100.000 người Nhật Bản "bốc hơi" đi đâu mỗi năm?

Nguyên - Metro Chủ nhật, ngày 22/01/2017 19:25 PM (GMT+7)
Ở Nhật Bản, có khoảng 100.000 người "bốc hơi" không để lại dấu vết mỗi năm.
Bình luận 0

img
Quá trình "biến mất" hoàn toàn bí mật kể cả với người thân 

Trước kia, Kazufumi là một tay môi giới chứng khoán thành công, nhưng khoản đầu tư rủi ro cao đã khiến ông mất 400 triệu yen (khoảng 3,5 triệu USD). Bị cấp trên đổ toàn bộ trách nhiệm, còn khách hàng thì săn lùng, nên vào một buổi sáng năm 1970, Kuni biến mất. Ban đầu, ông tá túc tạm ở nhà một người bạn học và "bốc hơi" hoàn toàn nhờ vào dịch vụ dành cho những người không còn lối thoát.

Khu rừng tự tử nổi tiếng, các vụ tự sát ở tàu điện ngầm đều là đặc trưng cho nền văn hóa mất mát của Nhật Bản. Sau Thế chiến II, dân tộc này bị ám ảnh bởi sự xấu hổ vì thua cuộc, nên dần dần họ chọn những hành vi cực đoan như tự tử, hoặc chạy trốn thay vì tìm cách giải quyết vấn đề.

img
Bên trong khu nhà dành cho những người "bốc hơi"

"Tôi không hề nghĩ đến việc làm lại cuộc đời. Tôi chỉ muốn chạy trốn, vậy thôi. Đương nhiên đó là cách chẳng vẻ vang gì. Không tiền, không địa vị xã hội, nhưng miễn là còn sống", Kuni tâm sự. Thay vì là một doanh nhân có tiếng tăm, giờ ông chỉ là một công nhân làm thuê, rửa bát theo thời vụ với số tiền đủ sống, với tung tích được giữ kín. Cha ông đã cố gắng tìm con trai hàng năm trời nhưng đều thất bại.

Một vài năm sau khi "bốc hơi", vào lúc 38 tuổi, Kuni thuê được một căn hộ bằng tên giả và lập công ty chuyên thu gom rác thải, nhưng đó chỉ là cái vỏ. Thực tế, việc chính của những nhân viên là thực hiện lại điều người chủ từng trải qua: đáp ứng những ai có nhu cầu biến mất. Kuni không tiết lộ quy trình nghề nghiệp, nhưng có cho biết rằng các nhân viên thường sắp xếp để hành động ban đêm, và họ sẽ thực hiện dịch vụ "trọn gói" bảo đảm cả đời, như dùng thông tin giả như địa chỉ ma để đánh lạc hướng nỗ lực tìm kiếm của người thân khách hàng.

img
Vách đá nổi tiếng vì số lượng người tự sát 

Kể từ giữa những năm 1990, ước tính có khoảng 100.000 người "bốc hơi" mỗi năm. Khác biệt với những nước tân tiến có số an sinh xã hội, Nhật khá lỏng lẻo trong quản lý dữ liệu dân cư. Việc truy cập vào sao kê tài khoản ngân hàng là phạm pháp, kể cả cảnh sát. Thế giới ngầm thì được yakuza chi phối nên biến mất ở Nhật khá dễ dàng. Những người này sống trong các khu ổ chuột Sanya tại Tokyo hay Kama ở Osaka.

Người biến mất tại các quốc gia khác không phải là hiếm, nhưng tại Nhật đó là hiện tượng xã hội đáng lưu ý. Quốc gia này chú trọng sự thống nhất, cầu toàn và sẽ loại bỏ bất cứ thứ gì khác biệt với số đông. Nếu ai không thể chịu đựng được áp lực xấu hổ khi thi trượt, mất việc và nợ nần sẽ chọn cách biến mất để tìm tự do, bên cạnh lựa chọn tự kết liễu đời mình.

img
Những người thuộc thế hệ "mất mát" sống trong khu ổ chuột và gặm nhấm sự cô đơn của họ 

Phong trào "bốc hơi" nhem nhóm từ sau Thế chiến II và thịnh hành sau các sự kiện khủng hoảng tài chính hồi 1998 và 2008 khiến nhiều người lao đao. Norihiro, 50 tuổi, chọn cách biến mất 10 năm trước sau khi mất công việc kỹ sư được trọng vọng. Ông giả vờ ra khỏi nhà đi làm như mọi khi, dành thời gian ngồi trong ô tô, không ăn uống. Tới kỳ trả lương, là lúc ông phải đem tiền về nhà, Norihiro tới thẳng Sanya mà không nói một lời. Từ đó tới giờ, ông sống trong căn phòng chật chội, chỉ hút thuốc và nghiện rượu nặng.

"Tôi không muốn gia đình nhìn thấy mình thế này. Thử nhìn xem, tôi thấy thật khốn khổ. Nếu ngày mai tôi chết, tôi không muốn ai nhận ra mình", ông nói.

Những người "bốc hơi" tìm được việc khá dễ dàng nhờ vào mafia yakuza khét tiếng. Họ được thuê làm các công việc tay chân, và sống ở các khu ổ chuột không có toilet riêng hay internet.

Trong số những người tại đây, đặc biệt có hai vợ chồng cùng trốn nợ. Người chồng nói: "Chạy trốn chưa phải là kết thúc. Nó đơn thuần là con đường tắt dẫn thẳng tới cái chết".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem