Quỹ GIC của Chính phủ Singapore rót 500 triệu USD vào mảng bán lẻ của Vingroup

11/09/2019 13:30 GMT+7
Sau VinHomes, Quỹ GIC của Chính phủ Singapore đầu tư tiếp 500 triệu USD vào công ty mẹ của Vinmart, đây là một trong công ty con của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Qũy GIC đầu tư 500 triệu USD vào công ty mẹ của Vinmart

Quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (GIC) đã đầu tư 500 triệu USD vào CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM - công ty mới được thành lập để sở hữu 100% vốn Vincommerce,  đơn vị vận hành hệ thống 113 siêu thị Vinmart và hơn 1.900 cửa hàng Vinmart+.

Tháng trước, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã tách Vincommerce thành hai công ty mới là CTCP Đầu tư kinh doanh và Thương mại P&S và CTCP Phát triển thương mại dịch vụ Adayroi.

GIC đang ngày càng quan tâm đến thị trường Việt Nam khi rót vốn cho các công ty đầu ngành như Masan Group, Vietjet, Vinamilk, FPT, PAN Group. Trước giao dịch này, GIC đã đầu tư 853 triệu USD vào Vinhomes vào năm 2018 khi Vinhomes IPO.

Trong khi đó, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết họ đã huy động được 6,9 tỷ USD thông qua 15 giao dịch kể từ năm 2013 tới nay, bao gồm cả đầu tư cổ phần và vay vốn.

Sau khi chuyển hướng sang trở thành tập đoàn về công nghệ và công nghiệp sản xuất ô tô, Vingroup đã huy động được một lượng vốn khổng lồ sau khi tập đoàn Hàn Quốc SK Group rót 1 tỷ USD để nhận 6% cổ phần.

Năm 2018, Hanwha Asset Management cũng đầu tư 400 triệu USD mua cổ phiếu ưu đãi của Vingroup.

Trước khi được rót vốn 500 triệu USD , mảng bán lẻ của Vingroup đã phát triển rất lớn mạnh

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú  Phạm  Nhật  Vượng liên tục thâu tóm các thương hiệu bán lẻ khác, để mở rộng sự hiện diện của mình trên thị trường. Hồi giữa năm 2018, Vingroup đã thâu tóm Viễn Thông A, chuỗi cửa hàng điện thoại lâu đời nhất trên thị trường. Sang tháng 9/2019, Vingroup mua lại Fivimart và chuyển đổi toàn bộ thành các siêu thị Vinmart. Đến tháng 4/2019, Vingroup nhận chuyển nhượng 87 cửa hàng Shop & Go và cũng chuyển đổi thành các siêu thị Vinmart+. Gần đây nhất, Vingroup đã thâu tóm chuỗi 8 siêu thị Queenland Mart ở khu vực TPHCM.

Có thể thấy, Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang lựa chọn con đường M&A để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường .

Gia nhập mảng bán lẻ  từ năm 2014 với thương vụ mua lại hệ thống siêu thị Oceanmart, Vingroup trong năm này đạt doanh thu khoảng hơn 450 tỷ đồng.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính của Vingroup, doanh thu mảng bán lẻ 2 quý đầu năm nay đã lên một mặt bằng mới, khoảng 7.500 tỷ đồng/quý, cao gấp rưỡi so với quý 2, quý 3 năm 2018 và cao gấp 2 lần so với giai đoạn 2016-2017.

Tính đến thời điểm hiện tại, mảng bán lẻ của Vingroup gồm có các siêu thị Vinmart, cửa hàng Vinmart+, siêu thị điện máy VinPro, Viễn Thông A, trang thương mại điện tử Adayroi và chuỗi dược phẩm VinFA mới được thành lập. Lợi thế của Vingroup so với các đối thủ là sở hữu hệ sinh thái khép kín khổng lồ. Đối với Vinmart và Vinmart+, các siêu thị, cửa hàng này có thế mạnh từ nhóm hàng nông sản sạch của VinEco, nhóm thực phẩm sơ chế và chế biến sẵn dưới thương hiệu Vinmart Cook và thực phẩm công nghệ VinMart Good với quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến khâu chế biến.

Mặc dù đang tăng trưởng rất nhanh nhưng mảng bán lẻ của Vingroup vẫn đang chịu lỗ, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác trong giai đoạn mở rộng để chiếm lĩnh thị trường.

 

 

 

 

 

 

Hồng Nhung
Tags:
Cùng chuyên mục