2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn con chim trời trong vườn nhà

Tập Thỏa Thứ hai, ngày 19/09/2022 18:47 PM (GMT+7)
Hơn 60 năm qua, kể từ khi về làm dâu tại thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), 2 chị em dâu bà Bùi Thị Miện (SN 1942) và Đinh Thị Trí (1944) đã dành khu vườn rộng của mình để “cưu mang” hàng ngàn con chim hội tụ về sinh sôi, nảy nở.
Bình luận 0

Clip: Hai chị em dâu bà Bùi Thị Miện và Đinh Thị Trí, cùng trú tại thôn Đinh Phùng, Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), dành khu vườn của mình để "cưu mang" đàn chim trời.

Đất lành chim đậu

Giữa tháng 9/2022, chúng tôi có dịp đến thăm "khu rừng mini" của bà Bùi Thị Miện (SN 1942) và Đinh Thị Trí (1944) cùng trú tại thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). "Khu rừng mini" của 2 bà là nơi hàng ngàn con chim trời trú ngụ, giúp chúng có nơi sinh sản và phát triển an toàn.

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 2.

Hơn 60 năm qua, bà Đinh Thị Trí, 1944, trú tại thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, huyện Cẩm Xuyên dành khu vườn khoảng 3.000 m2 để "cưu mang" đàn chìm trời về sinh sống. Ảnh: PV

Qua trò chuyện, mới biết 2 bà là chị em dâu, lấy 2 anh em ruột. Bà Đinh Thị Trí lấy người anh vào năm 1965 khi ấy bà 21 tuổi. Bà Bùi Thị Miện lấy người em trai năm 1960 khi vừa tròn 18 tuổi.

Bà Miện và bà Trí cho biết, khi theo chồng về đây, được bố chồng chia cho 2 mảnh vườn sát cạnh bên nhau để bảo quản, chăm sóc. Khi ấy, khu vườn của bà Miện và bà Trí đã có nhiều cây lớn, cứ vào mùa tháng 2 (Al) có rất đông chim tự nhiên bay về đây cư trú và sinh sản, từ đó các bà đã bảo vệ chúng đến ngày nay.

Đến nay, hành động ý nghĩa bảo vệ chim hoang dã của của bà Miện đã diễn ra suốt 62 năm, còn bà Trí cũng đã được 57 năm.

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 3.

Khu vườn bà Miện, bà Trí trở thành “mái nhà” che chở cho đàn chim trời. Ảnh: PV

Tâm sự với chúng tôi, bà Trí nói: "Khu vườn rộng này, gia đình chúng tôi được thừa hưởng từ ông cha. Khi về làm dâu, tôi khá bất ngờ, có rất nhiều loài chim như: cò, vạc, cói, diệc … trú ngụ và sinh sản ở đây. Thời gian đó, tôi là giáo viên dạy cấp, đến năm 1991 tôi được nghỉ hưu theo chế độ và dành phần lớn thời gian để bảo vệ đàn chim.

Cứ mỗi mùa xuân đến, (khoảng từ rằm tháng 2 Al), đàn chim hàng ngàn con lại kéo về vườn của gia đình tôi làm tổ. Đến khoảng tháng 9 (Al) khi chim non cứng cáp, bay được, chúng lại di cư và năm sau lại quay trở lại. Mỗi buổi chiều được ngắm, nhìn đàn chim non đói gọi mẹ, hình ảnh chim bố mẹ bay về mớm mồi cho con khiến tôi vui vẻ lắm".

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 4.

Thường ngày, 2 chị em thường xuyên qua lại nhà nhau để trò chuyện cũng như đỡ đần công việc cho nhau. Ảnh: PV

Theo bà Trí, trong 7 tháng chim trời về vườn của bà cư trú, chúng sẽ có 3 lần sinh sản, mỗi lần đẻ từ 3-5 quả trứng. Trong đó, tháng 4 (Al) nhiệt độ dịu mát, thời tiết ít biến động chim sẻ làm tổ, sinh sản mạnh nhất của năm.

Mỗi ngày, chim bố mẹ sẽ bay đi kiếm ăn 2 lần mang về nuôi chim non. Tờ mờ sáng chim bố mẹ đã bay đi kiếm mồi, gần trưa bay về cho con ăn, sau đó lại đi tiếp đến khi tắt nắng mặt trời lại mang thức ăn về nuôi con.

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 5.

Khi tiết trời dịu mát, không khí trong lành là thời điểm các đàn chim đang tìm về khu vườn để trú ngụ, sinh sản. Ảnh: PV

Theo quan sát của PV Dân Việt, vườn của 2 gia đình sát cạnh nhau, rộng khoảng 3.000 m2. Trong vườn có hàng chục cây cổ thụ hàng chục tuổi, cao từ 15-30m, đây là nhà của hàng ngàn chim hoang dã như: cò, vạc, cói, diệc …

Trên những cây cao, tán cây lớn có từ 20-30 tổ chim. Đàn chim được 2 bà bảo vệ cẩn thận, chăm nom thường xuyên nên chúng rất dạn (không sợ) người.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn chim tự nhiên, bà Bùi Thị Miện nói: "Ban đầu vì yêu thích những loài chim, chúng tôi bảo vệ chúng, dần dà tôi coi những con chim như người thân, con cháu trong nhà lúc nào cũng không hay. Vào tháng 9 (Al) lần lượt nhìn những con chim này đi tôi lại buồn, cảm thấy trống trãi, mong chờ năm sau chúng nhanh chóng quay trở lại như ngóng con, cháu mình về thăm.

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 6.

Tâm niệm của bà Trí, đến lúc tôi mất đi, mong con cháu, người dân hãy bảo vệ lấy đàn chìm. Ảnh: PV

Sau khi chúng đi hết, 2 chị em chúng tôi sẽ dọn dẹp lại vườn, trồng thêm cây để năm sau chúng quay lại có chỗ ở tốt hơn. Những năm thời tiết khắc nghiệt, mưa nhiều, lạnh sẽ khiến đàn chim về muộn. Những lúc như thế tôi lại trông ngóng, lo sợ chúng sẽ không về đây làm tổ nữa".

Ông Đặng Văn Thức - Bí thư Chi bộ thôn Đinh Phùng, xã Cẩm Lạc, cho biết: "Ban đầu là từ ý thức bảo vệ chim trời của 2 gia đình qua nhiều năm. Sau này được chính quyền địa phương, bà con lối xóm ủng hộ, khuyến khích nên gia đình 2 bà đã ngày càng trồng thêm cây, chim về nhiều hơn. Trong các cuộc họp của thôn chúng tôi đều nêu tấm gương sáng của 2 bà, bên cạnh đó tuyên truyền, vận động bà con cùng nhau bảo vệ chim trời, bảo vệ thiên nhiên. Nếu người lạ vào thôn với ý định săn bắt chim thì nhanh chóng được người dân tố giác với chính quyền để có biện pháp xử lý".

Hai bà nguyện cả đời để "cưu mang" hàng ngàn con chim trời

Để bảo vệ đàn chim hoang dã an toàn, bà Miện và bà Trí cũng đã gặp không ít khó khăn, nguy hiểm. Đặc biệt, là khi chồng 2 bà qua đời, mọi việc càng khó khăn hơn.

Tuy khó khăn về kinh tế, nhưng để đàn chim có môi trường sống tốt 2 bà đã thống nhất không chặt cây gỗ lớn để bán, trái lại đã trồng thêm nhiều cây xanh sau mỗi năm.

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 7.

Hai chị em dâu ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” đã bảo vệ chim trời suốt hàng chục năm qua. Ảnh: PV

Tránh người lạ vào vườn săn, bắt chim, bà Miện và bà Trí đã mua hàng rào thép gai, thép sắt B40 để rào lại vườn cây nhà mình. Bên cạnh đó, 2 bà nuôi thêm chó để dễ phát hiện, cảnh báo người lạ vào ban đêm.

Bà Miện nói: "Đã có nhiều người đến trộm chim hoặc thương lượng với tôi để mua nhưng bà không đồng ý. Tôi nói với họ rằng sẽ bảo vệ để đàn chim để chúng về đây mỗi năm một đông chứ không bao giờ bán.

Loài vật cũng giống như con người, nếu chúng cảm thấy nơi nào an toàn mới gắn bó. 2 chị em chúng tôi sẽ quyết tâm cả đời mình để bảo vệ đàn chim".

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 8.

Mùa mưa bão, 2 bà mất ăn mất ngủ, lo lắng cho sự an toàn của những tổ chim, đàn chim có an toàn không. Ảnh: PV

Bà Trí nhớ lại: "Một đêm tháng 9/2021, cơn bão Doksuki đổ bộ vào Hà Tĩnh, gió to, mưa lớn khiến tôi mất ngủ, lo lắng cho đàn chim. Tờ mờ sáng, khi mở cửa ra tôi đã không khỏi sửng sốt khi nhiều cây lớn bị quật ngã, nhánh cây gãy khiến nhiều tổ chim rơi, rụng xuống đất.

Nhìn những quả trứng bị vỡ, chim non chết khiến tôi nhói lòng. Ngay sau đó, tôi cùng con trai đã dọn dẹp lại vườn, nhẹ nhàng đưa những con chim non, trứng chưa vỡ trở lại tổ an toàn".

2 chị em dâu ở Hà Tĩnh nguyện cả đời “cưu mang” hàng ngàn còn chim trời trong vườn nhà - Ảnh 9.

Trong vườn hai bà Miện, bà Trí rất nhiều cây cổ thụ, là "ngôi nhà" trú ngụ cho đàn chim trời về sinh sôi, trưởng thành. Ảnh: PV

Khâm phục tấm lòng bảo vệ những chú chim của 2 bà, hiện nay nhiều người dân tại xã Cẩm Lạc không còn săn, bắt chim tự nhiên nữa. Họ cùng nhau bảo vệ, tạo môi trường sống cho các loài chim tự nhiên và sẵn sàng tố cáo hành động săn, bắn động vật trái phép!

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Duẩn- Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc, cho biết: "Bảo về chim tự nhiên của bà Bùi Thị Miện và bà Đinh Thị Trí trú tại thôn Đình Phùng là một hình ảnh đẹp, tiêu biểu được chính quyền địa phương, được người dân xã Cẩm Lạc ghi nhận. Hàng chục năm qua, hình ảnh bảo vệ chim trời của 2 bà trở thành hành động đẹp giúp lan tỏa bảo vệ thiên nhiên. Đã có nhiều hộ dân xung quanh nay cũng đã bảo vệ và cho chim sinh nở".

"Gia đình bà Miện và bà Trí đều có truyền thống cách mạng, được bà con lối xóm yêu mến. Từ hành động ý nghĩa của 2 bà, chính quyền địa phương đã nhiều lần tuyên dương, trao Bằng khen và hy vọng không chỉ 2 bà mà con cháu của các bà sau này vẫn sẽ làm như vậy" - ông Nguyễn Văn Duẩn- Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem