240 hội viên, nông dân Hà Nam tham gia tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 02/06/2022 11:36 AM (GMT+7)
Từ 30/5 đến 2/6, tại tỉnh Hà Nam, Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về giữ gìn và phát triển làng nghề sản xuất thủ công gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.
Bình luận 0

Theo ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam), thực trạng môi trường nông thôn có làng nghề đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đó là ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, không khí; suy thoái môi trường đất, nước, có xu hướng gia tăng kéo theo sức khỏe...

Cải thiện môi trường nông thôn, trong đó có môi trường làng nghề cần thiết phải tập huấn, hướng dẫn nông dân những kiến thức, kỹ năng tham gia bảo vệ môi trường...

Theo đó, Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phối hợp với Hội Nông dân tỉnh Hà Nam mở 2 lớp tập huấn về bảo vệ môi trường làng nghề, với 240 hội viên nông dân tham gia, đến từ 4 huyện, thành phố.

Phát biểu tại buổi tập huấn, ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững cho biết, sự nghiệp bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội và là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước để đảm bảo phát triển bền vững. Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là trong gần 40 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng và quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mang tính chiến lược bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn phát triển cũng như tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2045. 

Môi trường - Ảnh 1.

Ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức về giữ gìn và phát triển làng nghề sản xuất thủ công gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới tại Hà Nam, ngày 1/6. Ảnh: Minh Ngọc

Ông Phạm Văn Thiện cho hay, cả nước hiện có 2.009 làng nghề, làng nghề truyền thống, trong đó có 1.134 làng nghề và 875 làng nghề truyền thống. Các làng nghề đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ với sự sáng tạo của các nghệ nhân làng nghề, góp phần không nhỏ vào sự phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, qua đó đã góp phần tạo nhiều việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong bảo vệ môi trường làng nghề, song vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, bất cập chưa được giải quyết, đáng quan tâm nhất là công tác quản lý và tham gia bảo vệ môi trường của người dân. 

Thực trạng môi trường nông thôn có làng nghề đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, đó là ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, không khí; suy thoái môi trường đất, nước, có xu hướng gia tăng kéo theo sức khỏe, tuổi thọ của người dân suy giảm.

Môi trường - Ảnh 2.

Tham gia lớp tập huấn có 240 hội viên nông dân của 4 huyện, thành phố của tỉnh Hà Nam. Ảnh: Minh Ngọc

Đa số các làng nghề chưa xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, khí, nước thải đều xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường không khí, đất và nguồn nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho môi trường tại nhiều làng nghề trong thời gian qua chưa được cải thiện, nhiều nơi xuống cấp nghiêm trọng.

Tỉ lệ người mắc bệnh ung thư tương đối cao ở một số làng nghề; tuổi thọ trung bình của người dân tại các làng nghề ngày càng giảm đi, thấp hơn 10 năm so với tuổi thọ trung bình toàn quốc và thấp hơn từ 5 đến 10 năm so với làng không làm nghề. Ô nhiễm môi trường làng nghề còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của chính làng nghề đó, gây ra những tổn thất kinh tế không nhỏ và dẫn đến những xung đột môi trường trong cộng đồng. 

Môi trường - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Lâm, TP Phủ Lý, Hà Nam (thứ 3 bên phải) cho biết, hiện nay gia đinh ông đang áp dụng

Ông Thiện nhấn mạnh, để phát huy thế mạnh của các làng nghề, đồng thời từng bước khắc phục ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, là mục tiêu phát triển bền vững và là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các cấp, các ngành trong đó có các cấp Hội và hội viên nông dân.

"Tham gia tập huấn lần này, các đồng chí, các bác, các anh chị em sẽ được giảng viên truyền đạt những kiến thức về giữ gìn và phát triển làng nghề thủ công, bảo vệ môi trường làng nghề thủ công gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới", ông Thiện cho biết.

Chia sẻ khi được tham gia lớp tập huấn, ông Nguyễn Văn Lâm (TP Phủ Lý) cho biết, hiện nay gia đình ông đang nuôi 1.000 con ngan đẻ và 5 con lợn nái.

Trong quá trình chăn nuôi lợn, để xử lý nước thải ông Lâm tiến hành xây bể bioga. Đối với ngan để xử lý chuồng trại thì sử dụng phân vi sinh và thuốc khử trùng. Trong điều kiện thời tiết nóng, ông dùng máy bơm nước kết hợp quạt thông gió. 

Trong chăn nuôi, ông Lâm áp dụng tiêu chí "3 sạch". Thứ nhất, con giống; thứ hai là thức ăn; thứ ba là vệ sinh chuồng trại.

Ông Lâm cho hay, được tham gia lớp tập huấn, hội viên nông dân sẽ có cơ hội được truyền đạt những kiến thức về trong sản xuất nông nghiệp cũng như giữ gìn và phát triển làng nghề thủ công, bảo vệ môi trường làng nghề thủ công gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Phạm Văn Thiện, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Phát triển bền vững, mục đích của Chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với Hội Nông dân Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2018 - 2023 đó là:

1. Tạo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực tài nguyên môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, thúc đẩy chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

2. Nâng cao nhận thức, kiến thức, năng lực, kỹ năng và hành động cho các cấp Hội và hội viên nông dân trong khai thác, sử dụng và quản lý đất đai, nước và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, tạo phong trào rộng rãi trong khu vực nông thôn tham gia quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường.

3. Tạo thuận lợi để Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân tham gia quản lý và sử dụng bền vững đất đai, nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm bền vững, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh thân thiện với môi trường.

4. Phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của hội viên nông dân trong sử dụng bền vững tài nguyên đất, nước và các tài nguyên thiên nhiên khác, ứng phó với biến đổi khí hậu, từng bước phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp quy mô lớn.

5. Tăng cường sự tham gia của Hội Nông dân các cấp và hội viên nông dân trong tư vấn, phản biện cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan đến tài nguyên môi trường, giám sát việc thực thi chính sách, pháp luật về tài nguyên môi trường, tham gia phát hiện và giải quyết, xử lý các vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường trên địa bàn nông thôn. 6. Thông qua thực hiện Chương trình phối hợp này đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ chính sách, quy định pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem