TTC EDU nhà ông Đặng Văn Thành kinh doanh ra sao khi về tay nước ngoài?

09/09/2019 17:37 GMT+7
Cùng với sự thay đổi tại TTC EDU khi nhóm cổ đông liên quan tới ông Đặng Văn Thành giảm tỷ lệ cổ phần sở hữu, còn bà Đặng Huỳnh Ức My chỉ giữ vị trí thành viên HĐQT, doanh nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt 25% và 31% so với niên độ trước đó.

ttc edu nha ong dang van thanh kinh doanh ra sao khi ve tay nuoc ngoai? hinh anh 1

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT TTC Group.

Cuộc chuyển giao tại doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành

Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công (TTC EDU) tiền thân là công ty MTV Giáo dục Toàn Thịnh Phát, thành lập vào cuối năm 2008. Vào tháng 1/2016, doanh nghiệp được đổi tên thành Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công.

Trải qua gần 11 năm phát triển, 24 đơn vị thành viên; bao gồm 8 trường mầm non, 6 trường Tiểu học - Trung học cơ sở - Trung học phổ thông và 2 trường đại học - cao đẳng là Trường Cao đẳng Công nghệ và Quản trị Sonadezi Đồng Nai và Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Tại ngày 30/6/2019, TTC EDU có 1.783 nhân viên, tăng 111 thành viên so với cùng kì năm 2018.

ttc edu nha ong dang van thanh kinh doanh ra sao khi ve tay nuoc ngoai? hinh anh 2

Bà Huỳnh Bích Ngọc hiện là đại diện pháp luật của Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công.

Gần đây, cơ cấu cổ đông của TTC EDU đã chứng kiến sự thay đổi. Thời điểm ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) xác nhận đã bán đi khoảng 85% cổ phần Công CP Giáo dục Thành Thành Công (TTCE) cũng đồng nghĩa với nhóm cổ đông liên quan tới TTC Group bao gồm bà Đặng Huỳnh Ức My - con gái ông Đặng Văn Thành, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công không còn sở hữu tỷ lệ cổ phần lần lượt là 87,57% và 10,72% tại TTC EDU như thời điểm 30/6/2018.

Thay vào đó, một cổ đông nước ngoài là Lam Champion Investment Limited đã thay thế nhóm TTC Group sở hữu 95% cổ phần của TTC EDU. Còn bà Đặng Huỳnh Ức My đã giảm sở hữu xuống còn 3,28%. Sự thay đổi này được lý giải chi tiết hơn là do bà My và Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công chuyển giao một phần vốn góp cho Lam Champion Investment Limited.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công hiện do bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Đặng Văn Thành, giữ vai trò người đại diện pháp luật. Trước đó, ông Thái Văn Chuyện, một cổ đông của TTC EDU, cũng từng là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp

Cùng với sự thay đổi về cơ cấu cổ đông, nhân sự cao cấp tại TTC EDU cũng ghi nhận sự thay đổi, vị trí Chủ tịch HĐQT TTC EDU đã được chuyển giao cho bà Tabongkod Peunchob, bà Dương Thục Linh trở thành Tổng Giám đốc của TTC EDU. Còn bà Đặng Huỳnh Ức My chỉ còn giữ vai trò thành viên HĐQT.

ttc edu nha ong dang van thanh kinh doanh ra sao khi ve tay nuoc ngoai? hinh anh 3

Bà Đặng Huỳnh Ức My dự kiến sẽ tăng sở hữu cổ phần tại TTC EDU lên 23% sau khi chuyển đổi trái phiếu thành công.

Song có một chi tiết đáng lưu tâm, đó là Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công (TTC EDU) thực hiện phát hành thành công 300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái ông Đặng Văn Thành – Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đã mua toàn bộ lô trái phiếu trên.

Theo đó, lô trái phiếu này không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, có kỳ hạn 3 năm, được phát hành vào ngày 9/5/2019, với mức lãi suất là 0%/năm.

Dù không được hưởng lợi tức, nhưng nhà đầu tư sẽ có quyền chuyển đổi sang cổ phần với mức giá chuyển đổi 32.000 đồng/cổ phần. TTC EDU dự kiến sẽ phát hành 9.375.000 cổ phần phổ thông để thực hiện chuyển đổi.

Sau khi lô trái phiếu nêu trên trở thành cổ phần phổ trông, dự kiến số lượng cổ phần thuộc sở hữu của bà Đặng Huỳnh Ức My sẽ tăng lên 10,53 triệu, trở lại là cổ đông lớn của TTC EDU tỷ lệ cổ phần sở hữu khoảng 23%.

TTC EDU thay đổi ra sao sau khi bán cổ phần cho nước ngoài?

Theo BCTC niên độ 2018-2019 của TTC EDU, hoạt động kinh doanh của hệ thống giáo dục này đã ghi nhận dấu hiệu khởi sắc sau khi nhóm cổ đông liên quan tới ông Đặng Văn Thành thoái vốn.

Doanh thu thuần của TTC EDU đạt hơn 576,3 tỷ đồng, tăng trưởng 25,6% so với cùng kỳ niên độ 2017-2018. Khoản giá vốn hàng bán của doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng tương đương mức tăng trưởng doanh thu.

Vậy nên, lợi nhuận gộp của TTC EDU đạt 237 tỷ đồng, tăng 25% so với niên độ trước. Biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng đạt mức tương đương 41,15%.

Về các khoản chi phí, ngoại trừ khoản chi phí bán hàng có mức tăng cao hơn mức tăng lợi nhuận gộp, từ 7,7 tỷ đồng lên 13,7 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 77,9%. Còn lại chi phí tài chính tăng 20% lên mức 43 tỷ đồng, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng 16% lên 135 tỷ đồng.

Vậy nên, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của TTC EDU trong niên độ 2018-2019 đạt 49 tỷ đồng, tăng trưởng 28% so với niên độ 2017-2018. Trừ đi khoản lỗ khác, lãi trước thuế TTC EDU còn 44,8 tỷ, tăng trưởng gần 25%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 35 tỷ đồng, tăng trưởng 31%.

Về cơ cấu tài sản và nguồn vốn, Tổng nguồn vốn của TTC Edu ghi nhận ở mức  1.169 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 37,86% so với niên độ trước đó.

Trong đó, nợ phải trả tăng gần 300 tỷ đồng, chủ yếu do phát sinh số tiền 297,6 tỷ đồng từ việc phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho bà Đặng Huỳnh Ức My, với những thông tin chi tiết đã được trình bày trong phần trước của bài viết.  

ttc edu nha ong dang van thanh kinh doanh ra sao khi ve tay nuoc ngoai? hinh anh 4

Giá trị các lô trái phiếu mà TTC Edu đã phát hành tính tới ngày 30/6/2019.

Đáng lưu ý, TTC EDU còn một khoản số dư trái phiếu ghi nhận tại ngày 30/6/2019 có giá trị đạt 230,1 tỷ đồng. Đa số trái phiếu được nắm giữ bởi Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS), Quỹ Đầu tư Trái phiếu Techcom (TCBF) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank).

Trong đó, lô trái phiếu trị giá 150 tỷ đồng được phát hành vào năm 2017, kỳ hạn 5 năm, có mức lãi suất 10%/năm cho 2 kỳ đầu tiên, từ kỳ thứ 3 trở đi được tính bằng lãi suất tiết kiệm cộng với biên độ 3,5%/năm.

Lô trái phiếu này được bảo lãnh thanh toán bởi Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công và cũng được đảm bảo bằng tài sản của chính công ty này. Bên cạnh đó, lô trái phiếu cũng được bảo đảm bằng tài sản của Công ty CP Global Mind Việt Nam, bà Đặng Huỳnh Ức My, trường TH-THCS-THPT Tân Phú.

Một lô trái phiếu khác trị giá 80,1 tỷ đồng được trả lãi định kỳ 6 tháng với lãi suất 10%/năm cho 2 kỳ đầu tiên và từ kỳ thứ 3 trở đi bằng trung bình cộng của lãi lãi suất tiết kiệm cá nhân trong 12 tháng của các ngân hàng quy định trong hợp đồng, cộng với biên độ lãi suất 3,5%/năm.

Trái phiếu có thời hạn 5 năm được bảo lãnh thanh toán bởi Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công và đảm bảo bằng tài sản của các nhân ông Huỳnh Đăng Khoa.

Như vậy, có thể thấy cơ cấu cổ đông, cổ phần sở hữu tại TTC EDU sắp tới sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi khi các lô trái phiếu chuyển đổi 300 tỷ đồng phát hành cho bà Đặng Huỳnh Ức My và lô trái phiếu 230,1 tỷ đồng nêu trên đáo hạn, được thanh toán đầy đủ và ghi nhận vào nguồn vốn của doanh nghiệp thay vì nằm trong cơ cấu khoản mục nợ dài hạn của doanh nghiệp như hiện tại.

 

 
 
 
 
(Dân Việt)
Tags:
Cùng chuyên mục