126 tấn gạo thơm đầu tiên đã vào EU với thuế suất 0%

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 02/10/2020 11:38 AM (GMT+7)
Tháng tám, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020. Có 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0%.
Bình luận 0

Thông tin này được bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (thuộc VCCI) cho biết tại Hội thảo "Hiệp định EVFTA - Những điều doanh nghiệp cần biết" diễn ra hôm nay (2/10) tại TP.HCM. Hội thảo nhằm cung cấp cho doanh nghiệp nội dung cốt lõi, cơ bản về EVFTA và cập nhật tình hình thực thi sau 2 tháng hiệp định có hiệu lực.

Theo bà Trang, các kết quả bước đầu thực thi EVFTA tại Việt Nam rất đáng khích lệ khi chỉ mới áp dụng được 1-2 tháng. Giai đoạn đầu các bên có vướng mắc nhưng đã dần suôn sẻ hơn.

Giá gạo Việt Nam tăng 80-200 USD/tấn, đã có 126 tấn gạo thơm đầu tiên vào EU với thuế suất 0% - Ảnh 1.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, giá gạo của Việt Nam tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020 nhờ EVFTA. Ảnh: H.P.

Thực tế thực thi EVFTA trong 2 tháng vừa qua cho thấy các cơ hội EVFTA đã bắt đầu được hiện thực hóa, mang lại những lợi ích cho doanh nghiệp Việt. Chỉ trong tháng đầu tiên thực hiện EVFTA, đã có trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng Hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang EU.

Các sản phẩm đã xuất bao gồm giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, dệt may, túi xách, vali, rau quả, mây tre đan. Các sản phẩm này đã được xuất khẩu vào 28 nước EU. 

"Riêng với thị trường Anh, các doanh nghiệp Việt cần tận dụng ưu đãi sang nước này chỉ còn đến hết 31/12 năm nay, do Anh rời EU. Mau lên, nhanh lên, vội vàng lên, chúng ta còn vài tháng nữa", Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập của VCCI khuyến khích doanh nghiệp.

Dẫn số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Trang cho biết xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam khởi sắc nhờ EVFTA. Các đơn hàng thủy sản sang EU trong tháng 8/2020 tăng 10% về kim ngạch so với tháng 7/2020. 

Giá gạo của Việt Nam cũng được cải thiện sau khi EVFTA có hiệu lực, với mức tăng từ 80-200 USD/tấn so với cuối tháng 7/2020, có 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0% vào ngày 22/9/2020.

Về các văn bản pháp luật thực thi hiệp định, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, ban hành Nghị định thông thường mất 2 năm nhưng chỉ trong thời gian ngắn, đã có một số văn bản pháp được ban hành như Nghị định 103 về chứng nhận chủng loại gạo thơm xuất khẩu sang EU, Nghị định 111 về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định EVFTA…

Cơ hội cho hàng Việt vào EU

Giá gạo Việt Nam tăng 80-200 USD/tấn, đã có 126 tấn gạo thơm đầu tiên vào EU với thuế suất 0% - Ảnh 2.

Theo VCCI, dự báo tăng trưởng xuất khẩu gạo sang EU vào năm 2025 tăng 65%. Ảnh: I.T.

Cập nhật với hơn 500 doanh nghiệp tham gia tìm hiểu về EVFTA, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, với nhóm rau củ, cà phê, mật ong, EU xóa bỏ thuế ngay 100% dòng thuế đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam. Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ xóa bỏ ngay với 83%, số còn lại như ván dán, sợ… sẽ có lộ trình 3-7 năm. Mặt hàng thủy sản xóa bỏ ngay 50%, số còn lại lộ trình 3-7 năm. Cá ngừ đóng hộp và cá viên thì hạn ngạch bỏ thuế lần lượt là 11.500 tấn/năm và 500 tấn/năm.

Đối với ngành hàng dệt may, xóa bỏ thuế ngay 42,5%, số còn lại lộ trình 3-7 năm. Ngành hàng giày dép xóa bỏ thuế ngay 37%, số còn lại lộ trình 3-7 năm. 

Theo thống kê của VCCI, dự báo tăng trưởng xuất khẩu sang EU vào năm 2025 của một số mặt hàng của Việt Nam từ vài % lên đến gần 100%. Cụ thể, gạo tăng 65%, đường tăng 8%, thịt heo, gia súc, gia cầm tăng 4%, đồ uống, thuốc lá tăng 5%, dệt tăng 67%, may mặc 81%, da giày tăng trưởng lên đến 99%.

Đại diện VCCI cho biết thêm EVFTA là Hiệp định thương mại tự do (FTA) thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua. EU là đối tác nhập khẩu lớn với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam nhiều năm qua. 

Đáng chú ý, trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU, chỉ sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore. Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng đây là điểm thuận lợi cho hàng hoá Việt Nam, bởi hàng Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa các nước như Hàn, Nhật đi vào EU.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem