Kế hoạch của G7 chưa đủ sức áp đảo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc?

14/06/2021 18:15 GMT+7
Các quốc gia thuộc nhóm G7 đã nhất trí thông qua một kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD để cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Nhưng một chuyên gia quản trị kinh tế toàn cầu nhận định nỗ lực này là không đủ để ngăn chặn sáng kiến khổng lồ của Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo từ nhóm 7 nền kinh tế tiên tiến G7 đã gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh kéo dài 3 ngày vào cuối tuần qua tại Vương quốc Anh. Đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên của nhóm này trong hai năm qua, sau thời gian cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế toàn cầu.

Việc nhất trí thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng mang tên “Xây dựng Thế giới tốt đẹp hơn”, gọi tắt là B3W do Mỹ đề xuất được xem là một phần trong nỗ lực tập thể nhằm chống lại sự bành trướng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông Matthew Goodman, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề kinh tế tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington DC nhận định nỗ lực này không đủ để ngăn chặn Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Trung Quốc đang hậu thuẫn.

Kế hoạch của G7 chưa đủ sức áp đảo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Kế hoạch của G7 chưa đủ sức áp đảo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc? (Ảnh: Twiiter)

Sáng kiến Vành đai và Con đường là chương trình đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng vật lý và kỹ thuật số để kết nối hàng trăm quốc gia từ châu Á đến Trung Đông, châu Phi và châu Âu. Các nhà phê bình coi đây là một phần chính sách đối ngoại đặc trưng của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.

Năm 2013, Thủ tướng Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố sáng kiến Vành đai và Con đường mà Viện Doanh nghiệp Mỹ cho hay hiện đã có ít nhất 100 quốc gia thành viên tham dự, với hàng loạt dự án trị giá hàng chục tỷ USD. Bắc Kinh đã thúc đẩy sáng kiến này suốt gần một thập kỷ, mặc dù nó nhận về nhiều chí trích từ phương Tây. Trong khi Washington nhiều lần cáo buộc đây là chiến lược nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu của Bắc Kinh đồng thời gieo rắc bẫy nợ cho các quốc gia nghèo, thì chính phủ Trung Quốc khẳng định sáng kiến đa phương này nhằm mục tiêu thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực.

Trong một cuộc họp báo gần đây, ngay trước khi G7 tuyên bố nhất trí thông qua kế hoạch cơ sở hạ tầng này, một quan chức cấp cao trong chính quyền Biden nhấn mạnh: “Mỹ và nhiều đối tác, đồng minh của Mỹ trên thế giới từ lâu đã hoài nghi về sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc” do hàng loạt cáo buộc về sự “thiếu minh bạch, đi ngược lại các giá trị môi trường và tiêu chuẩn lao động, cách tiếp cận gây bất lợi cho các quốc gia khác”.

"Cho đến nay, chúng tôi chưa đưa ra một giải pháp thay thế tích cực nào (cho sáng kiến Vành đai và Con đường BRI của Trung Quốc) mà qua đó phản ánh các giá trị, tiêu chuẩn và cách thức kinh doanh của chúng tôi". Theo đó, sáng kiến Xây dựng thế giới tốt đẹp hơn "sẽ không chỉ là một giải pháp thay thế cho BRI, mà chúng tôi tin rằng nó sẽ hạ gục BRI như một sự lựa chọn chất lượng hơn”.

Sáng kiến này nhằm mục đích hình thành nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính của nhóm G7 trước khi huy động tài trợ từ khu vực tư nhân, tập trung vào việc tài trợ cho các lĩnh vực trọng tâm bao gồm khí hậu, y tế, an ninh sức khỏe, công nghệ kỹ thuật số, công bằng và bình đẳng giới.

Theo ông Goodman, sáng kiến của G7 có thể sẽ đóng góp một phần đáng kể trong việc thu hẹp khoảng cách cơ sở hạ tầng giữa các quốc gia trên thế giới bằng cách chuyển hàng tỷ USD đầu tư vào các nước đang phát triển. Ngoài ra, sáng kiến B3W của nhóm này cũng đề cao tính minh bạch cũng như các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội, điều mà Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc bị chỉ trích là không làm được.


NTTD
Cùng chuyên mục