10 sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật 2012

Chủ nhật, ngày 30/12/2012 09:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Dưới đây là bình chọn của Báo NTNN - báo điện tử Dân Việt về 10 sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội nổi bật trong năm 2012.
Bình luận 0

1. Tinh thần Hội nghị T.Ư 4 lan tỏa mạnh

Hội nghị Trung ương 4 của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tuy được khai mạc vào cuối năm 2011 (26 - 31.12.2011) nhưng lại có sức lan tỏa rất mạnh tới toàn Đảng, toàn dân trong cả năm 2012 và chắc chắn là cả những năm sau với việc thông qua nghị quyết “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” (vẫn thường gọi là Nghị quyết T.Ư 4).

Với nghị quyết quan trọng này, năm 2012, lần đầu tiên một cuộc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đã được tổ chức trên quy mô rộng khắp chưa từng thấy trong nội bộ Đảng.

2. Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm nghiêm túc

Nối tiếp thành công của Hội nghị T.Ư 4, Hội nghị T.Ư 5 và đặc biệt là Hội nghị T.Ư 6 Ban Chấp hành Trung ương (từ 1 – 15.10.2012) đã diễn ra trong bầu không khí cởi mở, nói thẳng nói thật, nhìn thẳng vào những khuyết điểm, yếu kém của Đảng và đảng viên.

Nhiều vấn đề trọng đại của đất nước như sửa đổi Hiến pháp 1992, sửa đổi Luật Đất đai, phòng chống tham nhũng đã được bàn sâu, kỹ tại hội nghị và ra nghị quyết triển khai. Đáng chú ý nhất, về kết quả kiểm điểm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thông báo của Hội nghị Trung ương 6 cho biết: “…Bộ Chính trị đã thống nhất 100% đề nghị Ban Chấp hành Trung ương cho được nhận một hình thức kỷ luật và xem xét kỷ luật đối với một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị…

Về việc đề nghị xem xét kỷ luật, BCH T.Ư đã thảo luận rất kỹ, cân nhắc toàn diện các mặt ở thời điểm hiện nay và đi đến quyết định không thi hành kỷ luật đối với tập thể Bộ Chính trị và một đồng chí trong Bộ Chính trị; và yêu cầu Bộ Chính trị có biện pháp tích cực khắc phục, sửa chữa khuyết điểm”…

3. Lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu (0,3 tỷ USD)

Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam chuyển từ vị thế nhập siêu lớn trong 20 năm trước sang vị thế xuất siêu (0,3 tỷ USD).

Vị thế này đạt được nhờ xuất khẩu có nhiều vượt trội, đạt kỷ lục mới về tổng kim ngạch, về kim ngạch bình quân đầu người, về tỷ lệ xuất khẩu/GDP; tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao gấp 3,6 lần của GDP và cao gấp 2,6 lần của nhập khẩu.

Xuất khẩu trở thành động lực của tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế.

4. Lạm phát xuống thấp nhất trong 3 năm

Năm 2012 là năm có mức lạm phát thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại. Hạ nhiệt lạm phát xuống còn 8% là một điểm mốc hết sức quan trọng trong việc điều hành của Chính phủ. Nhờ đó, kinh tế vĩ mô bắt đầu đi vào xu thế phát triển bền vững, ổn định, môi trường đầu tư tiếp tục duy trì sức hấp dẫn, an ninh chính trị - xã hội được giữ vững. Tốc độ tăng trưởng (GDP) cả năm ước đạt khoảng 5,03%, tuy thấp hơn kế hoạch đề ra là 6 – 6,5% nhưng đây là mức tăng hợp lý trong điều kiện phải tập trung kiềm chế lạm phát.

5. Nông nghiệp - chỗ dựa cho nền kinh tế

Nông nghiệp trở thành chỗ dựa vững chắc trong bối cảnh nền kinh tế đối diện với nhiều thử thách khó khăn. Trong khi sản xuất công nghiệp và xây dựng đứng trước thử thách, chậm phát triển, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn tăng 2,8%, lâm nghiệp tăng khoảng 6,4% và thủy sản tăng khoảng 4,5%.

Đặc biệt, năm 2012 giành được những thành tựu chưa từng có như sản lượng lúa cả năm ước đạt hơn 43,6 triệu tấn (kế hoạch đề ra là 42 triệu tấn), tăng khoảng 4% so với năm 2011, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu được 7,7 triệu tấn gạo.

6. Dự trữ ngoại hối tăng cao

Dự trữ ngoại hối sau mấy năm bị sụt giảm, năm nay đã tăng khá, cao gấp đôi cuối năm trước, đạt ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế. Dự trữ ngoại hối tăng nhờ xuất siêu, lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đạt khá (FDI thực hiện đạt 10,5 tỷ USD, ODA giải ngân đạt kỷ lục từ trước tới nay, lượng kiều hối vượt kỷ lục năm 2011, chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam tăng 1 tỷ USD so với kỷ lục năm trước…). Ngân hàng Nhà nước mua được một lượng ngoại tệ lớn, vừa khai thác được nguồn ngoại tệ tồn đọng trong dân cư, doanh nghiệp, vừa góp phần tăng dự trữ ngoại hối vừa ngăn chặn tình trạng đô la hoá cao.

7. Ngân hàng “lao dốc”

Ngoài số ít “điểm sáng” như lãi suất giảm mạnh, thanh khoản được đảm bảo..., bức tranh của ngành ngân hàng VN năm 2012 bao phủ một màu xám: Đó là tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong 20 năm, nợ xấu tăng vọt, lộn xộn trong thị trường vàng do Nhà nước độc quyền vàng miếng, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) làm ăn thua lỗ, 9 ngân hàng yếu kém buộc phải tái cơ cấu, nhiều TCTD lỡ hẹn với kế hoạch tăng vốn hoặc lên sàn, nhân viên nhiều ngân hàng mất việc, cắt giảm lương, thưởng, thậm chí không có thưởng tết, nhiều lãnh đạo ngân hàng vào vòng lao lý… Bên cạnh đó, thị trường bất động sản “đóng băng” càng làm cho các ngân hàng lâm vào tình trạng khó khăn.

8. Bóng đá Việt “đại khủng hoảng”

Tưởng chừng như không liên quan, nhưng kỳ thực, sự “lao dốc” không phanh của ngành ngân hàng trong nước đã trực tiếp ảnh hưởng tới nền bóng đá VN mà trực tiếp là giải V - League, vốn được đánh giá nằm trong top 3 của Đông Nam Á. Hàng loạt ông bầu bóng đá kiêm chủ nhà băng – trong cơn khủng hoảng tài chính - đã phải chia tay bóng đá khiến cho giải V-League rơi vào khủng hoảng nặng nề. 8 đội bóng bị giải thể, hàng trăm cầu thủ (trong đó có vô số siêu sao) đứng trước nguy cơ thất nghiệp, V-League phải lùi ngày khởi tranh… Cộng thêm thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Suzuki Cup 2012, có thể khẳng định, bóng đá VN đang trong cuộc “đại khủng hoảng”.

9. Tăng viện phí

Từ 15.4.2012, đợt điều chỉnh viện phí đầu tiên được áp dụng cho 447 dịch vụ y tế. Theo Bộ Y tế, số dịch vụ y tế tăng chỉ chiếm 12% tổng số gần 4.000 dịch vụ y tế hiện nay. 70% các dịch vụ tăng khoảng 5 lần nhưng cũng có dịch vụ tăng 20 lần. Tuy nhiên, đây mới là đợt điều chỉnh tăng của 3/7 yếu tố cấu thành viện phí và sẽ còn tăng nữa. Điều người dân lo ngại là tăng viện phí nhưng không đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ.

10. Công trình Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm

img
Nhà máy Thủy điện Sơn La.

Ngày 23.12, Nhà máy Thủy điện Sơn La – nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á - đã chính thức được khánh thành, sớm trước thời hạn dự kiến 3 năm, 6 tổ máy của nhà máy hoạt động với tổng công suất 2.400MW. Về đích sớm 3 năm, Nhà máy Thủy điện Sơn Là cung cấp sớm cho nền kinh tế 12,5 tỷ kWh điện năng, làm lợi cho Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem