20 năm trốn truy nã vì trót trộm ti vi

Thứ ba, ngày 05/06/2012 16:00 PM (GMT+7)
Khi cảnh sát đọc lệnh bắt, ông Chi vờ xin mặc quần áo rồi bỏ trốn biệt tăm vào vùng kinh tế mới.
Bình luận 0

Chiều tối 4.6, ông Đào Văn Chi (62 tuổi, ở huyện Quốc Oai, Hà Nội) bị di lý từ TP HCM về Phòng cảnh sát truy nã Hà Nội. Ông Chi trốn truy nã vì tội danh trộm cắp tài sản từ 20 năm trước.

Người đàn ông gầy gò, đen đúa, với cặp kính lão dày cộp hốt hoảng khi xuống khỏi xe chở phạm từ sân bay Nội Bài về trụ sở cảnh sát. Mới bắt đầu câu chuyện, giọng ông Chi run run: “Tôi hối hận lắm và thấy xấu hổ vì sự nông nổi của 20 năm về trước. Con cái lớn, lập gia đình đến giờ chứng kiến cảnh bố bị bắt như vậy”. Người đau khổ nhất là vợ ông, bà khóc nhiều.

Ông Chi tại trụ sở Phòng cảnh sát truy nã. Ảnh: Việt Dũng.

Ông Chi tại trụ sở Phòng cảnh sát truy nã.

Theo hồ sơ cảnh sát, năm 1992, ông Chi lấy trộm tivi, đài cassette của một gia đình trong thôn. Khi hành vi bị lật tẩy, ông đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị công an tỉnh Hà Tây cũ phát lệnh truy nã toàn quốc.

Về ngày cảnh sát đến nhà đọc lệnh bắt, tháng 5.1992, ông Chi kể: "Vừa đi gặt lúa về, đang tắm rửa phía sau nhà thì cơ quan chức năng đến. Lấy lý do cần mặc quần áo, tôi chui qua cửa sổ chạy một mạch trốn trong khu vườn của một nhà hàng xóm”, người đàn ông trung niên nói.

Sau đó, ông bắt xe khách đi thẳng vào Lâm Đồng. Trước đó, do có nghe nhiều người “mách nước” vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng, dễ làm ăn nếu chăm chỉ lao động. Nhân tiện trốn, ông Chi vào đó, sống ở huyện Lâm Hà.

Trốn tránh pháp luật, ông Chi sống bằng đủ mọi công việc từ vét bùn, hái cà phê, cuốc đất. Một năm sau, ông ra Bắc đón vợ và hai con vào Lâm Đồng sinh sống. Căn nhà ở quê được bán lại, cả hai tích cóp trong nhiều tháng làm thuê, mua được 1 ha đất canh tác.

Với diện tích đất này, vợ chồng con cái ông Chi trồng cà phê, nuôi tằm, cuộc sống dần được cải thiện. Năm 1996, khi chính quyền địa phương cấp hộ khẩu, ông đã khai bằng cái tên Đỗ Văn Chi nhằm tránh bị phát hiện.

“Suốt thời gian trốn đó, tôi làm ăn chỉn chu, đóng đầy đủ tiền các loại nhưng không khỏi lo lắng bị bắt. Tôi nghĩ chắc dần mọi việc sẽ vào quên lãng”, nhấc cặp kính lão, ông Chi nói. Bây giờ con cái ông đều đã lớn, lập gia đình có cháu nội ẵm bồng. Hai vợ chồng chỉ có việc khuyên các con làm ăn, nuôi gia đình.

Rời quê nhiều năm nhưng họ hàng của ông Chi vẫn bám đất, bám làng ở huyện Quốc Oai. Ông thú thật có lần về thăm bà con trong chốc lát rồi lại đi ngay. Nhiều năm nay do cuộc sống bận rộn, ông không về quê, chỉ có con cái thay bố mẹ ra Bắc thăm họ hàng.

Ngày 1.6 vừa qua, khi đang cùng với vợ con ở nhà tại Lâm Đồng, công an Hà Nội đến đọc lệnh bắt. Nhiều người dân không tin được, ông Chi từng có một quá khứ không tốt. Hàng ngày, họ vẫn biết, ông này chăm chỉ, biết vun vén cho vợ, con.

Để xác định được tung tích của ông này, cơ quan chức năng đã phải dựng lên nhiều mối quan hệ. Những năm cuối thập kỷ 90, người dân từ Bắc ồ ạt đi khai hoang các vùng kinh tế mới. Chính quyền địa phương nơi họ đến đã tạo điều kiện tốt nhất để những công dân mới này được “an cư lạc nghiệp” bằng cách cấp hộ khẩu, làm chứng minh nhân dân mới…

Việc ông Chi đứng dưới họ khác gây khó khăn cho việc truy tìm. “Chúng tôi phải rà soát chặt chẽ để không bắt nhầm người”, một cán bộ tham gia truy bắt chia sẻ. Việc bắt ông Chi là một phần của kế hoạch Nam tiến tóm người truy nã của Phòng cảnh sát truy nã Hà Nội.

Theo Ngôi Sao
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem