10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam

20/10/2019 06:00 GMT+7
Đây là những nữ doanh nhân quyền lực đang chèo lái doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam, tạo ra việc làm và doanh thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Bằng nhiều cách khác nhau, họ đang góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế Việt Nam cũng như cái nhìn về phụ nữ thời hiện đại.

Nhân dịp 20/10, Etime giới thiệu một số nữ doanh nhân thành đạt nhất trên thương trường Việt.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 1.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sinh năm 1970 tại Hà Nội, từng học tập tại Nga. Bà lấy bằng tiến sĩ kinh tế năm 27 tuổi. Tuy đầu tư vào nhiều lĩnh vực như ngân hàng, bất động sản, thế nhưng nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo được biết đến nhiều với tư cách CEO Vietjet Air.

Năm 2018 cũng là một năm thành công của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khi cả Vietjet và HDBank đều ghi nhận kết quả kinh doanh rất ấn tượng. HDBank có mức tăng lợi nhuận trước thuế lên đến 66%, đạt 4.005 tỷ đồng. Trong khi đó với Vietjet đạt tổng doanh thu đạt 52.400 tỷ đồng trong năm qua, tăng 24% so với năm trước và đạt 103% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 đạt 5.830 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước.

Mới đây, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lọt vào top 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á năm 2019 (Asia's Power Businesswomen). Theo giới thiệu của Forbes, "trong khi phụ nữ từ lâu đã tham gia vào ngành hàng không với tư cách là phi công, thậm chí là CEO của các hãng hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành kinh doanh thường dẫn dắt bởi nam giới này. Bà Thảo là người phụ nữ duy nhất thành lập và điều hành một hãng hàng không riêng".

Cũng theo Forbes, bà Thảo là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và nữ tỷ phú tự thân giàu nhất Đông Nam Á với tài sản 2,5 tỷ USD.

Bà Trần Thị Lệ, Tổng giám đốc Nutifood

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 2.

Bà Trần Thị Lệ xuất thân là bác sĩ tại trung tâm dinh dưỡng, nhưng chuyển hướng sang kinh doanh. Cùng với chồng là ông Trần Thanh Hải, bà Lệ đã đưa NutiFood thành nhà sản xuất các sản phẩm dinh dưỡng hàng đầu Việt Nam. Ông Hải hiện là chủ tịch công ty, còn bà Lệ đảm nhiệm vị trí tổng giám đốc.

Năm 2018, doanh thu của công ty đạt 9.500 tỷ đồng (408 triệu USD), lợi nhuận trước thuế là 828 tỷ đồng. NutiFood hiện vận hành 4 nhà máy tại Việt Nam. Đầu năm 2019, doanh nghiệp này cùng Tập đoàn Asahi của Nhật Bản công bố thành lập một liên doanh hợp tác giữa 2 bên để đưa các sản phẩm dinh dưỡng trẻ em chuẩn Nhật Bản vào thị trường Việt Nam.

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ)

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 3.

Bà Cao Thị Ngọc Dung được mệnh danh là người phụ nữ quyền lực bậc nhất ngành kim hoàn Việt Nam. Ngoài chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), bà Cao Thị Ngọc Dung còn đảm nhiệm nhiều cương vị lãnh đạo, quản lý ở nhiều doanh nghiệp khác mà PNJ là cổ đông lớn.

Trước đây, bà còn đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Á, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Năng lượng Đại Việt… và nhiều vị trí lãnh đạo khác.

Theo Công ty Định giá thương hiệu Brand Finance (Vương quốc Anh), PNJ thuộc Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2017. PNJ là doanh nghiệp kim hoàn duy nhất có mặt trong bảng xếp hạng và xếp thứ 23 trong top 50 với định giá thương hiệu đạt 98 triệu USD.

Hiện, thị phần PNJ đang bỏ xa các thương hiệu cùng ngành với hệ thống phân phối gần 300 cửa hàng ở khắp 48 tỉnh, thành trong cả nước. Trang sức PNJ cũng được xuất khẩu sang 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch & CEO Vinamilk

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 4.

Nữ tướng Mai Kiều Liên

"Nữ tướng" Mai Kiều Liên được coi như "linh hồn" của Vinamilk, góp phần rất lớn vào sự phát triển của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). Hiện tại, bà Liên đang là thành viên HĐQT Vinamilk kiêm Tổng giám đốc Vinamilk.

Tổng giám đốc Vinamilk sau khi tốt nghiệp cấp III, bà sang Liên Xô học khoa chế biến sữa và thịt tại Matxcơva.

Trở về nước, bà Liên được bổ nhiệm làm Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk) năm 31 tuổi. Bà cũng là người tiên phong trong việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), sớm đưa Vinamilk trở thành DNNN đầu tiên cổ phần hóa với chiến lược phát triển đầy trí tuệ, kết hợp hài hòa giữa đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại song song với đào tạo nguồn nhân lực cùng mô hình điều hành, quản lý theo tiêu chuẩn cao nhất của thế giới.

Năm 2018, Vinamilk đạt lợi nhuận trước thuế 12.039 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 10.198 tỷ đồng.

Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, Tổng giám đốc BacABank

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 5.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH

Dưới sự điều hành của mình, năm 2018, BacABank gây ấn tượng với lợi nhuận trước thuế 842 tỷ đồng, tăng 13,4% so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tiếp tục ở mức thấp, chỉ 0,76%. Tổng tài sản 97.000 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ở mức gần 64.000 tỷ đồng.

Năm vừa qua cũng là năm bà Thái Hương tiếp tục đón tin vui về kết quả kinh doanh. Theo số liệu đo lường bán lẻ toàn thị trường thành thị do Nielsen cung cấp thì trong 11 tháng đầu năm 2018, sữa TH True Milk tăng trưởng gần 22% về sản lượng (trong khi cả ngành hàng sữa nước hầu như không tăng), tăng trưởng 30% về doanh thu. Tới nay thị phần của TH True Milk trong phân khúc sữa tươi tại các kênh bán lẻ thành thị đạt gần 40%.

Bà Thái Hương là đại diện duy nhất của Việt Nam được mời tham gia Diễn đàn tri thức thế giới lần thứ 20 diễn ra vào cuối tháng 9/2019 vừa qua. Tại diễn đàn này, bà Hương được trao đã được tôn vinh với giải thưởng Nữ doanh nhân quyền lực - đây là giải thưởng phi thương mại uy tín bậc nhất châu Á thuộc hệ thống giải thưởng Doanh nhân ASEAN.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 6.

Bà Nguyễn Thị Nga đã tạo dựng được một cơ nghiệp đồ sộ khi sở hữu tập đoàn đa ngành BRG, nắm giữ nhiều tại sản lớn như SeABank, 2 khách sạn do Hilton quản lý tại Hà Nội, 3 sân golf đi kèm với những khu nghỉ dưỡng, đồng thời là cổ đông chủ chốt tại Intimex Hà Nội, doanh nghiệp Nhà nước có khối bất động sản giá trị cao.

Ngoài vị trí quan trọng tại SeABank, bà Nguyễn Thị Nga còn là Chủ tịch của Intimex Việt Nam, Chủ tịch tập đoàn BRG, Chủ tịch HĐQT Hapro, Chủ tịch Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát và Phó chủ tịch Công ty Cổ phần Du lịch dịch vụ Hà Nội.

Bà Nga được tạp chí Forbes bình chọn là một trong 50 người phụ nữ quyền lực nhất Châu Á. 

Bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPP

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 7.

Bà Lê Hồng Thuỷ Tiên có tên trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 do Forbes công bố. Hiện, bà Thủy Tiên đang điều hành 18/32 công ty con của Tập đoàn Liên Thái Bình Dương với trên 96 thương hiệu nổi tiếng trên thế giới.

Năm 2013, bà Thủy Tiên được tờ Guardian nhận định là một trong những người phụ nữ giàu nhất Việt Nam và là một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực các mặt hàng xa xỉ của thế giới, cùng các khu siêu thị và thương mại lớn. Doanh nghiệp này đang phân phối nhiều thương hiệu hạng sang như: Burberry, Ferragamo, Versace Rolex… và nhiều thương hiệu chuỗi nhà hàng ăn nhanh như: Burger King, Dunkin Donuts… với doanh thu đang hướng tới ngưỡng 1 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cơ điện lạnh (REE)

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 8.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc REE

Gia nhập Công ty Cơ điện lạnh (REE) từ năm 1982 với vị trí là một kỹ sư, sau đó bà trở thành lãnh đạo công ty này từ năm 1985.

REE dưới sự dẫn dắt của bà Thanh đã phát triển từ một xí nghiệp cơ khí cũ kỹ, sản xuất thiết bị điện lạnh cho các nhà máy nước đá, thành một thương hiệu trị giá hàng trăm triệu USD.

Năm 2014, bà Mai Thanh đã từng được Tạp chí Forbes vinh danh và đứng thứ 28 trong danh sách 48 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á (ASIA Power Businesswomen).

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 9.

Năm 1992, bà Trương Mỹ Lan thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn Vạn Thịnh Phát, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và kinh doanh nhà hàng – khách sạn. Sau đó, Vạn Thịnh Phát mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Năm 2007, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tên viết tắt là VTP Group Holdings, với vốn điều lệ 6.000 tỷ đồng.

Vạn Thịnh Phát để đạt được những thành tựu như ngày hôm nay một phần nhờ vào sự lãnh đạo, dẫn dắt của "nữ tướng" Trương Mỹ Lan. Tuy nhiên, giá trị tài sản của bà Lan hiện vẫn còn là một "ẩn số".

Bà Lê Thị Thu Thuỷ, Chủ tịch VinFast thuộc Tập đoàn Vingroup

10 nữ doanh nhân "quyền lực" nhất Việt Nam - Ảnh 10.

Sau sự kiện Paris Motor Show 2018 tại Paris, bà Lê Thị Thu Thuỷ gây chú ý bởi là người phụ nữ đại diện cho một quốc có ngành công nghiệp ô tô non trẻ đến tham dự triển lãm về ô tô nổi tiếng nhất thế giới.

Cũng tại Paris Motor show 2018, khi được hỏi về những thách thức khi tham gia lĩnh vực ô tô vốn được coi là "địa hạt" của nam giới, bà Thuỷ đã nói: "Thử thách và khó khăn trong công việc thực sự cuốn hút tôi".

Trước khi đến với Vingroup, bà Thủy từng làm việc trong Lehman Brothers và dần tiến lên vị trí Phó chủ tịch công ty tại Nhật Bản, Thái Lan và Singapore. Năm 2008, bà được Chủ tịch Vingroup chiêu mộ về làm Trưởng ban đầu tư Công ty Cổ phần Vincom, sau đó lên làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị, rồi CEO năm 2012.

Năm 2013, bà Lê Thị Thu Thủy là nữ doanh nhân duy nhất của Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) bình chọn là một trong 199 "Lãnh đạo trẻ toàn cầu 2013" - Young Global Leaders (YGL) Class of 2013 về những đóng góp của mình trong điều hành.

Với danh hiệu này, bà Lê Thị Thu Thủy đã được công nhận là thành viên chính thức của Diễn đàn Lãnh đạo trẻ toàn cầu thuộc WEF.

An Vũ
Cùng chuyên mục