Không cắt giảm lãi suất, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc bơm thêm 200 tỷ NDT vào nền kinh tế
Hôm 15/11, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC tiếp tục bơm thêm 200 tỷ NDT (khoảng 28,6 tỷ USD) vào nền kinh tế thông qua công cụ cho vay trung hạn. Đáng chú ý, đây đã là lần thứ hai trong tháng 11 PBOC có bơm tiền vào hệ thống tài chính dù vẫn giữ nguyên mức lãi suất cho vay. Lần bơm thanh khoản trước chỉ cách đây khoảng 1 tuần. Hồi giữa tháng 10, PBOC cũng bơm 200 tỷ NDT vào thị trường theo cách y hệt hiện tại.
Động thái liên tục bơm thanh khoản liên tục của PBOC đang khiến thị trường quan ngại. Nie Wen, chuyên gia kinh tế đến từ Hwabao Trust (Thượng Hải) nhận định: “Việc bơm thanh khoản thông qua công cụ cho vay trung hạn MLF được sử dụng để bù đắp sự thiếu hụt thanh khoản ngay cả khi PBOC trong năm qua đã liên tiếp cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của các ngân hàng”.
“Trong ngắn hạn, vấn đề lạm phát tiêu dùng tăng phi mã đã khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc không thể cắt giảm lãi suất ngay lập tức” - ông Nie Wen nói thêm. “Thế nên, PBOC đã bơm thanh khoản như một nỗ lực kích thích tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh cho vay tín dụng trì trệ sau tháng 10.”
Còn theo tuyên bố từ PBOC, việc bơm thanh khoản thông qua công cụ vay trung hạn nhằm mục tiêu giữ mức thanh khoản hệ thống ngân hàng trong ngưỡng hợp lý.
Hiện lãi suất cho vay trung hạn MLF của Trung Quốc theo số liệu niêm yết chính thức trên trang web của Ngân hàng Trung Ương PBOC hiện duy trì ở mức ổn định 3,25%. Tuy nhiên một chuyên gia tài chính từ một ngân hàng thương mại của Trung Quốc dự đoán rằng việc bơm MLF liên tiếp có thể sẽ mở đường cho việc cắt giảm lãi suất cho vay (LPR) mới khoảng 0,05% vào tuần tới, sau cuộc họp của PBOC. Hồi tuần trước, PBOC đã cắt giảm lãi suất vay trung hạn MLF lần đầu tiên kể từ năm 2016, với mức giảm khiêm tốn 0,05%.
Theo tuyên bố từ PBOC, việc bơm thanh khoản thông qua công cụ vay trung hạn nhằm mục tiêu giữ mức thanh khoản hệ thống ngân hàng trong ngưỡng hợp lý.
Kể từ khi bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, nền kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến sự lao đao rõ rệt trên hàng loạt lĩnh vực như kim ngạch thương mại, sản xuất công nghiệp, đặc biệt là tăng trưởng GDP hạ xuống mức thấp nhất trong gần 3 thập kỷ. Nguy cơ suy thoái kinh tế đã buộc Ngân hàng Trung Ương phải có hành động kích thích tăng trưởng thông qua các công cụ tài khóa và tiền tệ. Dù vậy, hiệu quả từ những gói kích thích kinh tế của Bắc Kinh cho đến nay là chưa cao.
Một trong những nguyên nhân lớn nhất dẫn tới tình trạng này là khoản nợ quốc gia khổng lồ lên tới 300% GDP mà Trung Quốc đang phải cõng trên vai. Một khi chính phủ quá tay trong việc tung các gói kích cầu để kích thích chi tiêu tiêu dùng và đầu tư doanh nghiệp, vỡ nợ sẽ là mối nguy mà Bắc Kinh phải tính đến. Đó là lý do tại sao Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc PBOC lâu nay luôn rất dè chừng trong các gói kích cầu cũng như cắt giảm lãi suất, mặc cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm và hàng loạt Ngân hàng Trung Ương Ấn Độ, Thái Lan...cũng hành động tương tự.