Chiến tranh thương mại Mỹ Trung sẽ thổi bay 455 tỷ USD GDP toàn cầu năm 2020
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng lớn đến GDP toàn cầu
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế vừa cho biết trong một báo cáo ngắn gọn gửi đến các Bộ trưởng tài chính các nước G20, rằng những hành động trả đũa thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ khiến GDP toàn cầu mất đi 455 tỷ USD trong năm 2020. Các nền kinh tế Nam Phi sẽ chịu tổn thất nặng nề hơn cả từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung.
“Có những mối quan ngại ngày càng tăng về tác động của chiến tranh thương mại đến nền kinh tế toàn cầu. Mức thuế quan 25% mà Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng hóa xuất khẩu của đối phương nhiều khả năng sẽ tạo nên những mức giảm trong đầu tư và tăng trưởng. Mức thuế mà Mỹ dự định áp lên hàng hóa của Mexico cũng khiến các nhà đầu tư lo lắng. Hôm 5.6, đã không có một thỏa thuận thương mại nào được thông qua trên bàn đàm phán Mỹ - Mexico.” bà Lagarde nhấn mạnh.
“Rõ ràng đã có nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều là những kẻ thua cuộc trong chiến tranh thương mại. Ngoại trừ một số ít nền kinh tế hưởng lợi, kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ chịu sự suy giảm đáng kể trong năm 2020 sau những căng thẳng leo thang”.
Vị Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế cũng kêu gọi trong báo cáo hôm 5.6 rằng các quốc gia nên loại bỏ rào cản thương mại được tạo nên gần đây, và hạn chế mọi rào cản tiếp theo dưới bất kỳ hình thức nào để tránh gây tổn thương cho sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.
Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế IMF
Vào tháng 7.2018, Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông sẵn sàng giảm mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nếu cần. Thời điểm đó, các dự báo của IMF đều chỉ ra những dấu hiệu tích cực cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, sau tuyên bố đầy lạc quan từ ông Trump.
Dù vậy, IMF đã điều chỉnh lại những dự báo lạc quan này trong vài quý gần đây khi căng thẳng thương mại ngày một leo thang và các mối quan ngại xung quanh sự trả đũa của Trung Quốc đã khiến các chỉ số trên thị trường chứng khoán giảm mạnh.
Tuy nhiên, trong báo cáo gửi đến G20 hôm 5.6, IMF chỉ ra đã có sự phục hồi tạm thời trong tăng trưởng kinh tế nhờ nỗ lực của các ngân hàng Trung Ương đối phó với chiến tranh thương mại thông qua các chính sách tiền tệ.
Trước mắt, IMF dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ có sự tăng nhẹ, từ 3.3% năm 2019 lên 3.6% năm 2020.
Rủi ro suy thoái kinh tế
Dù vậy, IMF vẫn đưa ra hàng loạt cảnh báo về rủi ro suy thoái một khi căng thẳng thương mại kéo dài hoặc tiếp tục leo thang, Brexit vẫn lâm vào bế tắc hay xung đột thương mại giữa Mỹ và Mexico trở thành chiến tranh thương mại.
Các cuộc đàm phán giữa Bắc Kinh và Washington đã dừng lại từ hồi đầu tháng 5, sau khi Mỹ áp thuế 25% với 200 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cùng lệnh hạn chế thương mại nhắm vào Huawei. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc vừa tung đòn đáp trả bằng việc áp dụng thuế 25% lên 60 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và đe dọa công bố một danh sách đen các công ty nước ngoài vi phạm lợi ích an ninh quốc gia.
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung ngày càng khiến các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế
Để giữ cho nền kinh tế khỏi giảm tốc do chiến tranh thương mại, chính phủ Trung Quốc hồi năm ngoái đã công bố hàng loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính những doanh nghiệp tư nhân, giảm thuế tiêu dùng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phía Brexit, thời hạn Brexit của Anh đã bị đẩy lùi về 31.10.2019 sau khi các nhà lập pháp nước này rộ lên tranh cãi. Những nỗ lực cuối cùng thúc đẩy tiến trình Brexit thất bại đã khiến Thủ tướng Theresa May đệ đơn từ chức, kèm theo dấu hiệu của những bất ổn chính trị. Nhiều nguy cơ Anh sẽ rời Liên Minh Châu Âu mà không có một thỏa thuận nào thông qua.
Liên tiếp những bất ổn trong nền kinh tế chính trị toàn cầu nhiều khả năng sẽ gây ra rủi ro suy thoái kinh tế, theo cảnh báo từ IMF.