TS Vũ Đình Ánh: "Cổ phần hóa vì đất vàng, có những thứ trưởng đã phải bỏ trốn chỉ vì một mảnh đất"
TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế thẳng thắn chia sẻ khi đề cập tới quá trình cổ phần hóa DNNN tại Hội thảo "Nâng cao hiệu quả công tác cổ phần hóa tại các doanh nghiệp nhà nước và vai trò của Kiểm toán nhà nước" vừa diễn ra.
Tham gia cổ phần hóa chỉ vì đất vàng, đất kim cương
Nhìn nhận tiến trình cổ phần hóa (CPH) các doanh nghiệp nhà nước khó có thể đạt được, TS Vũ Đình Ánh đề cập: Việc chậm cổ phần hoá một phần lớn là do thủ tục xác định giá trị đất đai mất nhiều thời gian. Quá trình cổ phần hóa DNNN đã cho thấy nhiều sai phạm trong xử lý đất đai, gây thất thoát tài sản nhà nước.
"Riêng chỗ xác định giá đất thôi mà cũng loay hoay 20 năm rồi chưa xong. Vậy thì khi phát sinh các quy định khác về đất đai thì xử lý thế nào?", TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
Trong nhiều trường hợp cổ phần hoá, theo ông Ánh, DN tham gia mua cổ phần hoá chỉ vì đất, trong đó có những mảnh thuộc đất vàng, đất kim cương. Nhà đầu tư thường nhắm vào các DNNN đất đai đặc biệt ở các vị trí đắc địa. Không ít trường hợp cổ phần hoá chỉ vì đất, và vì thế mục tiêu cổ phần hoá không đạt được. Thậm chí, có những Thứ trưởng đã phải bỏ trốn chỉ vì một mảnh đất nào đó.
Thực tế, qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011- 2017, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều vấn đề trong sử dụng đất đai, nổi bật là vụ vi phạm Luật Đất đai, bán tài sản gắn liền với đất không qua đấu giá; phát hiện một số doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước bán tài sản gắn liền với đất được thuê trả tiền hàng năm không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013…
Cũng về chất lượng cổ phần hóa, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã chỉ ra những "kẽ hở" trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước gây hệ lụy tiêu cực không chỉ về công bằng xã hội, mà còn làm thất thoát tài sản công.
Đó là, một số cổ đông vốn là lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trước cổ phần hóa đã lạm dụng quyền lực và trách nhiệm để mua gom cổ phần và trở thành nhóm nhỏ cổ đông lớn nhất, nắm quyền khống chế trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, biến doanh nghiệp nhà nước từ sở hữu nhà nước thành sở hữu tư nhân - "gia đình trị"; không tính giá trị quyền sử dụng đất và giá trị quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hoặc tính giá trị doanh nghiệp chưa sát với giá thị trường làm thất thu ngân sách nhà nước; khi cổ phần hóa không thực hiện đấu giá và niêm yết trên trên thị trường chứng khoán và không thực hiện nghĩa vụ tài chính với ngân sách nhà nước; doanh nghiệp sau cổ phần hóa sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng vẫn còn khá phổ biến nhưng một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thực hiện thu hồi đất của những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về đất đai…
Cần đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn DNNN
Đề cập về cổ phần hóa DNNN, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam Đoàn Xuân Tiên thừa nhận, DNNN đang là công cụ quan trọng để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách, cũng như thực hiện các chính sách xã hội.
Tuy nhiên, việc cơ cấu lại DNNN và thoái vốn nhà nước triển khai còn chậm. Quá trình cổ phần hóa còn có nhiều vấn đề tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Một số khó khăn, vướng mắc về thể chế chậm được giải quyết, nhất là các vấn đề liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản vô hình... Còn nhiều bất cập, tồn tại, tình trạng quản lý sử dụng đất lỏng lẻo, sơ hở, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa đã làm sai lệch mục tiêu tăng trưởng, năng lực phát triển của doanh nghiệp sau cổ phần hóa…
Trong khi đó, trách nhiệm của người quản lý của không ít DNNN còn chồng chéo, chưa rõ ràng. Cơ chế quản lý, giám sát và việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan và người đại diện chủ sở hữu nhà nước chưa thật rõ ràng và phù hợp. Khung pháp lý cho các DN trong quá trình cổ phần hóa và hậu cổ phần hóa chưa được hoàn thiện, thiếu minh bạch về thông tin, số liệu, đặc biệt là việc xác định chính xác giá trị DN, việc thực hiện mục tiêu phát triển sau cổ phần hóa.
Nhấn mạnh tiến độ CPH chậm so với kế hoạch đặt ra, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban, Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN cho biết, việc triển khai kế hoạch gặp nhiều khó khăn.
Các DN thực hiện cổ phần hóa quy mô lớn như VNPT, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Mobifone, Agribank... hiện vẫn chưa hoàn thành phê duyệt phương án sử dụng đất để có thể tiến hành xác định giá trị DN.
Tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN chậm so với kế hoạch đề ra. Theo danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg, giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 DN. Đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 92 DN, đạt 26,4% kế hoạch.
Bên cạnh đó, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN chậm so với kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 348 DN. Đến nay, đã thoái vốn nhà nước tại 92 DN, đạt 26,4% kế hoạch.
Định hướng về cơ cấu lại CPH, thoái vốn DNNN, ông Long cho rằng: "Cần đổi mới cách thức thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn DNNN, nhất là các biện pháp liên quan đến xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản cố định, thương hiệu và giá trị truyền thống của DN cổ phần hoá. Tiền thu được từ cổ phần hoá tập trung và các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm".
Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Vũ Đình Ánh khuyến nghị, vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong việc chống nguy cơ thất thoát đất công trong và sau quá trình cổ phần hoá DNNN là rất quan trọng.
Theo đó, trong các quy định mới về cổ phần hoá cần phải đề cập đến phương án sử dụng đất. Đồng thời, cần tập trung xem xét các quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai, quản lý đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao, đánh giá mức độ sử dụng so với nhu cầu và quỹ đất được giao cho DN để xem xét tính hiệu quả, đồng thời có biện pháp thu hồi lại phần đất đã giao cho DN nhưng không được sử dụng trước khi cổ phần hoá, bổ sung các chế tài đối với việc DN làm thất thoát diện tích đất của Nhà nước giao trong quá trình sử dụng.