Trung Quốc đang quằn quại vì thương chiến?

10/09/2019 16:51 GMT+7
Giá xuất xưởng tại các nhà máy Trung Quốc tháng 8/2019 đang giảm với tốc độ nhanh nhất trong 3 năm trở lại đây, thổi bùng mối quan ngại giảm phát và củng cố thêm sự cấp thiết cho Bắc Kinh ban hành các biện pháp kích thích kinh tế tiếp theo.

Quan ngại giảm phát bao phủ lĩnh vực sản xuất

Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ Trung leo thang đánh tụt nhu cầu trong và ngoài nước, các doanh nghiệp Trung Quốc giờ đây đang đứng trước 2 bài toán: giảm giá để thu hút các đơn hàng mới hoặc cắt giảm sản lượng sản xuất để giảm thiểu chi phí, bảo toàn lợi nhuận vốn đã mong manh. Các lĩnh vực như sản xuất vật liệu thô, năng lượng và kim loại…là những ngành dẫn đầu mức giảm giá xuất xưởng.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 8 đã giảm 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức giảm 0,3% trong tháng 7. Đây cũng là mức giảm PPI lớn nhất kể từ tháng 8 năm 2016, dữ liệu của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) cho hay.

Theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến được tổ chức bởi Reuters, các nhà phân tích thậm chí dự đoán PPI tháng 9 của Trung Quốc sẽ giảm tới 0,9%, đánh dấu tháng thứ hai chứng kiến mức sụt giảm đáng báo động. Giá cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán Thượng Hải đã giảm mạnh ngay sau thông tin này. Trước áp lực giảm phát hiện tại, nhiều khả năng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ được chính phủ Bắc Kinh tiếp tục thực hiện. 

Hồi cuối tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã cắt giảm yêu cầu dự trữ bắt buộc của các ngân hàng lần thứ 7 kể từ đầu năm 2018 đến nay trong nỗ lực giải phóng tín dụng. Các nhà phân tích còn đang đặt kỳ vọng vào một đợt cắt giảm lãi suất vay trong tuần tới hoặc tháng tới như những gì FED và nhiều ngân hàng Trung Ương khác đã hành động để giảm chi phí vay, qua đó kích thích chi tiêu tiêu dùng cũng như đầu tư kinh doanh. Mức kỳ vọng này được đặt trên cơ sở phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Yi Gang hồi cuối tháng 7 rằng việc cắt giảm lãi suất có thể sẽ giúp giải quyết nguy cơ giảm phát. Thời điểm đó, giảm phát tại Trung Quốc vẫn chưa phải vấn đề trầm trọng.

Trái với chỉ số giá sản xuất PPI, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 8 của Trung Quốc lại tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt qua kỳ vọng tăng trưởng 2,6% của các nhà phân tích nhưng vẫn thấp hơn mức mục tiêu 3% mà Chính phủ nước này đề ra.

“Mặc dù CPI tăng trưởng tốt, chúng tôi hy vọng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC sẽ cắt giảm lãi suất trong quý IV năm nay” - Công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia ANZ nhận định trong một ghi chú. “Theo quan điểm của chúng tôi, biến động chỉ số giá sản xuất PPI sẽ tác động đến nhà hoạch định nhiều hơn là chỉ số giá tiêu dùng CPI”.

Giá thịt lợn Trung Quốc tăng 46,7% trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi càn quét

Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cũng cho thấy chỉ số giá lương thực tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng cao nhất kể từ tháng 1.2012 đến nay. Giá thịt lợn tăng 46,7%, vượt xa mức tăng 27% hồi tháng 7 trong bối cảnh cơn sốt dịch tả lợn Châu Phi càn quét Trung Quốc gây tình trạng khan hiếm. Hầu hết các chuyên gia nhận định giá thịt lợn sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 9 khi nguồn cung giảm mạnh, qua đó tác động gián tiếp làm tăng giá nhiều mặt hàng thực phẩm khác.

Chỉ số lạm phát tiêu dùng cơ bản không bao gồm mặt hàng thực phẩm và nhiên liệu vẫn duy trì mức tăng nhẹ. 

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc nhiều nguy cơ lao đao

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Canada hay khu vực đồng Euro cũng đang chứng kiến tình trạng giảm phát đáng quan ngại, làm dấy lên nỗi lo nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ Trung gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngành công nghiệp khai thác dầu khí của Trung Quốc là ngành chứng kiến áp lực giảm phát nặng nề nhất. Dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia cho thấy mức giảm giá 9,1% hồi tháng 8, trong khi các ngành công nghiệp chế biến than và nhiên liệu khác cũng giảm giá trung bình 5,9%.

Nhu cầu vật liệu xây dựng đã chững lại trong tháng 8 với số hợp đồng đặt hàng giảm mạnh hơn dự kiến. Kim ngạch nhập khẩu đồng - một trong những kim loại quan trọng trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, được coi là thước đo sức khỏe của ngành xây dựng - đã giảm trong tháng 8. Lĩnh vực bất động sản, với sự hỗ trợ của Chính phủ, vẫn giữ được động lực tăng trưởng.

Với những mức thuế mới mà Mỹ sắp áp lên hàng hóa Trung Quốc vào 1.10 và 15.12 tới đây, các nhà phân tích dự báo doanh nghiệp Trung Quốc (bao gồm cả nhà sản xuất và nhà xuất khẩu) sẽ còn phải hứng chịu nhiều đòn đau hơn nữa. Dữ liệu được công bố hồi cuối tuần trước cũng chỉ ra kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 8 đều giảm, một dấu hiệu mạnh mẽ cảnh báo sự sụt giảm nhu cầu trong nước và quốc tế. Đây cũng là nguyên nhân khiến các nhà phân tích Reuters dự báo tăng trưởng kinh tế quý III của Trung Quốc có thể sẽ thấp hơn cả mức 6,2% hồi quý II - mức thấp nhất trong 27 năm trở lại đây. 

Dù cho Mỹ và Trung Quốc đã đồng thuận tái khởi động vòng đàm phán thương mại Mỹ Trung vào đầu tháng 10 tới tại Washington, đa số các chuyên gia vẫn tỏ ra ngờ vực về khả năng hai bên đạt được thỏa thuận thương mại thống nhất trong vài quý tiếp theo. Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow thậm chí còn cảnh báo xung đột có thể mất tới hàng thập kỷ để giải quyết.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục