Phái đoàn Trung Quốc đột ngột về nước sớm, chứng khoán phố Wall lao đao

21/09/2019 08:59 GMT+7
Chứng khoán Mỹ tiếp tục chứng kiến phiên giảm giá hôm 20/9 sau khi các quan chức Trung Quốc bất ngờ cắt ngắn chuyến công tác Mỹ làm giảm bớt kỳ vọng xoay quanh đàm phán Mỹ Trung.
Phái đoàn Thứ trưởng Trung Quốc đột ngột về nước sớm, chứng khoán phố Wall lao đao - Ảnh 1.

Chứng khoán Mỹ lao đao khi đàm phán Mỹ Trung có dấu hiệu căng thẳng trở lại

Thị trường chứng khoán đã hoang mang sau thông tin phái đoàn đàm phán Trung Quốc bất ngờ hủy chuyến thăm các nông trại Mỹ tại vùng Montana và trở về nước sớm hơn dự kiến. Phái đoàn gồm nhiều quan chức Bắc Kinh cấp Thứ trưởng có mặt tại Washington để tiến hành các cuộc tham vấn chuẩn bị cho vòng đàm phán Mỹ Trung đầu tháng 10 tới.

Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 159,72 điểm, tương đương 0,6% xuống 26.935,07 điểm. Chỉ số S & P 500 giảm 0,5% xuống 2,992,09 điểm trong khi chỉ số tổng hợp NASDAQ giảm 0,8% xuống 8.117,67 điểm. Như vậy, trong tuần qua, Dow Jones giảm tới 1,1% còn NASDAQ mất 0,7%. S&P 500 cũng chứng kiến mức giảm 0,5% trong tuần.

Cổ phiếu Caterpillar mất 1,5% tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch trong khi cổ phiếu Boeing lùi 1,3% và cổ phiếu Apple trượt hơn 1%.

Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần tuyên bố việc Trung Quốc tăng mua nông sản Mỹ sẽ là một phần quan trọng của thỏa thuận song phương. Nhưng giờ đây, khi phái đoàn Trung Quốc đột ngột kết thúc chuyến công tác, phố Wall đã xem đây như một dấu hiệu thể hiện khả năng đàm phán Mỹ Trung đột phá là ngày càng mờ nhạt. 

Phái đoàn Thứ trưởng Trung Quốc đột ngột về nước sớm, chứng khoán phố Wall lao đao - Ảnh 2.

Ông Donald Trump từng tuyên bố việc Bắc Kinh tăng mua nông sản là nội dung quan trọng trên bàn đàm phán Mỹ Trung

Trước đó, Mỹ và Trung Quốc đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh thương mại kéo dài hơn một năm nay, khi hai bên liên tục áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của đối phương, khiến thị trường tài chính lao đao, niềm tin thị trường giảm sút. Thương chiến còn có nguy cơ lan sang nhiều lĩnh vực như công nghệ, tài chính tiền tệ, thậm chí là năng lượng.

Trong những tuần vừa qua, những dấu hiệu lạc quan của đàm phán Mỹ Trung và các kích thích kinh tế từ nhiều Ngân hàng Trung Ương trên thế giới đã phần nào làm giảm mối quan ngại tăng trưởng chậm trên toàn cầu. Việc FED cắt giảm lãi suất 0,25% và Ngân hàng Trung Ương Châu Âu đưa lãi suất xuống mức -0,5% thấp kỷ lục đã góp phần ổn định tâm lý nhà đầu tư.

Michael Shaoul, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Marketfield Asset Management nhận định: "Môi trường tài chính hiện nay vẫn khá tích cực và các dữ liệu kinh tế gần đây đều vượt qua kỳ vọng, phản ánh một nền kinh tế ổn định. Có một chút nghi ngờ phải chăng Ủy ban thị trường mở FOMC nên chống lại nguy cơ suy thoái bằng mức cắt giảm lãi suất sâu hơn". 

Chủ tịch FED chi nhánh St. Louis, ông James Bullard thì giải thích lý do ông ủng hộ mức cắt giảm 0,5% trong tuần này là có những dấu hiệu cho thấy kinh tế Mỹ sẽ giảm tốc trong thời gian ngắn, dù dữ liệu hiện nay vẫn đang ổn định. Sự bất ổn thương mại vẫn tăng lên khi đàm phán Mỹ Trung không có tiến triển, các ngành sản xuất của Mỹ thì suy yếu và nhiều đánh giá cho thấy nguy cơ suy thoái đã tăng từ mức thấp lên mức trung bình". Điều này trái ngược với nhận định của Chủ tịch FED Jerome Powell, rằng ông không thấy nguy cơ suy thoái nào trong năm 2020.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục