Từ hôm nay (1/9), làm sổ đỏ không cần bản sao CMND/CCCD/sổ hộ khẩu

01/09/2021 08:29 GMT+7
Bắt đầu tư 1/9/2021, nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực như người tham gia bảo hiểm xã hội được hưởng nhiều quyền lợi; Quy định mới về hỗ trợ khi thu hồi đất; Quy định mới về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; Chuyển tiền liên ngân hàng được giảm 50% phí dịch vụ…

1/ Làm Sổ đỏ không phải nộp bản sao sổ hộ khẩu, CMND

 Đây là quy định mới về hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ tại Thông tư 09/2021/TT-BTNMT (có hiệu lực từ ngày 01/9/2021). 

Cụ thể, đối với trường hợp nộp hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận mà có yêu cầu thành phần là bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy chứng minh quân đội hoặc thẻ Căn cước công dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc giấy tờ khác chứng minh nhân thân thì:

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ sử dụng dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mà không yêu cầu người nộp hồ sơ phải nộp các giấy tờ này để chứng minh nhân thân trong trường hợp dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của các ngành, các lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai).

Với quy định mới này, khi dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ và kết nối với dữ liệu của lĩnh vực đất đai thì người dân khi làm thủ tục cấp sổ đỏ sẽ không cần mang theo bản sao các loại giấy tờ: CMND, CCCD, sổ hộ khẩu,... như hiện nay.

Từ hôm nay (1/9), làm sổ đỏ không cần bản sao CMND/CCCD/sổ hộ khẩu - Ảnh 1.

Từ 1/9, làm sổ đỏ không cần bản sao CMND/CCCD/sổ hộ khẩu

Trước đó, tại Nghị định 30/2021/NĐ-CP cũng có quy định:

Trường hợp công dân đã được cấp số định danh cá nhân và CSDL quốc gia về dân cư, CSDL về đăng ký đầu tư, đăng ký doanh nghiệp được kết nối, vận hành thì:

Được sử dụng số định danh cá nhân thay cho các giấy tờ liên quan đến nhân thân (bản sao Giấy CMND, thẻ CCCD, Hộ chiếu và các giấy tờ chứng thực cá nhân khác) khi thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực nhà ở, kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản.

Như vậy, sắp tới, người dân khi thực hiện các thủ tục về nhà, đât sẽ không cần mang theo bản sao CMND hoặc CCCD,… từ đó giảm bớt giấy tờ, chi phí photo, sao y,…

2/ Cải tạo chung cư được bồi thường đến 2 lần diện tích căn hộ cũ

Quy định về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư được Chính phủ ban hành tại Nghị định 69/2021/NĐ-CP.

Theo đó, nếu chủ sở hữu căn hộ chung cư có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì trong phương án bồi thường, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ quyết định hệ số K bồi thường từ 01 - 02 lần diện tích sử dụng của căn hộ cũ.

Bên cạnh đó, các chủ sở hữu tầng một mà dành một phần diện tích nhà để kinh doanh trước ngày 01/9/2021 và dự án có bố trí diện tích để kinh doanh thì được mua hoặc thuê một phần diện tích kinh doanh nếu có nhu cầu.

Mặt khác, nếu chủ sở hữu căn hộ chung cư không có nhu cầu tái định cư thì được bồi thường bằng tiền, theo giá trị căn hộ sau khi quy đổi theo hệ số K nêu trên.

3/ Lao động nam được nghỉ thai sản nhiều lần khi vợ sinh

Một trong những nội dung mới được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề cập tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH là thay đổi về chế độ thai sản của lao động.

Cụ thể, lao động nam có thể nghỉ hưởng chế độ thai sản khi vợ sinh con một cách linh hoạt bằng việc nghỉ nhiều lần với thời gian nghỉ thai sản nhưng phải đảm bảo:

- Thời gian bắt đầu nghỉ việc của lần cuối cùng phải trong 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

- Tổng thời gian nghỉ không được vượt quá số ngày hưởng chế độ theo quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư này cũng bổ sung thêm trường người mẹ cùng tham gia bảo hiể xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng sẽ được hưởng trợ cấp 01 lần khi vợ sinh con.

Quy định trước đây chỉ nêu vợ không tham gia bảo hiểm xã hội thì chồng mới được nhận khoản tiền này.

4/ Giảm 50% phí chuyển tiền liên ngân hàng

Nhằm tiếp tục chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-NHNN.

Theo đó, sẽ giảm 50% mức phí thanh toán tại 02 dịch vụ trong Biểu phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 01/9/2021 đến hết 30/6/2022.

Cụ thể:

- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị chỉ còn tối thiểu là 1000 đồng/món và tối đa 25.000 đồng/món (đối với giao dịch trước 15h30) và tối thiểu là 2.000 đồng/món và tối đa là 50.000 đồng/món (đối với giao dịch sau 15h30 đến khi hệ thống dừng nhận giao dịch).

- Phí giao dịch thanh toán qua Tiểu hệ thống thanh toán giá trị thấp chỉ còn 1.000 đồng/món.

5/ Giảm thời gian người lao động làm việc trong hầm lò

Thông tư 04 năm 2021 của Bộ Công Thương quy định về thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của người làm công việc trong hầm lò.

Điều 5 Thông tư 04 nêu rõ:

1. Ca làm việc của người lao động trong hầm lò không quá 9,5 giờ trong 01 ngày.

2. Thời giờ làm việc của người lao động tại vị trí sản xuất trong hầm lò không quá 07 giờ trong 01 ngày và không quá 42 giờ trong 01 tuần.

Trong khi đó, trước đây, giờ làm việc của người lao động trong hầm lò được áp dụng theo quy định chung tại Bộ luật Lao động. Theo đó, thời gian làm việc bình thường của người lao động lên đến 08 giờ trong 01 ngày và 48 giờ trong 01 tuần.

6/ Thêm nguyên tắc sắp xếp lại, xử lý tài sản công

Quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công được Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 67/2021/NĐ-CP.

Theo đó, ngoài 04 nguyên tắc hiện đang được nêu tại Điều 3 Nghị định 167/2017/NĐ-CP thì khoản 3 Điều 1 Nghị định 67 đã bổ sung thêm nguyên tắc sắp xếp lại, xử lý tài sản công là:

- Việc quản lý, sử dụng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, bồi thường, hỗ trợ (nếu có) thực hiện theo quy định tại Nghị định 167 và pháp luật có liên quan;

- Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng nhà, đất được hỗ trợ bằng tiền (ngoài các số tiền nêu trên) thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có trách nhiệm nộp vào ngân sách Nhà nước.

Những chính sách này có hiệu lực từ ngày 01/9/2021.


PV
Cùng chuyên mục