Loạt tín hiệu suy thoái "đèn đỏ" đang đe dọa nền kinh tế Mỹ

03/09/2019 15:33 GMT+7
Suy thoái kinh tế chắc chắn là mối quan ngại đang ám ảnh tâm trí người Mỹ ở khắp mọi nơi.

Công cụ tìm kiếm của Google cho thấy nỗi lo suy thoái đang tăng vọt theo cấp số nhân kể từ cuối tháng 7, khi Cục Dự trữ Liên bang FED tiến hành đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Mỹ vừa trải qua một tháng 8 tồi tệ với những dấu hiệu bất thường trên thị trường trái phiếu, đường cong lợi suất đảo ngược rung lên hồi chuông suy thoái đến gần. Cùng với đó, nền kinh tế toàn cầu giảm tốc gây áp lực cho các ngân hàng Trung Ương cắt giảm lãi suất ở quy mô chưa từng có. Mới đây nhất, chiến tranh thuế quan Mỹ - Trung leo lên một nấc thang mới với mức thuế có hiệu lực từ ngày 1.9. 

Việc đánh giá một nền kinh tế đang đứng trước bờ vực suy thoái hay không là không hề dễ dàng. Luôn xuất hiện những ý kiến trái chiều giữa nhà kinh tế, phân tích và quản lý tài sản về việc kinh tế Mỹ có đang thực sự lành mạnh như những gì dữ liệu phản ánh, và sự tăng trưởng này có tiếp tục duy trì lâu dài trong bối cảnh hiện tại.

Dưới đây là một số tín hiệu kinh tế đang nhấp nháy sắc đỏ cảnh báo suy thoái.

Thị trường trái phiếu

Không bất ngờ, thị trường trái phiếu với đường cong lợi suất đảo ngược là dấu hiệu cảnh báo suy thoái được nhắc đến nhiều nhất.

Kể từ ngày 14.8 đến nay, lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đã nhiều lần giảm xuống dưới mức lãi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm, với biên độ chênh lệch ngày càng mở rộng, có lúc lên tới 0,06%. 

Trong một thị trường lành mạnh, trái phiếu dài hạn luôn có lãi suất cao hơn trái phiếu ngắn hạn. Hiện tượng đường cong lợi suất đảo ngược trên thị trường trái phiếu như nền kinh tế Mỹ đang thấy thường là một dấu hiệu cảnh báo suy thoái kinh tế. Trong 7 cuộc suy thoái kinh tế gần đây nhất, đường cong lợi suất đều nghịch đảo như một lời cảnh báo đáng tin cậy. Trung bình, khoảng 22 tháng sau tín hiệu bất thường này, nền kinh tế sẽ thực sự bước vào suy thoái.

GDP

Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội GDP của Mỹ đang trên đà giảm tốc. Nền kinh tế Mỹ chỉ đạt mức tăng trưởng GDP 2% trong quý II, theo số liệu mà Bộ Thương mại nước này công bố hôm 29.8 sau lần thẩm định thứ hai. Hồi quý I.2019, GDP Mỹ đạt mức tăng trưởng 3%.

Lợi nhuận doanh nghiệp

Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ước tính đã giảm mạnh trong nửa đầu năm 2019. Hồi tháng 12.2018, các nhà phân tích dự đoán tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp S&P 500 trong năm 2019 sẽ đạt khoảng 7,6%. Nhưng nửa năm đã qua đi, và con số đó bây giờ là 2,3%, theo Factset.

Hồi tháng trước, sau khi đa số các doanh nghiệp đã công bố báo cáo kinh doanh quý II, các chiến lược gia từ Goldman Sachs và Citigroup vội vàng giảm dự đoán doanh thu và lợi nhuận năm 2019 và 2020 với các doanh nghiệp thuộc S&P 500, viện dẫn lý do kinh tế giảm tốc và áp lực từ chiến tranh thương mại.

Sản xuất công nghiệp

Ngành công nghiệp của Mỹ đang giảm tốc, có rất nhiều dữ liệu kinh tế chỉ ra điều đó. Chỉ số PMI sản xuất (tức chỉ số thu mua - vốn được đánh giá là thước đo sức khỏe ngành sản xuất) của Mỹ trong tháng 8 chỉ đạt 49,9, giảm mạnh từ mức 50,4 hồi tháng 7. Như vậy, PMI của Mỹ đã ra khỏi vùng tăng trưởng, đặt chân xuống vùng giảm tốc (được phân định bởi “cột mốc” trung lập 50,0) lần đầu tiên kể từ tháng 9.2009, theo IHS Markit. Mỗi khi PMI sản xuất xuống dưới 50,0, nó báo hiệu một nguy cơ suy thoái rõ rệt trong tương lai gần.

