19 hành vi tiêu cực cần phòng, chống: "Không vì sợ quy định mà không làm"

Quỳnh Nguyễn (thực hiện) Thứ tư, ngày 10/08/2022 14:21 PM (GMT+7)
"Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực về 19 hành vi tiêu cực cần phòng, chống giúp cho cán bộ, đảng viên biết được những việc gì không nên làm rất rõ ràng" - GS –TSKH Phan Xuân Sơn, chuyên gia Chính trị học chia sẻ với Dân Việt.
Bình luận 0

Quyết tâm của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) mới đây đã có hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực đối với cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị.

Trong 19 hành vi tiêu cực được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nêu có việc vấn đề "tư duy nhiệm kỳ", cơ hội, vụ lợi, nhất là hành vi lạm quyền, lộng quyền, lấy danh nghĩa tập thể để áp đặt, hợp thức hóa quyết định sai trái của cá nhân, tổ chức ngày lễ, tết, sinh nhật... một cách phô trương lãng phí, gây phản cảm, bức xúc trong xã hội.

GS –TSKH Phan Xuân Sơn, chuyên gia Chính trị học, giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với Dân Việt về chủ đề này.

19 hành vi tiêu cực cần phòng, chống: "Không vì sợ quy định mà không làm" - Ảnh 1.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo. Ảnh: TTXVN

Thưa GS, việc hướng dẫn cụ thể về công tác phòng, chống tiêu cực sẽ tạo thuận lợi cho việc thực hiện, kiểm tra, giám sát thế nào?

- Những năm gần đây kể từ Đại hội XII, XIII của Đảng, sau Đại hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành rất nhiều quy định liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Từ những quy định về trách nhiệm nêu gương đến những quy định về chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa; quy định về những điều đảng viên không được làm... gần đây nhất là Quy định số 69 về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm. Có thể nói, rất nhiều quy định được ra đời trong hai nhiệm kỳ Đại hội XII, XIII.

So với trước, đây là một biểu hiện rất mới trong sinh hoạt của Đảng ta. Trước đây những vấn đề chúng ta thường nói không có quy định cụ thể, chỉ nêu "đảng viên cần phải nêu gương, tổ chức đảng cần phải nêu gương" nhưng nêu gương như thế nào thì không có quy định cụ thể.

Về chống suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống cũng như vậy, quy định không rõ. Chính vì vậy, trong công tác đánh giá đảng viên; khen thưởng, kỷ luật thiếu chính xác, có tính tùy tiện, cảm tính, dẫn đến kết quả về chất lượng đảng viên chúng ta đánh giá không đúng, việc sử dụng bố trí đề bạt cán bộ nhiều khi không phản ánh đúng năng lực phẩm chất của cán bộ, đảng viên.

Lần này, có những quy định và hướng dẫn rất rõ. Vấn đề gì cũng phải cụ thể hóa, lượng hóa và có tiêu chí. Yêu cầu hiện nay là như vậy và các kỳ Đại hội vừa qua đã cho thấy quyết tâm của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

19 hành vi tiêu cực cần phòng, chống: "Không phải sợ quy định mà không làm" - Ảnh 1.

GS-TSKH Phan Xuân Sơn.

Theo GS, làm sao để hướng dẫn của Ban Chỉ đạo đi vào thực tiễn và đạt được hiệu quả?

- Muốn áp dụng những quy định và hướng dẫn tốt, thứ nhất chúng ta phải nắm vững nội dung, thường xuyên nghiên cứu, đề ra các giải pháp vận dụng. Theo tôi, đến một thời điểm nào đó có thể sẽ có một hình thức để tích hợp tất cả những quy định này lại thành bộ quy định.

Còn trước mắt, tôi cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ những nội dung trong hướng dẫn này, phải luôn luôn đặt ra câu hỏi vì sao có hướng dẫn như vậy. Nhưng có thể nói, hướng dẫn này có ý nghĩa rất lớn trong công tác cán bộ, giúp dễ đánh giá các hiện tượng, phẩm chất cán bộ.

Có thể trước đó đã có những quy định tương tự nhưng chưa cụ thể và lần này được cụ thể hơn. Ví dụ, chúng ta đã có quy định chống chạy chức chạy quyền, trong Quy định 69 về xử lý tổ chức đảng và đảng viên vi phạm vấn đề này đã được cụ thể hơn nhiều. Những văn bản có thể sẽ có nội dung tương tự, nhưng có những điều được cụ thể hơn. Có những điều quy định trước không đề cập thì lần này được bổ sung, sự bổ sung có khi khi chỉ là một số câu chữ.

Quy định nhiều như vậy nhưng cũng có thể nảy sinh một số vấn đề trong thực tiễn đời sống, vì cuộc sống vận động rất nhanh nên có những vi phạm mới nhưng quy định chưa bao hàm được. Mặt khác, quy định cho nhiều lĩnh vực nên không thể bao quát được hết. Điều này đặt ra thách thức nên chúng ta phải thường xuyên bổ sung và hoàn thiện các quy định của Đảng.

Thứ hai, phải áp dụng các quy định này một cách nghiêm túc theo tiêu chí và những chuẩn mực định lượng, định tính có sẵn.

Bên cạnh đó, phải lường trước được sự phát triển rất nhanh của đời sống kinh tế- xã hội hay sự diễn biến rất nhanh chóng về tư tưởng, nhận thức của đảng viên để kịp thời bổ sung, điều chỉnh. Thực tế, vẫn có một số trường hợp chúng ta vẫn không quy định được vào nội dung gì, tiêu chí gì.

Đó là ba vấn đề đặt ra trong việc vận dụng, ứng với điều kiện có các quy định của Đảng.

Thường xuyên cập nhật tình hình để bổ sung quy định

Với hướng dẫn mới cùng với các quy định về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhưng cần phải làm thế nào để công tác này có thêm những bước tiến thưa GS.?

- Thứ nhất chúng ta biến lời nói thành hành động. Hành động thì phải có tiêu chuẩn, tiêu chí hoặc mục đích cụ thể thì mới áp dụng được để làm. Nếu không có các quy định cụ thể thì không biết vận dụng như thế nào, có trường hợp lấy lý do đó rồi chậm trễ trong việc xử lý các hành vi tham nhũng hay hiện tượng tiêu cực.

Tôi cho là các quy định này là một hướng tích cực nhưng chưa thể nào bao hàm hết được, chúng ta phải thường xuyên cập nhật diễn biến của tình hình để bổ sung.

Khi có các quy định cụ thể để áp dụng thì cán bộ các cấp xử lý những vấn đề liên quan rất nhanh. Anh vi phạm điều này là tham nhũng; anh vi phạm điều kia là tự diễn biến, tự chuyển hóa; vi phạm việc này thì phạm vào tiêu cực...

Trước đây, "tiêu cực" nằm trong 27 biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Hiện nay, hướng dẫn đã nêu rõ 19 hành vi tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống để cán bộ các cấp áp dụng, soi vào đó; đảng viên áp dụng trong tự phê bình và phê bình, trong đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

Liệu khi có nhiều những hướng dẫn, quy định cụ thể, cán bộ, đảng viên sẽ nảy sinh tâm lý ngại va chạm, ngại sáng tạo vì sợ vi phạm?

- Quy định nhiều thì cán bộ, đảng viên khi hành động càng phải cân nhắc. Giống như chúng ta tham gia giao thông. Luật giao thông có rất nhiều điều, muốn tham gia thuận lợi, an toàn thì chúng ta phải nắm luật. Khi đi trên một con đường nếu chúng ta không biết được chỗ nào hạn chế tốc độ, chỗ nào cấm thì sẽ dễ vấp phải những việc rất bất ngờ, không xử lý được.

Hướng dẫn của Ban Chỉ đạo giúp cho chúng ta biết được những việc gì nên làm, những việc gì không nên làm, rất rõ ràng. Có những lúc, có những việc chúng ta không biết có làm hay không. Chưa có quy định, chưa có hướng dẫn mà làm có thể nhiều khi dẫn tới làm bừa, làm ẩu, hăng hái đấy nhưng nhiều khi sai cũng không biết, và càng làm thì càng sai. Bây giờ có quy định rồi thì chấn chỉnh lại hành vi cho phù hợp, không phải sợ quy định mà không làm.

Nói chung, tôi cho rằng hướng dẫn của Ban Chỉ đạo có tính tích cực nhiều hơn những khó khăn, thách thức. Đến một giai đoạn nào đó, khi công tác xây dựng Đảng nhờ những quy định này đạt được bước tiến quan trọng thì có thể biên tập lại các nội dung để dễ nhớ, dễ hiểu, dễ áp dụng hơn; đồng thời tiếp tục phải tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn ông!




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem