Tuần này, Ngân hàng Châu Âu ECB quyết sách thế nào trong viễn cảnh kinh tế suy thoái?

09/09/2019 16:40 GMT+7
Bên cạnh những động thái từ FED, cuộc họp của Ngân hàng Trung Ương Châu u ECB trong tuần này là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư khi thị trường đang mong chờ những biện pháp kích thích nền kinh tế suy yếu.

Quyền Thống đốc Ngân hàng Châu Âu Mario Draghi

Chiến tranh thương mại Mỹ Trung cùng khủng hoảng Brexit đang đẩy kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Châu Âu đến bờ vực suy thoái. Tăng trưởng GDP của Đức trong quý II bất ngờ âm là một dấu hiệu đáng để thúc đẩy ECB đến một sự cắt giảm lãi suất. Thống đốc Mario Draghi liệu có hành động một lần cuối để cứu vớt nền kinh tế trước khi ông từ chức vào 31.10 tới đây? Cùng điểm qua 5 câu hỏi được thị trường quan tâm nhất lúc này.

ECB sẽ cắt giảm lãi suất bao nhiêu?

ECB rõ ràng đang nghiêng về một đợt cắt giảm lãi suất và duy trì lãi suất thấp trong dài hạn, cùng với đó là các cơ chế bảo vệ ngân hàng trước ảnh hưởng của cắt giảm lãi suất, theo nguồn tin được đăng tải trên tờ Reuters tuần trước.

Các nhà đầu tư hiện kỳ vọng ECB cắt giảm từ 0,1%-0,5% lãi suất, lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2016 đến nay. Công cụ ECBWATCH hiện định giá tỷ lệ lớn các nhà đầu tư kỳ vọng cắt giảm hơn 0,2% lãi suất, khoảng 25% các nhà phân tích Reuters cũng định giá tương tự.

ECB cũng có thể sẽ gợi ý một đợt cắt giảm lãi suất khác trong những tháng tiếp theo. Thị trường hiện định giá khả năng giảm 0,35% lãi suất vào cuối năm 2020.

ECB có tái khởi động nới lỏng định lượng QE (Quantitative Easing)?

Nới lỏng định lượng (gọi tắt là QE) là một trong những công cụ kích thích kinh tế ưa thích của các Ngân hàng Trung Ương trong bối cảnh suy thoái hoặc rủi ro suy thoái. QE thường được sử dụng khi các đợt cắt giảm lãi suất đưa lãi suất gần tiến tới mức 0% hoặc cắt giảm lãi suất không tạo ra hiệu quả như kỳ vọng. Khi đó, Ngân hàng Trung Ương có thể xem xét mua vào các tài sản dài hạn như trái phiếu chính phủ từ Ngân hàng Thương mại, qua đó bơm tiền vào nền kinh tế, kích thích cho vay và chi tiêu.

Theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi Reuters, có đến 90% nhà kinh tế dự kiến ECB sẽ tái khởi động nới lỏng định lượng, bắt đầu bằng việc chi 30 tỷ EUR mỗi tháng để mua lại trái phiếu chính phủ từ tháng 10 tới. Các nhà phân tích lưu ý rằng việc tái khởi động QE có thể đi kèm với các điều chỉnh quy tắc mua trái phiếu ECB, chẳng hạn như tăng tỷ lệ trái phiếu nắm giữ từ 33% lên một mức cao hơn.

Tuy vậy, ECB sẽ phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ từ Bắc Âu nếu muốn tái khởi động QE. Hàng loạt quan chức như Thống đốc Ngân hàng Pháp Francois Villeroy de Galhau, Thành viên cấp cao hội đồng quản trị ECB Klaas Knot và Thành viên ban điều hành ECB Sabine Lautenschlaeger đều nhận định nền kinh tế Châu Âu chưa cần đến biện pháp nới lỏng định lượng lúc này.

Hành động của ECB mang đến hiệu quả ra sao?

Trụ sở Ngân hàng Châu Âu ECB tại Frankfurt, Đức

Mặc cho những nỗ lực của ECB kể từ năm 2015 như cắt giảm lãi suất xuống mức thấp kỷ lục hay bơm thêm 2,6 nghìn tỷ EUR tiền mặt vào nền kinh tế, lạm phát vẫn nằm dưới mức mục tiêu 2%. Tăng trưởng kinh tế cũng mờ nhạt và chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Trong một cuộc thăm dò ý kiến do Reuters tổ chức, khoảng 80% các nhà kinh tế được hỏi tỏ ra hoài nghi về hiệu quả các kích thích của ECB cũng như khả năng tác động của ECB đến lạm phát kinh tế.

Thậm chí, các nhà phân tích Nomura thừa nhận ngay cả khi ECB đồng thời tuyên bố cắt giảm lãi suất, tái khởi động nới lỏng định lượng và các biện pháp dự phòng khác, họ vẫn giữ sự nghi ngờ nhất định về hiệu quả của nó đến nền kinh tế.

Tuy nhiên, một sự kích thích mạnh mẽ có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả thông qua một con đường khác. Nhà kinh tế Frederik Ducrozet từ công ty đánh giá thị trường Pictet cho rằng một chương trình QE không giới hạn hoặc dài hạn có thể thúc đẩy sự nới lỏng tài khóa bằng cách giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ ở mức thấp trong dài hạn, thúc đẩy chi tiêu chính phủ.

ECB có duy trì mục tiêu lạm phát?

Hồi tháng 7, thống đốc ECB Draghi từng gợi ý về việc “tái diễn giải mục tiêu lạm phát” - vốn là trọng tâm của khung chính sách mà ECB đề ra. Trong suốt 16 năm nay, các nhà hoạch định chính sách luôn duy trì tỷ lệ lạm phát mục tiêu “gần nhưng dưới mức 2%”. Còn bài phát biểu của ông Draghi hồi tháng 6 và tháng 7 lại liên tục nhấn mạnh quan niệm lạm phát có thể tăng và duy trì ở mức hơn 2%. Đó là một tín hiệu rõ rệt cho thấy xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ chưa từng có mà ECB đang theo đuổi, bất chấp tỷ lệ lạm phát cao hơn.

Không chắc ông Draghi sẽ làm rõ mục tiêu lạm phát của ECB hay để lại vấn đề cho người kế nhiệm - bà Christine Lagarde.

ECB có hỗ trợ các ngân hàng khi lãi suất giảm?

ECB hiện đang được kỳ vọng sẽ ban hành các biện pháp hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong bối cảnh mức lãi suất thấp kỷ lục và khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất. Một trong số các biện pháp mà ECB đang xem xét là lãi suất tiền gửi theo bậc.

Lãi suất tiệm cận mức âm có thể gây ra ảnh hưởng lớn với hệ thống ngân hàng. Nhưng việc xây dựng hệ thống phân bậc lãi suất cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là khi không có gì đảm bảo rằng lãi suất theo bậc sẽ giảm bớt áp lực cho người cho vay.

Một bước thứ hai có thể được ECB thực hiện kết hợp cùng lãi suất theo bậc là thúc đẩy một vòng tài chính dài hạn giá rẻ khác để kích thích cho vay.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục