2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 1.

Những thông tin về một loại virus lạ tại Vũ Hán, Trung Quốc đã xuất hiện từ tháng 12/2019, nhưng mãi đến giữa tháng 1/2020, khi các ca nhiễm ngày một tăng và diễn biến trầm trọng, chính quyền Bắc Kinh mới vội vàng hành động.

Ngày 23/1, Trung Quốc phong tỏa thành phố Vũ Hán. Liên tiếp những ngày sau đó, nhiều thành phố, thị trấn thuộc tỉnh Hồ Bắc cũng tiến hành giới nghiêm. Sau cùng, hơn 20 tỉnh thành Trung Quốc thực hiện lệnh phong tỏa.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 2.

Những nỗ lực đã quá trễ. Hơn 84.000 người Trung Quốc nhiễm Covid-19 cùng hơn 4.600 ca tử vong là cái giá đắt với Bắc Kinh. Gần 80% kinh tế Trung Quốc tê liệt trong hơn một tháng ròng rã để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Tăng trưởng GDP quý I rơi xuống mức thấp chưa từng có -6,8%.

Biện pháp phong tỏa, giới nghiêm nghiêm ngặt giúp Trung Quốc nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh. Bằng chứng là nước này đã bắt đầu khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh từ tháng 3, thời điểm mà dịch bệnh mới bắt đầu xuất hiện và bùng phát ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… Nhờ vậy, hoạt động kinh tế của Trung Quốc cũng chứng kiến một số dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tăng trưởng GDP quý II đạt 3,2%. Nhưng điều này không có nghĩa Trung Quốc đã thoát chuỗi ngày “vận hạn”.

Trong lĩnh vực tài chính, các chuyên gia nhận định thị trường trái phiếu doanh nghiệp trị giá 4,1 tỷ USD của Trung Quốc có nguy cơ chứng kiến các vụ vỡ nợ chưa từng có trong năm nay, khi mà các gói cứu trợ Covid-19 của Bắc Kinh đang dần đi đến hồi kết. 

Thêm vào đó, số vụ phá sản dự kiến sẽ lên mức kỷ lục, bởi đối tượng chịu thiệt hại lớn nhất trong đợt dịch Covid-19 này là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vốn thường không được ngân hàng ưu tiên cấp tín dụng. 

Đa số các SMEs - đối tượng đóng góp tới 60% GDP quốc gia và sử dụng 80% lực lượng lao động - phải tìm đến hệ thống Ngân hàng bóng tối (tín dụng đen) thay vì nhận cứu trợ từ chính phủ. Các SMEs phá sản đồng nghĩa với việc lượng lớn người lao động Trung Quốc thất nghiệp.

Hồi tháng 5, các nhà phân tích từ BNP Paribas SA chỉ ra rằng nếu tính cả cư dân ngoài đô thị, tỷ lệ thất nghiệp của Trung Quốc trong quý I có thể đạt tới 12%, tương đương khoảng 130 triệu người mất việc vì dịch bệnh. Còn Ngân hàng Thụy Sĩ UBS dự báo thị trường lao động Trung Quốc đang trải qua thời kỳ tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ và số lượng việc làm dự kiến giảm 10 triệu trong năm nay. 

img
img
img

Dịch Covid-19 tại Trung Quốc biến những tuyến đường vắng tanh như "thành phố ma", doanh nghiệp ngừng hoạt động hàng tháng trời 

Một thống kê của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) trong nửa đầu năm 2020 cho thấy tổng doanh số bán lẻ, bao gồm cả cho tiêu tiêu dùng và mua sắm chính phủ Trung Quốc đã giảm mạnh 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 17,2 nghìn tỷ NDT (tương đương 2,4 nghìn tỷ USD). Chi tiêu tiêu dùng bình quân đầu người giảm 5,9% xuống còn 9.718 NDT trong nửa đầu năm, tức chỉ đạt 13,6 nghìn tỷ NDT trên tổng dân số 1,4 tỷ người. Con số này bằng chưa đầy 30% tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Fu Peng, nhà kinh tế trưởng từ công ty môi giới chứng khoán Đông Bắc nhận định trong 6 tháng đầu năm, sức tiêu thụ của người dân Trung Quốc thấp hơn nhiều so với khả năng sản xuất của nước này. “Người dân khó tăng mức chi tiêu do áp lực từ các khoản nợ tín dụng cùng triển vọng thu nhập và công việc bất ổn” sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 4.

Chưa hết, dịch bệnh từ Trung Quốc đã lan rộng ra gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng cộng 23,9 triệu ca nhiễm bệnh và ít nhất 820.000 ca tử vong trên toàn cầu cho đến nay. Chính phủ Bắc Kinh trở thành đối tượng chỉ trích của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ, vì vụ bùng phát dịch bệnh.

Dịch bệnh trở thành hồi chuông cảnh tỉnh các chính phủ trước thực trạng phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nhật Bản gần đây đã trợ cấp 70 tỷ JPY (653 triệu USD) cho 87 doanh nghiệp rời Trung Quốc sau lời khuyến nghị đa dạng hóa chuỗi cung ứng của Thủ tướng Shinzo Abe. Chính quyền Trump cũng đang kêu gọi các doanh nghiệp Mỹ hành động tương tự.

Đó là chưa kể tới hàng loạt vụ kiện nhằm vào Trung Quốc trong bối cảnh cuộc khủng hoảng đại dịch lan rộng ra toàn cầu. Các bang tại Mỹ như Mississippi và Missouri đã tiên phong cho phong trào kiện Trung Quốc về thiệt hại khủng khiếp mà dịch Covid-19 mang đến. 

Tại các quốc gia khác, tình cảm với Trung Quốc cũng diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Tờ báo nhiều người đọc nhất nước Đức hồi tháng 4 đã có bài báo tiêu đề “Trung Quốc nợ chúng tôi những gì” chỉ ra thiệt hại khổng lồ mà đại dịch Covid-19 gây ra cho nền kinh tế lớn nhất Châu Âu. Còn các nhà lập pháp Úc thì kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc dịch Covid-19, đồng thời yêu cầu Trung Quốc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà đại dịch gây ra cho nền kinh tế nước này. Hội đồng Luật sư Quốc tế có trụ sở tại London (Anh) và Hiệp hội Luật sư Ấn Độ trước đó cũng được cho là đang đệ đơn khiếu nại lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đòi Trung Quốc bồi thường.

Những vụ kiện tụng ngay lập tức khiến Bắc Kinh giận dữ. Trong trường hợp của Úc, chính phủ Bắc Kinh đã nhanh chóng áp thuế lúa mạch và mở cuộc điều tra chống bán phá giá rượu vang Úc để “dằn mặt” động thái kêu gọi điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 của Canberra. Vụ xung đột sau đó leo thang thành chiến tranh thương mại, khi phía Úc điều tra hàng loạt sản phẩm của Trung Quốc như ống thép, giấy in A4… để đáp trả. Đến nay, căng thẳng vẫn chưa dịu lại.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 5.

Khi dịch bệnh Covid-19 chưa được dập tắt hoàn toàn, Trung Quốc tiếp tục đối mặt sự thách thức từ mẹ thiên nhiên, với những trận lũ lụt nghiêm trọng chưa từng có trong 2 thập kỷ.

Suốt từ giữa tháng 6 đến nay, những cơn mưa như trút nước đã đổ xuống lưu vực sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc, gây ngập lụt nhiều tỉnh thành và khiến ít nhất 1,4 triệu người dân phải di tản. Con đập Tam Hiệp - công trình đập thủy điện lớn nhất thế giới đồng thời là niềm hy vọng chế ngự lũ lụt của Trung Quốc - đã hoạt động hết công suất, mực nước có lúc lên mức kỷ lục 166m dù 11 cửa xả lũ hoạt động liên tục. Ban quản lý đập Tam Hiệp mới đây đã phải thừa nhận con đập xuất hiện hiện tượng biến dạng nhẹ do mưa lũ dữ dội.

img
img
img
img

Lũ lụt năm 2020 được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong gần 2 thập kỷ tại Trung Quốc

Thành phố Vũ Hán, ổ dịch Covid-19 lớn nhất Trung Quốc vừa trải qua gần 3 tháng phong tỏa, nay lại tiếp tục bị lũ lụt tàn phá. Đường cao tốc và nhiều con đường ven sông tại Vũ Hán đã bị nhấn chìm trong nước. Nhiều doanh nghiệp buộc phải đóng cửa. Giao thông đường thủy gần như ngừng trệ.

Theo tạp chí Forbes, lũ lụt đang đe dọa ít nhất 480 triệu cư dân tại nhiều đô thị lớn của Trung Quốc nằm trong lưu vực rộng lớn của sông Dương Tử; từ Thượng Hải cho đếnTrùng Khánh. Đây được coi là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong gần 2 thập kỷ.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 7.

Đáng lẽ, thiệt hại từ lũ lụt là không đáng kể với quy mô kinh tế khổng lồ của Trung Quốc. Bởi theo một ước tính sơ bộ của Li Yao, chuyên gia kinh tế Đại học Quốc gia Singapore; lũ lụt chỉ làm giảm khoảng 0,17% GDP Trung Quốc năm 2020. Nhưng bởi vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 hồi đầu năm đã giáng một đòn đau đớn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nên những tổn thất do mưa lũ giờ đây khiến kinh tế Trung Quốc lao đao trầm trọng hơn.

Để đảm bảo an toàn cho các thành phố và khu công nghiệp, “chiến lược chống lũ lụt của Bắc Kinh là xả lũ vào đất nông nghiệp”, ông Li cho hay. Phương án này được đưa ra vào ngày 19/7, khi các nhà chức trách tỉnh An Huy (tỉnh hạ lưu sông Dương Tử) mở cửa xả lũ đập Wangjiaba làm ngập nhiều diện tích đất nông nghiệp, buộc hàng nghìn người dân khu vực nông thôn phải sơ tán. Động thái này đã bảo vệ được nhiều thành phố đông dân hơn ven hạ lưu Dương Tử.

Ông Li ước tính lũ lụt đã làm ngập hơn 20.000 dặm vuông đất nông nghiệp Trung Quốc, phá hủy nhiều mùa vụ thu hoạch cây trồng. Cho đến nay, thiệt hại mà mưa lũ gây ra tại Trung Quốc vẫn chưa dừng lại do mùa mưa lũ dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng 9.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 8.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 9.

“Không nghi ngờ gì, họ (Trung Quốc) sẽ phải chịu trách nhiệm về đại dịch. Về phần chịu trách nhiệm như thế nào, khi nào, tại sao - tôi sẽ để dành lại câu trả lời cho ngài Tổng thống”. Đó là phản ứng đanh thép của Larry Kudlow, một cố vấn đắc lực chính quyền Trump hồi tháng 5, thời điểm Mỹ trở thành tâm dịch Covid-19 lớn nhất thế giới.

Sau đó ít ngày, Tổng thống Trump đích thân cảnh cáo Trung Quốc trên Twitter: “Mỹ vừa ký một thỏa thuận thương mại tuyệt vời với Trung Quốc, mực thậm chí còn chưa khô và thế giới ngay lập tức bị dịch bệnh có nguồn gốc từ Trung Quốc tấn công. 100 thỏa thuận thương mại cũng không làm mọi thứ khá hơn và mờ đi sự thật về tất cả những sinh mạng vô tội đã mất”. 

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 10.

Khi đại dịch Covid-19 tàn phá nền kinh tế Mỹ, nó cũng đưa căng thẳng Mỹ - Trung leo thang chưa từng có. Trong suốt nhiều tháng ròng của cuộc chiến ngôn luận Mỹ - Trung, các quan chức Nhà Trắng đã phát đi một thông điệp rõ ràng: các công ty Trung Quốc có nguy cơ phải đối mặt với làn sóng trừng phạt của Mỹ sau hàng loạt “sai lầm nghiêm trọng” của Bắc Kinh trong vụ bùng phát dịch Covid-19.

Bên cạnh cuộc khủng hoảng đại dịch, hàng loạt xung đột từ dự luật an ninh mới mà Bắc Kinh áp đặt với Hồng Kông, vấn đề nhân quyền Tân Cương, rủi ro an ninh từ các công ty công nghệ hay ứng dụng Trung Quốc… đã khiến Washington ngày càng mạnh tay. 

Từ đầu năm 2020 đến nay, đã có ít nhất 33 doanh nghiệp, thực thể Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen. Trong số đó có 7 doanh nghiệp và 2 tổ chức bị cáo buộc vi phạm nhân quyền với người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Hơn 20 công ty, tổ chức chính phủ và tổ chức thương mại khác bị cáo buộc hỗ trợ quân đội Trung Quốc mua sắm các sản phẩm công nghệ Mỹ để phục vụ mục đích quân sự.

Song song với việc đưa thêm nhiều thực thể Trung Quốc vào danh sách đen; Mỹ cũng siết chặt các hạn chế với những thực thể đã nằm trong danh sách này. Chẳng hạn như việc ban hành Bộ Quy tắc sản phẩm sản xuất tại nước ngoài, chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, khiến gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Chính quyền Trump gần đây còn điểm mặt 2 ứng dụng phổ biến của Trung Quốc là TikTok và WeChat trong một lệnh cấm giao dịch kéo dài 45 ngày. Căng thẳng hơn, Trump đưa ra tối hậu thư buộc kỳ lân công nghệ Trung Quốc ByteDance phải thoái vốn, bán hoạt động của TikTok tại Mỹ cho bất kỳ công ty Mỹ nào trước 15/9 hoặc sẽ bị cấm cửa tức thì.

Mỹ còn tiên phong một chiến dịch thuyết phục các đồng minh quốc tế cấm cửa Huawei khỏi dự án xây dựng mạng 5G thế hệ mới do nguy cơ gián điệp. Một số đồng minh thân cận của Mỹ ở Châu Âu, tiêu biểu là vương quốc Anh đã tuyên bố kế hoạch “thanh trừng” thiết bị Huawei ra khỏi cơ sở mạng viễn thông trước năm 2027.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 12.

Chiến dịch “đàn áp” công nghệ Trung Quốc của chính quyền Trump chắc chắn chưa dừng lại ở đây. Hồi đầu tháng 8, khi được hỏi liệu Washington có đang cân nhắc các động thái tiếp theo chống lại những công ty Trung Quốc tiếp theo; chẳng hạn như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba hay không; ông Trump đã lên tiếng xác nhận “đang xem xét những lựa chọn như vậy”.

Trên mặt trận tài chính, Nhà Trắng đang xem xét hủy niêm yết nhiều công ty Trung Quốc trên sàn chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ quy định kiểm toán ngặt nghèo của Mỹ. 

Theo nhiều nguồn tin, Washington cũng đang cân nhắc việc sử dụng vai trò quan trọng của hệ thống thanh toán quốc tế bằng đồng USD để trừng phạt các công ty, tổ chức tài chính và cả cá nhân Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương và Hồng Kông. 

Mối quan ngại bị “hất cẳng” khỏi hệ thống thanh toán đồng USD đang thôi thúc các ngân hàng, tổ chức tài chính nhà nước Trung Quốc tìm kiếm các kế hoạch dự phòng cho tình huống bị Mỹ trừng phạt. 

Mới đây, Ngân hàng Trung Quốc BoC đã công bố một báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường sử dụng Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) thay cho hệ thống tin nhắn chuyển tiền SWIFT mà đồng USD đang bá chủ, qua đó giảm sự phụ thuộc của hệ thống thanh toán Trung Quốc vào cơ sở hạ tầng tài chính của Mỹ. Nhưng việc chuyển đổi như vậy là một quá trình dài. Và trước mắt, đồng NDT khó có thể trở thành tài sản trú ẩn an toàn của Trung Quốc, theo nhận định của Ebrahim Rahbari, chuyên gia phân tích ngoại hối toàn cầu tại Citigroup.

Nhiều nhà phân tích lập luận rằng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020 cũng là một trong những lý do khiến chính quyền Trump tăng cường lập trường cứng rắn với Bắc Kinh. Xuyên suốt chiến dịch tái tranh cử năm 2020, ông Trump đã nhiều lần lặp lại thông điệp “chấm dứt sự phụ thuộc vào Trung Quốc” tương tự như những gì đã làm hồi năm 2016.

Nhưng ngay cả trong viễn cảnh Trump “thất thế” tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2020 và cựu Phó Tổng thống Joe Biden đắc cử, chưa chắc quan hệ Mỹ Trung đã tốt đẹp lên. Mới đây, trong một bài diễn văn tranh cử, ông Biden đã khẳng định: “Chúng ta sẽ không bao giờ phụ thuộc vào Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào khác” trong nguồn cung thiết bị y tế. Các nhà phân tích chỉ ra rằng ông Biden cũng có quan điểm cứng rắn về nhiều vấn đề như thâm hụt thương mại, gián điệp, vi phạm nhân quyền… Do vậy, dù Trump rời Nhà Trắng hay không, nhiều khả năng Trung Quốc cũng chẳng “dễ thở” hơn là bao.

2020: Năm "vận hạn" của Trung Quốc! - Ảnh 13.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem