Vì sao lợi nhuận của ngân hàng khó lập kỷ lục như năm 2018?

09/09/2019 08:12 GMT+7
Theo CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thu nhập ngoài lãi đang ngày một hạn chế, tăng trưởng lãi thuần chậm lại trong bối cảnh các ngân hàng vẫn phải trích lập chi phí dự phòng cao là những yếu tố để dự báo tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2019 sẽ sụt giảm so với mức kỷ lục của năm 2018.

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng 2019 sẽ thấp hơn so với năm 2018.

Theo phân tích của VDSC thu nhập lãi của các ngân hàng sẽ chậm lại trong bối cảnh dư địa tăng tỉ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) trở nên hạn chế.

Nguyên nhân dẫn tới vấn đề này là do 4 yếu tố gồm: Áp lực huy động vốn trung dài hạn; Tỷ trọng cho vay bán lẻ đã ở mức cao, cạnh tranh trong mảng cho vay bán lẻ gia tăng; Hệ số LDR đã được đẩy mạnh gần ngưỡng; Ngành tài chính tiêu dùng gặp khó khăn.

Đồng thời, VDSC cho rằng NIM ở các ngân hàng nhiều khả năng sẽ phân hóa do tình hình cho vay, huy động và áp lực thanh khoản ở mỗi ngân hàng có sự khác biệt. Cụ thể NIM của nhóm ngân hàng gồm Vietcombank, MBBank, VIB, TPBank, ACB sẽ tiếp tục tăng trong bối cảnh các nhà băng này đang tích cực mở rộng mạnh mẽ sang mảng bán lẻ. Cụ thể, MBBank, Vietcombank (những ngân hàng có hệ số CASA cao) có xu hướng ít bị ảnh hưởng hơn khi cạnh tranh về huy động tăng lên.

Trong khi đó, NIM của HDBank, VPBank dự kiến đi ngang hoặc giảm nhẹ do ảnh hưởng của mảng tài chính tiêu dùng.

Tại BIDV, NIM của nhà băng này dự kiện giảm do việc mở rộng sang mảng bán lẻ chậm hơn và áp lực về huy động. Riêng VietinBank được dự báo NIM tăng do ngân hàng không hạch toán thêm chi phí tín dụng vào mục thu nhập lãi thuần.

Một yếu tố quan trọng khác khiến lợi nhuận các ngân hàng tăng trưởng chậm lại là nguồn thu nhập ngoài lãi không thường xuyên (kí kết hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, thoái vốn…) không còn dồi dào. Trong bối cảnh chi phí dự phòng của các ngân hàng tiếp tục ở mức cao, đặc biệt ở các đơn vị còn dư nợ VAMC như BIDV, VietinBank, VPBank, HDBank cũng tác động không ít đến lợi nhuận ngành này.

Ngoài ra, VDSC đánh giá, tăng trưởng lợi nhuận sẽ phân hóa. Cụ thể, các ngân hàng chịu áp lực vốn và rủi ro về chính sách ngành dự báo sẽ có tăng trưởng thấp hơn. Trong khi đó, tăng trưởng sẽ vẫn tích cực ở các ngân hàng tập trung vào các hoạt động cốt lõi và có chất lượng tài sản tốt.

Cũng trong báo cáo cập nhật này, VDSC đưa ra 3 rủi ro khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận nhóm ngân hàng trong năm 2019.

Rủi ro đầu tiên là chủ trương kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, cũng như quy định chặt chẽ về vốn (giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, áp dụng Basel 2) gây ảnh hưởng đến biên lãi ròng và tăng trưởng thu nhập lãi mạnh hơn dự kiến;

Thứ hai là tỷ trọng dư nợ bán lẻ liên tục tăng, trong đó hướng vào cho vay mua nhà vẫn đang chiếm ưu thế, dẫn đến rủi ro khi ngành bất động sản rơi vào chu kỳ đi xuống.

Cuối cùng là các khó khăn của ngành tài chính tiêu dùng khi lĩnh vực này đang cho thấy sự bão hòa trong nhu cầu khiến tăng trưởng cho vay có mục đích khó khăn. Cùng với đó, là sự cạnh tranh gia tăng do nhiều đối thủ mới gia nhập, và các hành động siết chặt qui định quản lí của cơ quan chức năng.

Lê Thúy
Tags:
Cùng chuyên mục