Hồi tháng 7, các quan chức FED từng bày tỏ quan ngại về sự suy yếu một số lĩnh vực kinh tế, trong đó có sản xuất. FED cảnh báo thương chiến Mỹ Trung ngày càng ảnh hưởng lớn tới niềm tin thị trường và đầu tư doanh nghiệp, do quan ngại tăng trưởng kinh tế giảm tốc. 

Chỉ số Cass Freight Index

Cass Freight Index được xem là “thước đo sức khỏe” ngành vận tải, thể hiện các lô hàng vận tải, xuất nhập khẩu trong một chu kỳ kinh tế, quan đó chỉ ra tiềm năng tăng trưởng hoặc giảm tốc trong tương lai. Chỉ số Cass Freight Index trong 3 tháng gần nhất đã giảm rõ rệt, với mức giảm 5,9% trong tháng 7, 5,3% trong tháng 6 và 6% trong tháng 5.

“Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh thông điệp đã cảnh báo từ 2 tháng trước, rằng chỉ số Cass Freight Index đang thể hiện tiềm năng giảm tốc của nền kinh tế” - trích từ báo cáo hồi tháng 7 của công ty dữ liệu Cass Information Systems Inc chuyên đo lường chỉ số Cass Freight. “Mặc dù GDP quý II.2019 vẫn cho thấy mức tăng trưởng dương, nhưng nó rõ ràng không phải con số tích cực khi so sánh với tăng trưởng GDP hồi quý I. Chúng tôi dường như nhìn thấy nguy cơ GDP giảm tốc dần từ nay đến cuối năm”. 

Giá đồng

Giá đồng được biết đến như một trong những “thước đo sức khỏe” nền kinh tế, cụ thể là thị trường nhà đất, đầu tư bất động sản và xây dựng. Là một trong những nguyên liệu chính dùng trong sản xuất và xây dựng công nghiệp, giá đồng tăng thể hiện sự tăng trưởng đầu tư cơ sở hạ tầng trong khi giá đồng giảm phản ánh điều ngược lại.

Tuy nhiên, trong nửa năm qua, giá đồng đã giảm 13%. Sự sụp đổ của thị trường đồng trong tháng 8 đã phản ánh “sự lạc quan thái quá của thị trường trong bối cảnh vĩ mô đầy tiềm năng rủi ro”, trích nhận định của Tom Essaye, Chủ tịch của công ty nghiên cứu tài chính Sevens Report.

Giá vàng

Giá vàng đã tăng hơn 20% kể từ tháng 5.2019, khi thương chiến Mỹ Trung chính thức leo thang cho đến nay. Trong bối cảnh nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu, tìm đến các tài sản an toàn do bất ổn kinh tế, vàng trở thành thước đo phản ánh quan ngại thị trường.

Chỉ số EPU đo lường bất ổn kinh tế toàn cầu

Chỉ số EPU (Global Economic Policy Uncertainty Index) đo lường những mối quan ngại về bất ổn kinh tế, chính sách kinh tế toàn cầu… đã đạt mức cao nhất mọi thời đại là 342 hồi tháng 6, giữa thời điểm thương chiến Mỹ Trung gây ra mối đe dọa lớn đến tăng trưởng kinh tế. 

EPU được đo lường bằng số lần các bài báo sử dụng những cụm từ khóa thông dụng liên quan đến bất ổn kinh tế chính trị hay quan điểm trái chiều giữa các nhà phân tích về tình hình kinh tế chính trị.

Chỉ số EPU đã giảm xuống 280 vào tháng 7 với hy vọng Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận thương mại sau cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản. Nhưng với những động thái leo thang căng thẳng gần đây, chắc chắn EPU trong tháng 8 sẽ lại tăng vọt đúng như quan ngại thị trường về bối cảnh suy thoái đang đến gần.

Đầu tư doanh nghiệp

Chỉ tính riêng quý II.2019, tổng đầu tư tư nhân trong nước đã chứng kiến sự sụt giảm 5,5%, mức giảm lớn nhất kể từ quý IV.2015 đến nay, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ. Sau những hành động châm ngòi chiến tranh thuế quan và xung đột thương mại của ông Trump, các doanh nghiệp giờ đây đang tỏ ra ngần ngại đầu tư giữa viễn cảnh kinh tế ảm đạm.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục