhận QSDĐ.

Ở diễn biến khác, VIAC phán quyết buộc Hồng Phát thành lập công ty liên doanh theo Luật Đầu tư năm 2005, quy định về hình thức đầu tư "thành lập tổ chức kinh tế liên doanh giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài". Tuy nhiên, Luật Đầu tư năm 2014 và 2020 đã bỏ hình thức này. Như vậy, nếu Hồng Phát và CPL thành lập "công ty liên doanh" theo Luật Đầu tư năm 2005 là trái với Luật Đầu tư các năm 2014 và 2020.

Mặt khác, nếu Hồng Phát và CPL thực hiện lựa chọn hình thức đầu tư khác theo sự tư vấn của Sở Kế hoạch Đầu tư tỉnh Long an thì sẽ trái với phán quyết của VIAC.

Còn nữa, theo pháp luật quy định, việc thành lập liên doanh phải đến từ sự tự nguyện của các bên. Trong khi đó, phán quyết của VIAC lại "buộc" hai doanh nghiệp phải thành lập "công ty liên doanh" theo thỏa thuận khung đã ký. Như vậy, nếu thực hiện theo phán quyết của VIAC, tức là sẽ vi phạm Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh.

Khánh Ly
Cùng chuyên mục