13 năm thực hiện Nghị quyết 26: Bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Hà Giang ngày càng sáng

Bình Minh Thứ hai, ngày 12/07/2021 14:02 PM (GMT+7)
Hôm nay (12/7) đoàn khảo sát của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) do Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Bình luận 0

Đồng chí Lương Quốc Đoàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN cùng đồng chí Đặng Quốc Khánh, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang chủ trì buổi làm việc.

Hà Giang: - Ảnh 1.

Buổi làm việc về đánh giá kết quả 13 năm thực hiện Nghị quyết 26, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn do Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn và Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh chủ trì . Ảnh: Minh Ngọc.

Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang Hoàng Gia Long cho biết, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết, sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển tương đối toàn diện. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2020 đạt trên 13.000 tỷ đồng.

Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững

Tỉnh đã tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, xây dựng theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu, có chứng nhận chỉ dẫn địa lý và gắn tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hà Giang: - Ảnh 2.

Đoàn khảo sát của T.Ư Hội NDVN đã đến thăm mô hình sơ chế, chế biến cây dược liệu của HTX cộng đồng Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ. Ảnh: Minh Ngọc.

Cũng theo ông Long, trong thời gian qua, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, định hướng lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. 

Nổi bật, chủ trương vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững; phát triển cây cam sành; phát triển nông nghiệp hàng hóa đặc trưng theo chuỗi giá trị, phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp gắn với du lịch cộng đồng.

Về công tác Hội phong trào nông dân, Tỉnh ủy Hà Giang đã chỉ đạo, lãnh đạo tổ chức Hội Nông dân, ngành nông nghiệp; chỉ đạo, lãnh đạo công tác phát triển mạnh các tổ chức kinh tế và tổ chức lại sản xuất cho nông dân để từ đó nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất liên kết, HTX, tổ hợp tác.

Đối với xây dựng nông thôn mới, Tỉnh ủy đã ban hành và thực hiện Đề án 1 triệu tấn xi măng, hỗ trợ người dân làm đường bê tông nông thôn, các công trình vệ sinh theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Nhờ chủ động, tích cực thực hiện Nghị quyết 26, giai đoạn 2008 - 2020, tỉnh Hà Giang đã giảm được hơn 90.000 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn 22,53%.

Ông Hoàng Gia Long cũng cho hay, từ khi thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng thì "bức tranh" nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Hà Giang đã có nhiều thay đổi, ngày càng sáng hơn, đạt được những kết quả quan trọng. 

Tuy nhiên, với đặc thù địa hình núi đá, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, sản xuất nông nghiệp của tỉnh còn nhỏ lẻ. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn ít, các chương trình để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp chưa tạo được bứt phá.

"Thu nhập của nông dân chưa cao, đặc biệt hộ nghèo và cận nghèo. Công tác xóa đói, giảm nghèo có sự chuyển biến, song chưa bền vững, đời sống của một bộ phận dân cư, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn" - ông Long nói.

Hà Giang: - Ảnh 2.

Đoàn khảo sát của T.Ư Hội NDVN đã đến thăm mô hình chăn nuôi lợn đen Lũng Pù, xã Lũng Pù, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Minh Ngọc.

Còn nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh cho biết, từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW, Hà Giang đã có những bước chuyển mình rõ nét ở khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Hà Giang".

"Bên cạnh những khó khăn về địa hình nhưng mặt khác lại được trời ban cho khí hậu gần như quanh năm mát mẻ, có môi trường sinh thái trong lành, bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Đây cũng chính là ưu thế để tỉnh Hà Giang phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa, phát triển nông thôn..." - Bí thư Tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh chia sẻ.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh, hiện nay, Hà Giang có những sản phẩm nông nghiệp đặc thù, giá trị kinh tế cao mà không một địa phương nào có được, đó là chè shan tuyết cổ thụ, cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, hoa tam giác mạch...

"Hoa tam giác mạch có thể phát triển du lịch, hạt để làm một số loại bánh có giá trị cao" - Bí thư Tỉnh Hà Giang Đặng Quốc Khánh nói và cho biết, mới đây Nhật Bản đã đề nghị đặt mua hạt giống hoa tam giác mạch của Hà Giang.

Bên cạnh đó, Hà Giang có thổ nhưỡng rất phù hợp để trồng bưởi da xanh, thanh long, cam sành...Ngoài ra, tỉnh có thế mạnh về phát triển chăn nuôi giống bò vàng ở các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc.

Ông Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, đây là những yếu tố giúp người người dân phát triển kinh tế, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Với quan điểm tận dụng tối đa ưu thế để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn..."Người Hà Giang sống trên đá, thoát nghèo trên đá".

Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng: Hà Giang "Sống trên đá, thoát nghèo trên đá" - Ảnh 4.

Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Ngọc.

Tại buổi làm việc với Tỉnh ủy Hà Giang, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đánh giá cao nổ lực của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, địa phương của tỉnh Hà Giang trong thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN cũng như chia sẻ những khó khăn, thách thức của tỉnh Hà Giang trong thực hiện Nghị quyết 26 - NQ/TW của BCH Trung ương Đảng cũng như trong phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong thời gian tới.

"Ttrong 2 ngày 11 và 12/7 đoàn khảo sát của T.Ư Hội NDVN đã trực đi đi thăm các mô hình sản xuất xuất nông nghiệp, nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất của nhân dân, của cấp ủy, chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh. Sau 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tỉnh Hà Giang đạt được là rất quan trọng, điển hình. Nhưng khó khăn, thách thức cũng đã phát sinh, cần có giải pháp, động lực để giải quyết, vượt qua. Từ kết quả khảo sát, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ tham mưu cho Trung ương Đảng đề ra Nghị quyết phù hợp với mỗi địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn" - Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nói.

Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn cho rằng, tỉnh Hà Giang cần tạo điều kiện thuận lợi về tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp ở quy mô lớn hơn, mang tính chất sản xuất nông nghiệp hàng hóa rõ nét hơn; bên cạnh hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ để nâng cao năng suất lao động, sản lượng nông sản thì Hà Giang cần chú trọng hơn đếu đều tư cho khâu chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn.

Chủ tịch Lương Quốc Đoàn lưu ý, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh Hà Giang, trong đó có Hội Nông dân các cấp trong tỉnh cần chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, các ngành, địa phương trong việc thực hiện Nghị quyết 26; tiếp tục có các giải pháp sáng tạo nhằm thực hiện hiệu quả nữa vào các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh Hà Giang. Qua đó, khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức chính trị xã hội, trong đó Hội Nông dân các cấp tỉnh Hà Giang trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn...






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem