10 doanh nghiệp thành lập mới có 7 doanh nghiệp chết, FDI rút tăng trưởng dựa vào đâu?

Hoàng Nhật Thứ năm, ngày 20/12/2018 07:00 AM (GMT+7)
Chuyên gia cảnh báo, nguồn lực của đất nước chủ yếu vẫn tập trung ở khối DNNN, FDI, doanh nghiệp tư nhân “đại gia” và ba khối trên đều xuất hiện bóng dáng thân hữu. 98% doanh nghiệp còn lại không có khả năng tiếp cận các nguồn lực, cứ 10 DN thành lập mới thì 7 DN chết. Nếu FDI rút, tăng trưởng của chúng ta dựa vào đâu?
Bình luận 0

img

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Tại buổi toạ đàm với chủ đề “Sức bật kinh tế 2019 nhìn từ tam nông” do báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tổ chức sáng 19.12, nhiều ý kiến tâm huyết, phản ánh sinh động “bức tranh” kinh tế Việt Nam năm 2018 và những dự báo cho năm 2019 đã được các chuyên gia kinh tế chia sẻ tới đông đảo bạn đọc.

Bóng dáng thân hữu ở doanh nghiệp tư nhân

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, mối quan tâm xuyên suốt của bà trong thời gian qua là sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam. Theo cách phân loại quốc tế, khu vực kinh tế tư nhân bao gồm khu vực FDI và khu vực kinh tế tư nhân trong nước.

“Khu vực tư nhân trong nước có một số đại gia nổi lên. Trong lịch sử, chưa năm nào chứng kiến nhiều sự kiện lớn như năm 2018. Chúng ta đã chứng kiến Tập đoàn Vingroup đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô với mục tiêu sản xuất ô tô Made in Vietnam, gây kinh ngạc cho rất nhiều người bao gồm cả trong nước và nước ngoài.

Đối với sự xuất hiện của VinFast, một mặt có đánh giá tích cực, theo hướng tư nhân đã sẵn sàng đầu tư vào một lĩnh vực cạnh tranh cực kỳ cao trên thế giới, với đối thủ cạnh tranh là những nhà sản xuất ô tô hàng đầu. Một mặt khác cũng có niềm vui, phấn khởi khi doanh nghệp Việt Nam sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực rủi ro cao”, bà Phạm Chi Lan nói.

Dẫn chứng sự kiện huyện đảo Vân Đồn (Quảng Ninh) có sân bay tiêu chuẩn quốc tế do tư nhân xây dựng, cùng những bàn bạc về thay đổi một loạt quy định về BOT nhằm khai thác thêm sự đóng góp của khu vực tư nhân trong lĩnh vực hạ tầng...

Bà Phạm Chi Lan đi tới kết luận: “Năm 2018 đặt ra nhiều điểm mới trong sự phát triển khu vực tư nhân lớn trong nước. Tuy nhiên, nếu nhìn vào khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, vẫn thấy con số tới 98% tư nhân ở Việt Nam là DNNVV, số doanh nghiệp này có nhiều vấn đề”.

Điểm lại một vài con số đáng chú ý ở khu vực kinh tế tư nhân, số doanh nghiệp mới đạt 120.000, nhưng số doanh nghiệp đóng cửa ngừng hoạt động cũng đạt kỷ lục mới. Ước tính, 10 doanh nghiệp ra đời thì 7 doanh nghiệp ngừng hoạt động, đây là những khía cạnh rất đáng xem xét.

Bà Phạm Chi Lan cho biết: “Doanh nghiệp vẫn chịu rất nhiều sức ép, đặc biệt là DNNVV. Rõ ràng đang tồn tại sự phát triển khá lệch lạc trong khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Đầu tư nước ngoài không gắn với các doanh nghiệp trong nước, nguồn lực của đất nước chủ yếu vẫn tập trung ở khối DNNN, FDI, doanh nghiệp tư nhân “đại gia”. Cả ba khối trên đều xuất hiện bóng dáng thân hữu. 98% doanh nghiệp còn lại không có khả năng tiếp cận các nguồn lực, khó có điều kiện phát triển".

Môi trường kinh doanh có cải thiện, nhưng rất nhiều nghiên cứu của VCCI cho thấy, sự cải thiện đó chưa thực chất mang lại lợi ích trực tiếp doanh nghiệp, chủ yếu mang lại thành tích cho một số Bộ, ngành. Quá vất vả, tốn kém thời gian, công sức cho những cải thiện nhỏ về môi trường kinh doanh, cắt bỏ điều kiện kinh doanh.

Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ, trong đó, Chính phủ cam kết 10 nguyên tắc quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp như xóa bỏ cơ chế xin-cho, không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm. Song những nguyên tắc cơ bản chúng ta gần như chưa đạt được, trong khi lại tập trung cho mục tiêu ngắn hạn từng năm như cắt bỏ điều kiện kinh doanh.

"Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từ năm 2019, Việt Nam bắt đầu thực hiện Hiệp định CPTPP,  dù lộ trình của Hiệp định cho phép Việt Nam trì hoãn vài năm. Nhưng nếu Việt Nam không cải thiện môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp Việt vẫn chết như thường”, bà Phạm Chi Lan bình luận.

Khối FDI rút đi, tăng trưởng dựa vào đâu?

Còn theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Bộ Thương Mại (nay là Bộ Công Thương), nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc lớn vào FDI. Khối FDI vẫn đóng góp tới 75% giá trị xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam.

“Chất lượng FDI rất thấp, chúng ta chủ yếu thực hiện gia công, không có sản phẩm nào thể hiện sự đầu tư - chuyển giao công nghệ ở Việt Nam. Trừ Hàn Quốc có một chút chuyển giao công nghệ, còn các nước sở hữu nền tảng công nghệ cao như Nhật Bản không có chuyển giao công nghệ. Do đó, tính bền vững của nền kinh tế Việt Nam rất thấp, nếu có biến cố xảy ra, khối FDI rút đi, vậy chúng ta tăng trưởng dựa vào đâu?”, ông Trương Đình Tuyển đặt câu hỏi.

img

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng bộ Thương mại

Ngoài ra, ông Trương Đình Tuyển cho biết, năm 2019, Việt Nam có một thỏa thuận đi ngược so với đàm phán.

“Quá trình đàm phàn chúng ta đưa thuế nhập khẩu xăng dầu bằng 0% rất nhanh trong khi chúng ta đàm phàn với nhà máy Nghi Sơn, chúng ta giữ mức thuế không thấp hơn 7% trong vòng 10 năm. Như vậy, chúng ta phải bỏ một số tiền lớn cho nhà máy Nghi Sơn. Với 10 triệu tấn xăng dầu, chúng ta giữ mức thuế không thấp hơn 7% trong khi thuế đàm phán xuống 0%, đây là áp lực lớn và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm”, ông Trương Đình Tuyển nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem