​20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp

P.V Thứ bảy, ngày 11/09/2021 08:43 AM (GMT+7)
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 của Chính phủ đề cập 12 vụ án bị khởi tố với 20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp.
Bình luận 0

Báo cáo sơ bộ của Chính phủ gửi các cơ quan của Quốc hội cập nhật số liệu về công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật từ ngày 1/10/2020 đến 31/7/2021.

20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp - Ảnh 1.

Phiên họp thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng để thẩm tra sơ bộ báo cáo của Chính phủ diễn ra ngày 6-7/9. Ảnh: QH

Tội phạm tham nhũng tăng 24%

Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2021, cơ quan chức năng đã phát hiện 7.092 vụ phạm tội về trật tự quản ký kinh tế (tăng gần 22%) với 6.533 đối tượng (tăng gần 24%), 62 tổ chức (tăng hơn 226%, trong đó có 10 pháp nhân thương mại). Riêng tội phạm tham nhũng đã phát hiện 297 vụ (tăng gần 24%), 528 đối tượng (tăng hơn 3%).

Điểm nổi bật là đã chỉ đạo tăng cường công tác nghiệp vụ, nhận diện vi phạm, chọn đúng khâu đột phá để phát hiện, xử lý theo phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực". Đáng chú ý, đã phát hiện, xử lý một số vụ án kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực y tế như vụ tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Sở Y tế Cần Thơ, Sở Y tế Sơn La;… trong lĩnh vực giáo dục như vụ án tại các Sở GD-ĐT Thanh Hoá và Quảng Ninh…

Báo cáo của Chính phủ cũng cho hay, cơ quan chức năng cũng đã điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng trong các cơ quan chức năng "bảo kê", bao che cho hoạt động phạm tội kinh tế, buôn lậu.

Tạm đình chỉ điều tra gần 13.500 vụ với 2.370 bị can

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/10/2020 đến 31/7/2021, cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý hơn 104.000 vụ án (tăng hơn 11%) với hơn 154.700 bị can (tăng gần 13%); trong đó khởi tố mới hơn 74.100 vụ với hơn 110.700 bị can.

​20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp - Ảnh 2.

Báo cáo của Chính phủ nêu và dẫn chứng 12 vụ án bị khởi tố với 20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp. Ảnh minh họa

Cơ quan điều tra đã kết luận điều tra, đề nghị VKS các cấp truy tố hơn 60.400 vụ (tăng hơn 9,7%) với 110.600 bị can (tăng hơn 11,6%); tạm đình chỉ điều tra gần 13.500 vụ (tăng gần 9%) với 2.370 bị can (tăng 3,4%); đình chỉ điều tra gần 3.230 vụ (tăng gần 27,8%) với 1.930 bị can (tăng hơn 6,2%).

Lý giải về nguyên nhân, Chính phủ cho rằng tổng số vụ án khởi tố mới đang ở mức rất cao và tăng dần trong nhiều năm, trong khi biên chế điều tra viên, cán bộ điều tra còn thiếu. Theo báo cáo, trung bình mỗi năm một điều tra viên công an cấp huyện thụ lý điều tra 12 vụ án, thụ lý giải quyết 15 tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Cạnh đó, sự phối hợp giữa cơ quan điều tra và VKS cùng cấp trong điều tra, giải quyết vụ án ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thống nhất, nhất là trong thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến VKS trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung.

Cũng theo Chính phủ, đội ngũ điều tra viên, cán bộ điều tra được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị; được bố trí công tác theo tiêu chuẩn chức danh và thường xuyên được tổ chức tập huấn nâng cao trình độ, năng lực.

Tuy nhiên, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của điều tra viên các cấp còn chưa đồng đều, thiếu về mặt số lượng so với yêu cầu công tác. Nếu tính bình quân mỗi năm một điều tra viên thụ lý sáu vụ án, tám tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố thì còn thiếu khoảng 4.000 điều tra viên.

“Tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của một số ít điều tra viên còn kém, dẫn đến hiệu quả, chất lượng công tác chưa cao; cá biệt còn vi phạm trong hoạt động điều tra đến mức bị xử lý hình sự” - báo cáo nêu và dẫn chứng 12 vụ án bị khởi tố với 20 bị can là cán bộ công an xâm phạm hoạt động tư pháp.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem