dd/mm/yyyy

14 loại quả tươi rộng cửa xuất ngoại nhờ cấp gần 4.000 mã số vùng trồng

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông tin, đến nay Việt Nam đã có gần 4.000 mã số vùng trồng được cấp, tương đương với 300.000ha cây trồng cho 14 loại quả tươi và gần 1.894 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu đi các thị trường.

Việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản là yêu cầu bắt buộc của các thị trường và thông lệ quốc tế nhằm tuân thủ quy định của các nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. 

Những yêu cầu khắt khe từ thị trường nhập khẩu

Trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản Việt nam, các nước như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu chỉ có nông sản (chủ yếu là rau quả tươi) được sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu. Gần đây nhất là Trung Quốc cũng đưa ra yêu cầu này với các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch từ Việt Nam sang Trung Quốc.

Ông Ngô Văn Cường - chủ vườn vải rộng 5ha ở thôn Phúc Dư 2, xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, cho biết, trong năm 2021 tuy dịch Covid-19 diễn biến rất căng nhưng gia đình ông vẫn xuất khẩu được 85 tấn vải thiều đi Nhật Bản và 25 tấn đi Mỹ. Toàn bộ diện tích vải của gia đình ông được sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên công sức và chi phí bỏ ra lớn so với sản xuất vải thiều theo cách thức truyền thống.

gop/ 300.000ha cây trái được cấp mã số vùng trồng: Rộng cửa xuất ngoại 14 loại quả tươi - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Nhung - các bộ khuyến nông xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang thường xuyên đi kiểm tra từ sổ ghi chép của người dân tới việc phun thuốc BVTV, chăm sóc cho vườn vải thiều. Ảnh: K.L

"Năm 2022, chúng tôi xác định trọng tâm là xuất khẩu vải thiều mạnh vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, Mỹ... Chính vì mục tiêu như vậy, ngay từ đầu vụ Sở NNPTNT đã xây dựng kế hoạch sản xuất vải thiều, trong đó tập trung tổ chức rà soát lại tất cả các mã số vùng trồng, từ đó cấp bổ sung các mã số mới theo yêu cầu".

Ông Dương Thanh Tùng -

Giám đốc Sở NNPTNT Bắc Giang

Đổi lại, vải thiều làm ra được các công ty như: Công ty cổ phần Miền đất nông nghiệp Việt - Pháp, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu, Công ty, Công ty cổ phần Ameii Việt Nam… ký hợp đồng thu mua với giá 35.000 đồng/kg. "Sản xuất vải thiều để xuất khẩu vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, EU…, chúng tôi phải tuân thủ các kỹ thuật chăm sóc về cây, quả theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã và chúng tôi thực hành rất nghiêm túc việc chăm sóc, chăm bón và phun thuốc BVTV đều có giám sát và ghi chép nhật ký sản xuất đầy đủ" - ông Cường nói và cho biết chất lượng vải thiều năm nay tốt hơn về độ ngọt và không còn tồn dư về dư lượng thuốc BVTV.

Ông Nguyễn Phi Thoàn - Giám đốc điều hành Công ty JV Solution (đang cung cấp lượng lớn trái cây tươi cho chợ, siêu thị tại Nhật Bản) cho biết, năm nay là năm thứ ba công ty đồng hành đưa trái vải Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. 

Theo ông Thoàn, vải thiều Việt Nam có thế mạnh về độ ngọt và hương thơm. Trái vải vẫn là loại trái cây được mong đợi nhất vào mùa hè hàng năm tại Nhật Bản. Vì vậy, cách đây 2 - 3 tháng các đơn vị nhập khẩu đã bắt đầu lên kế hoạch chào bán đến khách hàng, lên kế hoạch nhập hàng cho chuyến vải thiều đầu tiên vào Nhật Bản.

Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên Nhật Bản áp dụng quy định kiểm tra dư lượng thuốc đối với quả vải nên sẽ không có quá nhiều đơn vị dám mạo hiểm. Bù lại sẽ là cơ hội cho các đơn vị dám tin tưởng đồng hành cùng quả vải Việt Nam do ít đơn vị cạnh tranh, việc chào hàng ra thị trường sẽ rộng hơn. Được biết, thị trường Nhật Bản yêu cầu khắt khe về mức dư lượng tối đa cho phép, hầu hết ở mức 0,01, tức là gần như không có.

Là cán bộ kỹ thuật phụ trách sản xuất trên địa bàn xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, bà Nguyễn Thị Nhung thường xuyên đi kiểm tra từ sổ ghi chép của người dân tới việc phun thuốc BVTV, chăm sóc cho vườn vải thiều. 

"Chúng tôi kiểm tra rất sát sao trong vấn đề tuân thủ kỹ thuật, bà con nông dân ở đây gần như tuân thủ 100% về hướng dẫn kỹ thuật. Do vậy, hy vọng năm nay thị trường nước ngoài chúng ta mở rộng rất nhiều" - bà Nhung nói.

Theo bà Nhung, xã Phúc Hòa có 2 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu đi các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, EU… với diện tích 15ha, và 1 mã vùng trồng xuất khẩu đi Trung Quốc với tổng diện tích 600ha. Do được chăm sóc theo một quy trình nghiêm ngặt ngay từ đầu vụ nên chất lượng vải thiều năm nay rất tốt, mở ra triển vọng xuất khẩu đi các thị trường rất lớn.

"Năm nay phía Trung Quốc yêu cầu khắt khe về kiểm soát mã số vùng trồng cũng như đầu vào, do vậy chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nông dân để tuân thủ các quy định và chuẩn bị xuất khẩu vải thiều vào thị trường Trung Quốc" - bà Nhung nói.

Ông Ngô Văn Tiệp - Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết, vải thiều sớm ở xã Phúc Hòa đã chiếm lĩnh trên một số thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, EU… "Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng thu mua 300 tấn vải thiều sớm xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Thứ hai, Trung Quốc là thị trường hết sức tiềm năng và giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm khoảng 30%"- ông Tiệp thông tin.

Cùng với xuất khẩu, ông Tiệp cho biết, địa phương đang coi trọng thị trường trong nước: "Hiện nay, quả vải thiều sớm đạt chất lượng rất tốt nhưng một số thị trường trong nước chưa được thưởng thức quả vải này. Vừa rồi, các cấp, các ngành đã hướng dẫn các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, nhà vườn tiếp thị, đưa vải thiều lên các sàn giao dịch điện tử để bán cho người tiêu dùng trong nước. Đây là một thị trường hết sức tiềm năng và cần phát huy".

Bắc Giang là thủ phủ vải thiều lớn nhất toàn quốc với diện tích trên 28.000ha, trong đó có trên 16.000ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với sản lượng đạt 180.000 tấn/năm. Vải thiều Bắc Giang hiện đã xuất khẩu tới 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang cho biết, trong nhiều năm qua, Bắc Giang rất quan tâm đến việc nâng cao chất lượng vải thiều, để từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước cũng như đẩy mạnh xuất khẩu.

gop/ 300.000ha cây trái được cấp mã số vùng trồng: Rộng cửa xuất ngoại 14 loại quả tươi - Ảnh 3.

"Năm 2022, chúng tôi xác định trọng tâm là xuất khẩu vải thiều mạnh vào các thị trường khó tính như: Nhật Bản, EU, Mỹ... Chính vì mục tiêu như vậy, ngay từ đầu vụ Sở NNPTNT đã xây dựng kế hoạch sản xuất vải thiều, trong đó tập trung tổ chức rà soát lại tất cả các mã số vùng trồng, từ đó cấp bổ sung các mã số mới theo yêu cầu. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn cho bà con nông dân các mã vùng trồng nắm chắc các quy trình sản xuất, các tiêu chuẩn, điều kiện của các nước nhập khẩu để từ đó chủ động, tự giác chấp hành và làm theo" - ông Tùng nói, và cho biết qua kiểm tra các mã số vùng trồng, bà con nông dân đều nắm chắc các quy trình, các điều kiện vải thiều xuất khẩu.

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang duy trì 149 mã số vùng trồng vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích 15.867ha, sản lượng khoảng 95.000 tấn, trong đó huyện Lục Ngạn có 36 mã, 11.423ha, huyện Lục Nam có 111 mã với 2.844ha, huyện Tân Yên có 1 mã với 600ha và huyện Yên Thế có 1 mã với 1.000ha.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Giang có 30 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, diện tích 219ha (Lục Ngạn 194ha, Tân Yên 15ha, Lục Nam 10ha), sản lượng 1.800 tấn và 18 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu vào Mỹ, Úc, EU..., diện tích 218ha, sản lượng đạt 1.600 tấn.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 300 cơ sở đóng gói trên địa bàn tỉnh theo yêu cầu của thị trường Trung Quốc (Lục Ngạn 237 cơ sở, Lục Nam 26 cơ sở, Yên Thế 19 cơ sở, Tân Yên 15 cơ sở, Yên Thế 19 cơ sở, TP.Bắc Giang 3 cơ sở) và 1 cơ sở đóng gói phục vụ thị trường Nhật Bản.

Mở rộng cấp mã số vùng trồng, đảm bảo chất lượng

gop/ 300.000ha cây trái được cấp mã số vùng trồng: Rộng cửa xuất ngoại 14 loại quả tươi - Ảnh 4.

Lô xoài do HTX Dịch vụ nông nghiệp Tịnh Thới (tỉnh Đồng Tháp) cung cấp cho doanh nghiệp để xuất khẩu sang EU tháng 2/2022. Ảnh: S.G.T

Đồng Tháp và mục tiêu "100% vào năm 2025"

Đồng Tháp là địa phương đặt ra mục tiêu rất cao trong việc cấp mã số vùng trồng. Cụ thể, theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Đồng Tháp có 100% diện tích vùng trồng lúa, cây ăn trái, rau màu được cấp mã số vùng trồng, gồm diện tích cây ăn trái là 40.810ha, rau màu là 10.549ha và lúa là 190.170ha.

Theo số liệu cập nhật từ Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp, đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 423 mã số vùng trồng với diện tích được gắn mã số là 12.737ha, trong đó có 157 mã số vùng trồng (mít, xoài, nhãn, thanh long, sầu riêng, ớt) với diện tích 6.231ha xuất sang Trung Quốc, có 266 mã số vùng trồng (xoài, nhãn, sầu riêng, chanh không hạt, vú sữa, ớt, lúa) với diện tích 6.505ha xuất khẩu sang Mỹ, EU, Nhật Bản, New Zealand, Nga, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore.

Cùng với đó, tỉnh Đồng Tháp có 9 doanh nghiệp được cấp mã số hàng hóa (rau quả tươi, rau quả khô, gia vị) xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó có Công ty TNHH Cẩm Long Đồng Tháp được cấp mã số cơ sở đóng gói ớt tươi xuất khẩu vào Trung Quốc. Sắp tới có 2 công ty sơ chế đóng gói rau quả tươi đang chờ kiểm tra trực tuyến của phía Hải quan Trung Quốc để cấp mã số cơ sở đóng gói rau quả xuất khẩu vào Trung Quốc.

K.L

Trong những năm qua, công tác thiết lập và cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế và tăng kim ngạch xuất khẩu - năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) thông tin, đến nay Việt Nam đã có trên 4.000 mã số vùng trồng được cấp, tương đương với 300.000ha cây trồng cho 14 loại quả tươi và gần 1.894 mã cơ sở đóng gói xuất khẩu đi các thị trường. 

"Vừa qua, số lượng mã số vùng trồng và diện tích cấp mã số vùng trồng không những tăng rất mạnh mà còn đảm bảo chất lượng, đáp ứng đúng quy định hiện nay" - ông Trung khẳng định.

Tuy vậy, hiện nay phần lớn các mã số vùng trồng tập trung chính vào cây ăn trái, trong đó đa số là đi thị trường Trung Quốc. Một số tỉnh đã bước đầu triển khai chương trình cấp mã số vùng trồng với các cây trồng chủ lực như cây lúa (An Giang, Đồng Tháp) và chè ở Thái Nguyên.

"Để triển khai rộng khắp trong cả nước và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các địa phương đối với các cây trồng có tiềm năng, Cục BVTV đã tham mưu Bộ NNPTNT ban hành văn bản hướng dẫn các địa phương và phân công cụ thể các việc mà địa phương phải làm. Đến nay, 90% công việc cấp mã số vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói, phục vụ xuất khẩu là các địa phương chủ động để thực hiện" - ông Hoàng Trung chia sẻ.

Trong thời gian qua, Cục BVTV đã xây dựng đội ngũ giảng viên nòng cốt và bộ tài liệu để hướng dẫn, tập huấn cho các tỉnh thực hiện công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra đã thường xuyên phối hợp với các địa phương để tổ chức các lớp tập huấn cho các cán bộ địa phương, doanh nghiệp và người về thiết lập và quản lý, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Trong 5 tháng 2022, Cục BVTV đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn về việc thiết lập các vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu, trong đó bao gồm quản lý phân bón, thuốc BVTV hiệu quả, xây dựng chương trình giám sát dư lượng thuốc BVTV… Đáng chú ý có 2 lớp tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho hơn 200 học viên để phổ biến quy định nhập khẩu xoài của thị trường Nhật Bản cho các cán bộ, doanh nghiệp và nông dân ở 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang.


Khương Lực