Xuất khẩu tiêu 8 tháng 2019 tăng mạnh nhờ thị trường Châu Âu

10/09/2019 16:46 GMT+7
Trong 8 tháng năm 2019, sản lượng hồ tiêu Việt Nam tăng mạnh giữa đà giảm của xuất khẩu nông sản toàn thế giới. Ngoài Hoa Kỳ, nước ta đã tích cực tìm kiếm và mở rộng nhiều thị trường mới nhờ tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do EVFTA.

Giá trị giảm theo đà của thế giới

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 8 năm 2019 ước đạt 20 nghìn tấn, với giá trị đạt 50 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 8 tháng đầu năm 2019 ước đạt 220 nghìn tấn, tương đương 561 triệu USD, tăng 27,4% về khối lượng nhưng giảm 3,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Bởi giá thành tiêu xuất khẩu giảm sấp sỉ 24,5% so với cùng kì 2018.

Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2019 là Hoa Kỳ, Ấn Độ, Đức, Pakistan và Hà Lan với 36,8% thị phần.

Tận dụng EVFTA để mở rộng sản lượng xuất khẩu tại Đức và EU

Trong bối cảnh xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn và sức ép cạnh tranh lớn thì việc Việt Nam ký kết thành công EVFTA sẽ là cơ hội tốt cho ngành hồ tiêu Việt Nam để thúc đẩy xuất khẩu tiêu, đặc biệt là tiêu đã qua chế biến sang thị trường Đức cũng như các thị trường khác trong khối EU.

Xuất khẩu tiêu sang thị trường Đức tăng mạnh về cả khối lượng và giá trị. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tiêu sang Đức đạt 8 nghìn tấn, tương đương 23,4 triệu USD, tăng 53,3% về lượng và tăng 14,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.

Đức tăng nhập khẩu tiêu để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu đang ngày càng phát triển tại nước này. Mặc dù mức tiêu dùng tiêu của Đức đã bắt đầu giảm từ năm 2013 nhưng nhập khẩu tiêu của Đức vẫn tăng khoảng 4%/năm trong giai đoạn 2014 - 2018.

Một lợi thế nữa của Việt Nam là hiện nay, thị trường EU đang áp dụng mức thuế suất 4% đối với mặt hàng tiêu xay nhập khẩu. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế suất này ngay lập tức sẽ được xóa bỏ đối với các sản phẩm tiêu nhập khẩu từ Việt Nam. Việc này không những tăng tính cạnh tranh mà còn phần tạo điều kiện và thu hút các doanh nghiệp chế biến tiêu nước ngoài đầu tư vào Việt Nam để phát triển ngành công nghiệp chế biến. Thêm vào đó, khi EVFTA có hiệu lực, các doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn chung của toàn khối để xuất khẩu sang các thị trường thuộc khối EU, thay vì đáp ứng tiêu chuẩn riêng của từng nước như trước đây.

Dự báo, giá tiêu thời gian tới sẽ không có biến động mạnh do nguồn cung hạt tiêu trên toàn thế giới vẫn đang được bổ sung, trong khi nhu cầu không có sự tăng trưởng đáng kể.

Để có thể tận dụng tốt các cơ hội từ EVFTA nhằm mở rộng xuất khẩu các sản phẩm tiêu sang thị trường EU, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động trong công tác nghiên cứu nhu cầu thị trường và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường trong khối EU. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần xây dựng và phát triển các vùng sản xuất, tuân thủ các biện pháp thực hành nông nghiệp tốt và theo tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời tăng cường kiểm soát, giảm thiểu tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất tiêu, để tạo ra các sản phẩm tiêu đáp ứng được yêu cầu của thị trường EU cũng như các thị trường khó tính khác.

Mai Trang
Tags:
Cùng chuyên mục