Truyền thông Trung Quốc tiết lộ diễn biến lạc quan của thỏa thuận Mỹ Trung
Theo tờ Tân Hoa Xã, phái đoàn đàm phán hai nước đã có những cuộc thảo luận “mang tính xây dựng” về các vấn đề cốt lõi trong xung đột thương mại, đồng thời nhất trí giữ liên lạc chặt chẽ trong nỗ lực tiến đến thỏa thuận giai đoạn 1. Trước đó một ngày, Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cũng tiết lộ trước Hội đồng Quan hệ đối ngoại tại Washington rằng Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại trong tầm tay. Thông tin này sau đó ngay lập tức đẩy chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones phá mốc 28.000 điểm trong khi chỉ số S&P 500 và Nasdaq cũng lập đỉnh kỷ lục.
Thực chất, đây không phải lần đầu giới truyền thông Trung Quốc đề cập đến những cuộc thảo luận thương mại mang tính xây dựng giữa hai nước. Tuy nhiên, nhận định đến vào thời điểm mà trước đó đã có những thông tin về bế tắc trong đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới khi Washington không thể thuyết phục Bắc Kinh thỏa hiệp về các vấn đề chuyển giao công nghệ bắt buộc và sở hữu trí tuệ.
Ở phía ngược lại, Trung Quốc cũng nỗ lực thúc đẩy Nhà Trắng dỡ bỏ thêm thuế quan như một phần nội dung trong thỏa thuận giai đoạn 1. “Nếu cả hai bên đạt đến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, mức độ bãi bỏ thuế quan sẽ phản ánh chính xác quy mô và tầm quan trọng của thỏa thuận” - ông Cao Phong nhấn mạnh trong nội dung bài phát biểu. Thương chiến Mỹ Trung đã kéo dài hơn một năm nay, khi Mỹ áp đặt thuế quan trừng phạt lên hơn 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc để ép Bắc Kinh thay đổi thể chế luật pháp và các chế tài thương mại. Để trả đũa Trump, Trung Quốc cũng áp thuế quan lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa Mỹ, gây tổn thương nặng nề cho kim ngạch thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Bất chấp lời kêu gọi từ Bộ Thương mại Trung Quốc, đứng từ lập trường Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump tuyên bố không đồng ý dỡ bỏ bất kỳ khoản thuế quan nào do quan ngại việc miễn giảm thuế sẽ làm mất đi đòn bẩy mạnh mẽ của Mỹ trên bàn đàm phán. Đó cũng là nguyên nhân các chuyên gia tờ Tạp chí phố Wall tỏ ra nghi hoặc về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện giữa hai quốc gia.
Thêm một chi tiết gây mâu thuẫn trong các cuộc thảo luận thương mại, là việc Bắc Kinh muốn lật lại cam kết mua 50 tỷ USD nông sản Mỹ mà hai nước từng nhất trí thông qua hồi cuối tháng 10. Theo luận điệu của giới truyền thông Trung Quốc, Bắc Kinh muốn cam kết tăng mua nông sản theo nhu cầu thị trường hơn là một khối lượng cụ thể trong giai đoạn cụ thể.
Ngay cả khi hai nền kinh tế thế giới nhất trí ký kết thỏa thuận giai đoạn 1, các chuyên gia phân tích cũng chỉ ra rằng các mâu thuẫn thương mại cốt lõi liên quan đến trợ cấp Chính phủ và chuyển giao công nghệ bắt buộc vẫn có nguy cơ châm ngòi cho thương chiến leo thang. Bắc Kinh từ lâu đã nhấn mạnh quan điểm phản đối việc Mỹ can thiệp vào thể chế luật pháp nước này, còn Nhà Trắng thì từ lâu đã mạnh mẽ dùng mọi đòn giáng thuế quan và phi thuế quan để ép Trung Quốc thay đổi các thể chế gây thiệt hại cho môi trường thương mại quốc tế.