100kg heo hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng, Bộ NNPTNT kêu gọi doanh nghiệp đừng tăng giá thức ăn chăn nuôi

Minh Ngọc Thứ sáu, ngày 18/03/2022 18:49 PM (GMT+7)
Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho hay, cứ 100 kg heo hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng, chăn nuôi nông hộ đang ngày càng thu hẹp lại. Mặc dù giá heo hơi thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao.
Bình luận 0

Ngày 18/3, Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn và tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi. 

Hội nghị này được tổ chức trong thời điểm giá thức ăn chăn nuôi trong nước tăng cao chưa từng có trong lịch sử.

Tại Hội nghị này, đã có rất nhiều ý kiến, đề xuất, ý tưởng được các đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT, địa phương, doanh nghiệp đưa ra để "hóa giải" bài toán phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thức ăn công nghiệp từ nước ngoài.

Đề xuất giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, hỗ trợ người chăn nuôi

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus Việt Nam cho biết, bản thân các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi rất khó khăn vì giá nguyên liệu, logistics phi mã.

"Chúng tôi kiến nghị Bộ NNPTNT thông tin cho doanh nghiệp về kế hoạch xây dựng vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi trọng điểm, vùng nào trồng cây gì để doanh nghiệp chủ động liên kết với địa phương.

De Heus sẵn sàng phối hợp, xây dựng nhà máy sơ chế, kho trữ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi… để chủ động nguồn nguyên liệu trong nước, hạ nhiệt giá thức ăn chăn nuôi", ông Hiếu nói.

Trong mảng chăn nuôi heo, De Heus đang có vùng chăn nuôi, nhà máy giết mổ quy mô 2.500 con/ngày ở tỉnh Nam Định. Doanh nghiệp đang hướng đến xuất khẩu thịt heo tươi và sản phẩm chế biến nhưng vẫn chưa có nhiều thông tin về thị trường và tiêu chuẩn của nước nhập khẩu.

De Heus mong muốn Bộ NNPTNT sớm cung cấp thông tin để các doanh nghiệp chủ động kế hoạch sản xuất, xúc tiến xuất khẩu.

Ông Hiếu cho biết, De Heus đang lên kế hoạch để phát triển vùng trồng sắn nguyên liệu ở khu vực Tây Nguyên để làm thức ăn chăn nuôi trong vòng 2 - 3 năm tới. 

Hiện tại nguồn nguyên liệu trong nước mới chỉ chiếm 10 - 15% trong cơ cấu nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi của công ty.

100 kg heo hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng, đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân - Ảnh 1.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến gia đình anh Lê Đình Thuần (xã Đông Đô, huyện Hưng Hà, Thái Bình) phải giảm đàn. Ảnh: Minh Ngọc

Cũng theo một số doanh nghiệp, chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65 - 70% giá thành sản xuất trong chăn nuôi. Giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi chiếm tới 80 - 85% giá thành thức ăn chăn nuôi.

“Thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã hạ rồi. Nhưng với tình hình giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao thế này, đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ người chăn nuôi. Doanh nghiệp lúc này đang rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Giám đốc Công ty CP Phát triển chăn nuôi Hòa Phát nêu ý kiến.

Ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Đồng Nai cho biết, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi đang giảm mà nguyên nhân quan trọng vẫn là giá thức ăn tăng cao, giá thành tăng, giá bán giảm.

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cho hay, cứ 100 kg heo hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng, chăn nuôi nông hộ đang ngày càng thu hẹp lại. Mặc dù giá heo thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao.

100 kg heo hơi xuất chuồng, nông dân lỗ 300.000 – 500.000 đồng, đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân - Ảnh 2.

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), trường hợp giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong ảnh là dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi của De Heus.

“Với giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng cao từ năm 2021 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm đã tăng 18 - 22% (mặc dù giá lợn giống đã hạ xuống khá hợp lý: từ 2,6 triệu giảm xuống 1,2 triệu/con) nhưng việc tăng chi phí thức ăn chăn nuôi đã làm cho lợi nhuận người chăn nuôi lợn giảm mạnh, thậm chí có những hộ và trang trại chăn nuôi bị thua lỗ”, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi cho hay.

Cục Chăn nuôi dự báo giá nguyên liệu vẫn duy trì và tăng đến hết năm 2022 (Giá chào hàng nguyên liệu nhập khẩu về Việt Nam giao hàng sau tháng 8 vẫn ở mức tăng). Trong khi đó năng lực năng lực sản xuất nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước còn hạn chế, vẫn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

“Trường hợp giá nguyên liệu thức ăn công nghiệp tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện nay, đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Tất Thắng cho hay.

Tìm nguồn nguyên liệu, hạn chế phụ thuộc vào nhập khẩu

Để chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi trong nước, các địa phương, doanh nghiệp đề nghị ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất thức ăn chăn nuôi và cho nuôi ruồi lính đen.

Bà Khanh cho biết, nuôi ruồi lính đen để tạo nguồn protein sản xuất thức ăn chăn nuôi thay cho nguyên liệu nhập khẩu, thay cho đạm cá vì đây là nguyên liệu có giá thành cao hơn. Châu Âu và Mỹ rất ưa chuộng ruồi lính đen vì năng suất sinh học cao tới 10.000 tấn protein/ha.

"Việt Nam có điều kiện phù hợp với nuôi loại ruồi này. Các doanh nghiệp ở Việt Nam chưa cũng đang nghiên cứu đưa ruồi lính đen vào làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về việc cho nuôi loại ruồi này", bà Khanh nói.

“Chúng tôi được biết Cục Chăn nuôi cũng đã có phương án và đang xin ý kiến các địa phương. Các nước đang đẩy mạnh nuôi ruồi lính đen. Nếu ta chậm là ta mất cơ hội”, ông Sinh bày tỏ.

Bà Khanh cũng cho biết nhiều doanh nghiệp muốn nuôi ruồi lính đen để thay thế đạm cá. "Sở đề nghị lên Bộ NNPTNT, Bộ đã gửi sang Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay vẫn chưa có quy định. Chưa có quy định nên người dân và doanh nghiệp cứ làm tự phát còn địa phương quản lý rất khó", bà Khanh nói.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến truyền đạt lại lời Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan kêu gọi các doanh nghiệp không tăng giá thức ăn chăn nuôi trong thời điểm khó khăn này.

"Chúng ta mới chủ động được 35% có nghĩa rằng 65% nhập từ nước ngoài. Chính vì thế phải tái cơ cấu trong hệ thống cây trồng để làm sao có cánh đồng đủ lớn để áp dụng công nghệ cơ giới hóa và đưa giống ngô, đậu tương năng suất cao để phục vụ cho phát triển thức ăn chăn nuôi. Nếu không sẽ phụ thuộc quá lớn vào nguồn nguyên liệu sẽ rất khó để chủ động. Mục tiêu phải phấn đấu chủ động được khoảng 50%", ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem