Lâm, thuỷ sản được giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1-2%/năm: Ngân hàng, doanh nghiệp và chuyên gia lên tiếng

22/07/2023 07:49 GMT+7
Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn tối thiểu từ 1-2%/năm cho vay đối với lĩnh vực lâm, thủy sản được thị trường đón nhận tích cực. Đây được coi là liều thuốc trợ lực kịp thời giúp doanh nghiệp thủy sản thoát khó và có cơ hội vực dậy.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Văn bản 5631/NHNN-TD, hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Theo đó, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản có vốn tín dụng khoảng 15.000 tỷ đồng (cao hơn dự kiến đặt ra gói 10.000 tỷ đồng), thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024. Đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam, thấp hơn tối thiểu từ 1- 2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn (ngắn hạn; trung, dài hạn) của chính ngân hàng cho vay áp dụng trong từng thời kỳ.

Chương trình được thực hiện bằng nguồn vốn tự huy động của các ngân hàng và thực hiện cho vay theo cơ chế thương mại thông thường. Đến nay đã có 12 ngân hàng thương mại đã đăng ký tham gia Chương trình. Các ngân hàng gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng TMCP Quân đội, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Nam Á, Ngân hàng TMCP Phương Đông, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội.

Lâm, thủy sản được giảm lãi suất cho vay tối thiểu 1-2%/năm: Ngân hàng, doanh nghiệp và chuyên gia lên tiếng - Ảnh 1.

Ngành lâm sản, thủy sản được giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm. (Ảnh: Nhật Hồ)

Ngay sau khi gói này được triển khai, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cam kết tham gia với 3.000 tỷ đồng, miễn, giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình này.

"Thị trường hồi phục vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024, thời điểm này, các doanh nghiệp nên tiếp cận vốn khi đã có các hợp đồng đầu ra thì tích trữ hàng để sẵn sàng xuất khẩu khi thị trường hồi phục", bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank, cho biết.

Đón thông tin này, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam cho hay, có nguồn tiền lãi suất thấp doanh nghiệp sẽ tăng cường lượng dự trữ, tăng giá mua tôm cho bà con, giúp bà con có điều kiện duy trì sản xuất, đồng thời giá thành sản phẩm xuất khẩu vẫn cạnh tranh với các quốc gia khác.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư kỳ Hiệp hội Chế biến xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng đánh giá cao những nỗ lực đồng hành, chia sẻ của Ngành Ngân hàng. Ông Nam nói: Giải pháp của Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ vào thời điểm này sẽ giúp ích được cho ngành hàng duy trì được chuỗi cung ứng và chúng ta sẽ có được ơ hội tốt hơn vào cuối năm nay.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho biết, đây là chương trình tín dụng hết sức cần thiết trong bối cảnh dòng vốn đang khó khăn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm, thủy sản. Nói riêng về lãi suất, ông Hiếu đánh giá với mức lãi suất thấp hơn thị trường từ 1-2%, mặc dù chưa phải là thấp, nhưng trong bối cảnh các doanh nghiệp ngành này đang gặp nhiều khó khăn ít nhiều cũng là giải pháp tốt.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý thêm: Hiện doanh nghiệp ngành lâm, thủy sản đang gặp phải 2 khó khăn chính: Thứ nhất là dòng vốn cho vay đang bị siết lại do ngân hàng lo ngại thị trường chưa ấm lên sẽ dẫn đến nợ xấu. Thứ hai là các nước châu Âu, Mỹ đang thắt chặt chính sách tiền tệ từ đó tổng cầu giảm, nhu cầu về thủy hải sản giảm, nên các doanh nghiệp cũng giảm sút đơn hàng.

Do đó, việc đưa dòng tiền vào ngành này cho họ tháo gỡ khó khăn quan trọng, nhưng đầu ra cho sản phẩm quan trọng không kém. Bởi vì bơm vốn vào, hỗ trợ họ sản xuất, nhưng lại chưa gỡ được đầu ra do nhu cầu thị trường suy giảm thì lại dẫn đến vòng "luẩn quẩn", hàng không bán được, nợ nần nhiều. Vì vậy, theo ông Hiếu cần giải quyết khâu thị trường. Những giải pháp hỗ trợ cho ngành thủy sản cần sớm được triển khai giúp các doanh nghiệp giữ được bạn hàng, nếu không thì nguy cơ đánh mất thị trường đang hiển hiện. Bởi doanh nghiệp Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh lớn từ những đối thủ xuất khẩu với giá bán rẻ hơn như Ecuador và Ấn Độ.

Nhìn chung, chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng được 12 ngân hàng cam kết, mặc dù chưa phải là lớn cho cả ngành, nhưng là cửa sáng cho các doanh nghiệp và ông Hiếu tin rằng từ nay đến cuối năm ngành này sẽ có khởi sắc nhất định.

Còn theo dự báo của các chuyên gia, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ dần hồi phục trong những tháng cuối năm 2023 nhờ những tín hiệu khả quan hơn ở các thị trường tiêu thụ, khi lượng tồn kho giảm và bước vào mùa đặt hàng cho tiêu thụ cuối năm, cũng như các dịp lễ hội lớn.

Tính đến thời điểm tháng 5, dư nợ tín dụng dành cho ngành thủy sản, lâm sản tại một số ngân hàng lớn như sau: Agribank cho biết dư nợ lĩnh vực thủy sản là 59.000 tỷ đồng; tại BIDV dư nợ cho vay lâm sản và thủy sản đạt 88.000 tỷ đồng; Vietcombank là 155.000 tỷ đồng.


H.Anh
Cùng chuyên mục