Lưỡng lự giữa bài toán nới lỏng, FED có đủ sức ngăn chặn viễn cảnh suy thoái?

18/08/2019 12:33 GMT+7
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát ra nhiều tín hiệu mong muốn Cục dự trữ Liên bang sẽ có những hành động ngăn chặn cuộc suy thoái kinh tế sắp đến gần. Nhưng liệu Ngân hàng trung ương có đủ khả năng chống lại một viễn cảnh kinh tế suy yếu? Đó vẫn là câu hỏi lớn.

Những tín hiệu kinh tế trái chiều

Đường cong lợi suất đảo nghịch hôm 14.8

Nhiều nhà kinh tế tin rằng FED không có lý do để cắt giảm lãi suất sâu như thị trường dự kiến, khi mà nhiều tín hiệu kinh tế vẫn cho thấy sự tăng trưởng ổn định (cụ thể là năng suất lao động và doanh số bán lẻ cùng tăng tốc trong tháng 7). Không ai phủ nhận những lo ngại từ xung đột thuế quan và sự giảm tốc của một số nền kinh tế lớn trên thế giới, nhưng chừng đó có thể là chưa đủ để FED đi đến một hành động nới lỏng chính sách tiền tệ sâu như ông Trump hy vọng.

Ngược lại, Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế từ MUFG là một trong số những nhà phân tích dẫn đầu quan điểm thị trường cần một đợt cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong tháng 9 này. “Các quan chức FED sẽ cần một hành động hợp lý trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu bất thường của thị trường trái phiếu và việc đường cong lợi suất 2 năm và 10 năm đảo nghịch”. 

“FED có thể không cần giải thích với chính quyền Trump về việc cắt giảm lãi suất hay không, nhưng hành động của FED sẽ được ghi lại trong lịch sử, FED phải chịu trách nhiệm với lịch sử” - ông Rupkey nhận định.

Tất nhiên, Tổng thống Trump vẫn tiếp tục kêu gọi FED cắt giảm lãi suất trong nỗ lực suy yếu đồng USD và hỗ trợ kích thích nền kinh tế. Thị trường kỳ vọng FED sẽ tiến hành thêm khoảng 3 đợt cắt giảm lãi suất từ nay đến đầu năm sau, với tổng mức cắt giảm lên tới 1%. Đây có thể sẽ là những động lực cho FED tiến hành nới lỏng chính sách tiền tệ, dù cơ quan này hiện đang đặt lãi suất mục tiêu trong khoảng 2-2,25%.

Ngay cả khi FED chịu cắt giảm lãi suất như thị trường kỳ vọng, câu hỏi đặt ra là liệu hành động này có đủ sức cứu nền kinh tế Mỹ ra khỏi viễn cảnh suy yếu hay không. Phố Wall đã chứng kiến phiên giao dịch tệ nhất từ đầu năm hôm 14.8, khi Dow Jones giảm 3% và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng cao hơn cả lợi suất kỳ hạn 10 năm - một dấu hiệu cảnh báo suy thoái được nhiều nhà phân tích tin tưởng.

Đường cong lợi suất nghịch đảo: lỗi có nằm ở FED?

Lisa Shalett, giám đốc đầu tư của Morgan Stanley Wealth Management cho rằng tất cả những gì mà thị trường trái phiếu đang cố gắng truyền đạt tới nhà đầu tư là họ có vẻ đang đặt quá nhiều niềm tin vào một FED luôn chạy theo những tín hiệu thị trường và một vị Tổng thống không thực sự nắm giữ quân bài nào chắc chắn.

Dưới thời Chủ tịch FED Jerome Powell, FED rõ ràng đã tìm cách tái định vị tầm quan trọng và sự độc lập của cơ quan này thông qua hàng loạt quyết định tăng lãi suất trong năm 2017-2018 mà ông Trump cho đó là một sai lầm chính sách. FED cố gắng giữ lập trường vững chắc rằng họ sẽ làm tất cả những gì có thể để đảm bảo sự mở rộng của nền kinh tế, nhưng chỉ khi thị trường thực sự cần thiết.

Nhưng FED đã cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 11 năm hôm 31.7 vừa qua, với tỷ lệ cắt giảm 0,25%. Một tỷ lệ không lớn, nhưng nó thể hiện sự quan ngại của FED với tương lai của nền kinh tế Mỹ và rủi ro suy thoái đến gần. Và trong khi việc FED cắt giảm lãi suất được kỳ vọng sẽ giúp ổn định thị trường và khiến đường cong lợi suất dốc lên, thì các diễn biến thương mại bất ổn tiếp theo thậm chí còn đảo ngược cả đường cong lợi suất hôm 14.8, lần đầu tiên trong vòng 14 năm kể từ năm 2005.

FED lâu nay luôn hứng sự chỉ trích của Trump vì những hành động "chậm chạp" và "sai lầm"

Tổng thống Trump ngay sau đó đã buộc tội FED và hành động chậm chạp của FED chính là nguyên nhân gây ra đường cong lãi suất đảo ngược, dù nhiều nhà phân tích tích chỉ ra chính xung đột thuế quan mà ông Trump khơi mào mới là lý do thực sự. 

Thực chất, nguyên nhân đường cong lợi suất nghịch đảo giờ đây đã không còn quan trọng. Điều quan trọng là thị trường trái phiếu càng bất ổn, quan ngại suy thoái càng tăng cao thì FED càng có lý do tiến gần hơn đến một đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9 tới, điều mà cả ông Trump và thị trường đều chờ đợi.

FED đang lưỡng lự

Đường cong lợi suất đảo ngược khiến thị trường chờ đợi một hành động cắt giảm quyết liệt từ FED (khoảng 0,5% lãi suất) hơn là sự cắt giảm hời hợt 0,25% như hồi cuối tháng 7. 

Thực chất, đường cong lợi suất chỉ đảo ngược một thời gian ngắn trước khi lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm phục hồi và vượt lên lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm. Nhưng ý nghĩa tâm lý của nó đã đủ gây hoang mang lớn cho các nhà kinh tế, khi trong vòng 50 năm qua, lần nào hiện tượng này xảy ra cũng kéo theo suy thoái kinh tế trong vài năm tiếp theo.

Hơn nữa, cho dù đường cong lợi suất không thực sự khiến thị trường bất ổn, thì bất kỳ hành động thổi bùng xung đột thương mại nào tiếp theo của ông Trump: một vài dòng tuyên bố trên Twitter, một vài câu trả lời phỏng vấn, một vài lời đe dọa tăng thuế với 300 tỷ USD hàng hóa lên 25%...cũng đủ tàn phá thị trường chứng khoán thêm một lần nữa. Thị trường đang trong một giai đoạn nhạy cảm hơn bao giờ hết.

Chuyên gia kinh tế Michael Pento, người sáng lập Pento Portfolio Strategies cho hay: “Việc FED cắt giảm lãi suất hôm 31.7 là động thái đáng chú ý. Nhưng sự nghịch đảo của đường cong lợi suất cần một sự nới lỏng lớn hơn nhiều mức 0,2%. FED phải thật sự quyết liệt, quyết liệt hơn nữa. Tôi cho rằng mức cắt giảm tới 0,75% là mức tối thiểu để lợi suất trái phiếu dài hạn tăng lên”.

Thị trường hiện đang định giá 33% cơ hội FED cắt giảm lãi suất 0,5% trong tháng 9 tới, tính đến 15.8, theo công cụ đo lường FedWatch. Thị trường cũng dự đoán lãi suất liên bang sẽ giảm mạnh xuống mức 1,04% cho đến đầu năm 2012, kéo theo quyết định cắt giảm lãi suất mục tiêu xuống mức tương ứng.

Đối lập với quan điểm này, một số quan chức FED lo ngại nếu FED tiến hành một đợt cắt giảm lãi suất sâu ngay bây giờ thì những đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo sẽ trở nên vô nghĩa nếu một đợt suy thoái nghiêm trọng hơn kéo đến. Đó chính là lý do vì sao FED vẫn lưỡng lự vào thời điểm hiện tại.

Chuyên gia kinh tế Lewis Alexander từ Nomura nhận định: “FED tất nhiên có thể cắt giảm lãi suất nhiều và nhanh chóng. Nhưng mức lãi suất thấp sẽ hạn chế mức độ ảnh hưởng trong những chính sách tiếp theo của FED”. 

Còn Bill English, cựu quan chức phụ trách các vấn đề tiền tệ của FED nhận định: “Thị trường đang ở trong giai đoạn nhạy cảm. Họ dễ dàng bị tác động và phản ứng khá lớn so với tình hình thực tế. Theo tôi, một chính sách tiền tệ lỏng lẻo và vội vàng lúc này chưa thực sự cần thiết. Ông Powell đã tuyên bố rõ ràng rằng FED sẽ xem xét các dữ liệu và làm điều đúng đắn nhất để giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng”. 

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục