1. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức

img
img
img

Hình ảnh lễ nhậm chức của ông Biden ngày 20/1. Ảnh Reuters/AP.

Ông Biden đã trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sau một cuộc bầu cử Tổng thống đầy kịch tính và vô tiền khoáng hậu. Sau khi đánh bại cựu Tổng thống Donald Trump, ông Biden chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ ngày 20/1 và đối mặt với nhiều thách thức.

Ngay khi lên cầm quyền, như nhiều dự đoán, ông Biden đã thay đổi một loạt các chính sách gây tranh cãi của người tiền nhiệm như từ bỏ nguyên tắc "nước Mỹ trước tiên", đưa Mỹ trở lại các tổ chức đa phương và thỏa thuận quốc tế... đồng thời bắt tay vào thực hiện các cam kết như chấm dứt đại dịch Covid-19, đoàn kết xã hội và lấy lại vị thế lãnh đạo toàn cầu của Washington.

2. Đại dịch Covid-19 bước sang năm thứ 3 và chưa có các dấu hiệu chấm dứt

img
img
img

Đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành trên khắp thế giới. Ảnh Reuters/AP

Các biến thể mới của SARS-CoV-2 như Delta, Omicron... vẫn đang hoành hành khắp các châu lục. Cho dù nhiều loại vaccine đã được phát triển và hàng tỷ liều vaccine đã được tiêm cho người dân trên toàn thế giới, nhưng năm 2021, thế giới vẫn ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 và người chết vì căn bệnh này hơn so với năm 2020. Cả thế giới năm 2021 đã ghi nhận hơn 276 triệu người mắc Covid-19 và hơn 5,3 triệu người tử vong vì căn bệnh này.

3. Taliban tiếp quản Afghanistan

img
img

Các chiến binh Taliban.

Chính quyền Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn sụp đổ sau khi Mỹ rút quân, kết thúc 20 năm can thiệp quân sự vào nước này hồi giữa tháng 8. Nhân cơ hội này, Taliban đã lên tiếp quản đất nước ngay khi Mỹ còn chưa hoàn tất việc rút quân. Các chiến binh Taliban đã gặp rất ít sự kháng cự khi tiến vào thủ đô Kabul do Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn ra nước ngoài. Trong khi đó, hàng nghìn người ở Afghanistan tuyệt vọng chạy trốn khỏi đất nước vì sợ Taliban.

4. Chính biến quân sự ở Myanmar

img
img

Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar đầu năm 2021 đã khiến nước này rơi vào bất ổn suốt năm qua.

Phe quân đội lên nắm quyền ở Myanmar sau một cuộc đảo chính chớp nhoáng hôm 1/2, lật đổ chính phủ dân cử, phế truất Tổng thống Win Myint và bắt giam Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi. Cuộc đảo chính đã làm dấy lên làn sóng biểu tình lớn khiến hơn 1.100 người thiệt mạng khi quân đội dùng vũ lực trấn áp người biểu tình. Ngày 6/12 mới đây, chính quyền quân sự Myanmar thông báo, tòa án đã tuyên phạt bà Aung San Suu Kyi 2 năm tù vì tội kích động chống quân đội và 2 năm vì tội vi phạm luật phòng ngừa Covid-19.

5. Bà Angela Merkel về hưu sau 16 năm cầm quyền

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 5.

Angela Merkel (phải) và Tân thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: DPA

Bà Merkel chính thức về hưu sau 16 năm cầm quyền (11/2006 - 12/2021) hôm 8/12. Lên thay bà Merkel là ông Olaf Scholz. Tân Thủ tướng Đức - vốn được xem là "bản sao" của người tiền nhiệm với khí chất trầm ổn - lên nắm quyền giữa lúc Đức đối mặt nhiều khủng hoảng bao gồm đại dịch Covid-19 phức tạp, sự suy giảm của nền kinh tế Đức, cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gay gắt..

6. Thượng định Mỹ-Trung trực tuyến

img
img

Hình ảnh cuộc họp thượng đỉnh Mỹ-Trung hôm 15/11 theo giờ Mỹ. Ảnh AP

Cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung trực tuyến đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tối 15/11/2021, theo múi giờ ở Mỹ, tức sáng sớm ngày 16/11, theo giờ Hà Nội đã giúp 2 nhà lãnh đạo và 2 nước hùng mạnh nhất thế giới xác lập được khuôn khổ mới để xử lý mối quan hệ phức tạp, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh chiến lược giữa 2 siêu cường này.

7. Các cuộc gặp Thượng đỉnh Nga-Mỹ

img
img

Cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Putin hôm 7/12. Ảnh Sputnik.

Năm 2021, Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Putin đã tổ chức 2 cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. Trong đó, cuộc gặp trực tiếp giữa 2 lãnh đạo Nga-Mỹ diễn ra vào ngày 16/6 tại Geneva, còn cuộc gặp qua video diễn ra vào ngày 7/12 mới đây giữa bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây về Ukraine leo thang đã giúp Mỹ và Nga hiểu rõ hơn lợi ích của mỗi bên, cũng như các khác biệt giữa họ với nhau và cùng nhau tìm cách quản lý mối quan hệ song phương Mỹ - Nga trên tinh thần đó.

8. Trung Quốc công bố nghị quyết lịch sử

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2021 - Ảnh 7.

Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi tháng 11. Ảnh Reuters.

Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức khai mạc tại Bắc Kinh hôm 8/11 đã thông qua nghị quyết “Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh hàng trăm năm của đảng”

Nghị quyết lịch sử đưa được ra vào ngày 11/11 - ngày họp cuối cùng Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây được coi là một văn kiện nhằm củng cố hơn nữa quyền lực của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong lịch sử, Trung Quốc chỉ có hai cố chủ tịch là ông Mao Trạch Đông và ông Đặng Tiểu Bình từng đưa ra nghị quyết tương tự. Cả hai vị cố chủ tịch này đều tiếp tục lãnh đạo đảng cho đến khi qua đời.

9. Căng thẳng Nga-Ukraine-NATO leo thang

img
img
img

Các lực lượng Nga gần biên giới Ukraine trong ảnh vệ tinh do Maxar công bố.

Việc Nga tập trung một lượng lớn binh sĩ cùng xe tăng, tên lửa gần biên giới với Ukraine trong vài tháng qua đã dấy lên lo sợ về một cuộc xung đột lớn nổ ra ở châu Âu.

Ukraine, Mỹ cùng các đồng minh NATO đã cáo buộc Nga đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Ukraine mặc dù Điện Kremlin nhiều lần lên tiếng bác bỏ. Nguy cơ xung đột giữa Nga-Ukraine và phương Tây được đánh giá là đang ở mức cao nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Hôm 17/12, Nga đã đưa ra dự thảo Hiệp ước 8 điểm yêu cầu phương Tây chấp thuận để giảm căng thẳng và xoa dịu cuộc khủng hoảng Ukraine nhưng Mỹ và các đồng minh NATO chưa phản hồi.

10. Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP26

img
img

197 quốc gia đã thông qua “Hiệp ước khí hậu Glasgow” tại hội nghị COP26 ở Anh hồi tháng 11.

Hội nghị Liên Hợp Quốc về chống biến đổi khí hậu COP26 diễn ra tại Glasgow (Anh) hồi tháng 11. Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact). Bản Hiệp ước này sẽ hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa thuận Paris 2015, mang lại hy vọng cho cộng đồng quốc tế về việc ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem