29.000 tỷ đồng chưa thể “giải cứu” doanh nghiệp

Thứ hai, ngày 07/05/2012 09:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đề xuất của Bộ Tài chính về một gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dưới hình thức “miễn, giảm, dãn thuế” vừa được trình Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4.2012.
Bình luận 0
img
 

Liệu đây có phải là liều “thuốc bổ” giải cứu doanh nghiệp. Phóng viên NTNN trao đổi với PGS - TS Trương Quang Thông (Đại học Kinh tế TP.HCM).

Ông Thông nói: Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính, gói giải pháp có thể lên đến 29.000 tỷ đồng, bao gồm việc dãn thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp; việc miễn thuế đối với hộ kinh doanh thuế khoán; miễn thuế môn bài cho diêm dân, ngư dân; dãn giảm tiền thuê đất; dãn thời gian thu thuế đường bộ…

Nhìn qua chi tiết các gói giải pháp, phần lớn liên quan đến các khó khăn trong tương lai của các doanh nghiệp nói chung, chứ không giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Gói giải pháp lớn nhất liên quan đến thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp hình như có lợi hơn cho các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi, tức là có nhiều doanh thu và lợi tức.

Bên cạnh đó, gói giải pháp cũng chưa thể giải quyết một trong những nguyên tắc quan trọng mà Thủ tướng đã kết luận, đó là việc hỗ trợ phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp. Việc miễn, giảm, dãn thuế làm sao có thể tác động đến tái cơ cấu nền kinh tế! Có thể, gói giải pháp sẽ hỗ trợ một bộ phận doanh nghiệp, hộ kinh doanh nào đó, còn những tác động kinh tế vĩ mô theo kỳ vọng, theo tôi vẫn còn là một bài toán khó, chưa thể có lời giải.

Cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đang vô cùng khó khăn, thậm chí có ý kiến ví von bằng hình ảnh rất ấn tượng là “nhiều doanh nghiệp hiện đang nằm trong quan tài” nên giải pháp miễn giảm này chưa thể coi là “giải cứu”. Ông có cho rằng như vậy không?

- Tôi không bi quan đến như vậy. Đương nhiên là không thể lạc quan trước tình trạng nợ xấu của các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, trước những khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ hàng hóa mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Nhìn chung, gói giải pháp có thể giảm nhẹ các khó khăn cho một số doanh nghiệp, còn “giải cứu” các doanh nghiệp thì là một vấn đề khác. Vả lại, tác động của một số giải pháp cũng khó có tác động tức thời.

Cứu doanh nghiệp“chết lâm sàng” bằng giải pháp cho vay lãi suất ưu đãi không cần thế chấp và cứu doanh nghiệp khó khăn bằng giải quyết hàng tồn kho thông qua gói kích thích tiêu dùng hoặc hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu…là những giải pháp được nhiều chuyên gia cho là mấu chốt hiện nay. Ông có đồng tình và cho rằng đây mới là giải pháp hiệu quả thực sự với doanh nghiệp thời điểm này ?

- Các chính sách tín dụng, kích cầu tiêu dùng về lâu dài là một ý tưởng tốt, nhưng theo tôi, không khả thi trong điều kiện và hoàn cảnh hiện nay. Hãy thử đứng ở góc độ ngân hàng, chúng ta sẽ cho ai vay, ưu đãi cho ai trong tình hình thanh khoản, lãi suất vẫn chưa thuận lợi như hiện nay.

img
Việc hỗ trợ doanh nghiệp cần gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu doanh nghiệp (ảnh minh họa).

Một điểm yếu phổ biến của các doanh nghiệp nhỏ là thiếu tài sản đảm bảo cho các khoản vay, nay lại đang khó khăn, thì làm sao có thể tiếp cận hoặc hưởng dụng các chính sách tín dụng ưu đãi của các ngân hàng, vì bản thân các ngân hàng cũng là các tổ chức kinh doanh, họ cũng có lý do trong việc lựa chọn, sàng lọc khách hàng.

Theo tôi, việc này khó khả thi trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh của hệ thống ngân hàng thương mại, mà là của các thiết chế đặc biệt hơn do Chính phủ lập ra.

“Các doanh nghiệp cần có những cẩn trọng trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh, và qua đó, là kế hoạch tài chính. Cần thể hiện tính tự chủ tài chính nhiều hơn...”.

Một chuyên gia kinh tế có tiếng đã bày tỏ quan điểm “doanh nghiệp thiếu vốn đừng nghĩ đến ngân hàng”. Ông có đồng tình với quan điểm này không và theo ông doanh nghiệp cần tự vượt qua khó khăn bằng cách nào?

- Khi nói về những khó khăn về tài chính trong đời sống các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thì chúng ta hay thảo luận về khả năng quan hệ vay vốn ngân hàng của họ. Thực tế, ngay cả trong thời kỳ không khủng hoảng, tỷ lệ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng chỉ khoảng 30-35% tổng số doanh nghiệp, huống chi là trong thời kỳ trong và sau khủng hoảng.

Vấn đề tự chủ tài chính do đó cũng là một đặc điểm tự thân của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, hơn ai hết, các doanh nghiệp này cần có những cẩn trọng trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh, và qua đó, là kế hoạch tài chính.

Cần thể hiện tính tự chủ tài chính nhiều hơn, tránh lệ thuộc nhiều vào những nguồn “phi chính thống”: bản thân hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn ít nhiều có tính mong manh của nó, thì làm sao những nguồn tài trợ tín dụng ngân hàng có thể ổn định và bền vững được.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem