30 năm giá gạo Việt Nam lần đầu vượt Thái Lan: Cơ hội giành "ngôi vương"?

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 14/08/2020 14:00 PM (GMT+7)
Chủ động đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa các phân khúc sản phẩm, ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu gạo vẫn tăng trưởng dương, thậm chí giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lần đầu tiên còn vượt Thái Lan.
Bình luận 0

Tăng tốc sản xuất vụ thu đông để tiếp tục đón sóng thị trường đang tăng cao là mục tiêu mà ngành nông nghiệp đang hướng tới.

30 năm "gió đảo chiều"

Giá gạo Việt Nam vượt Thái Lan: Cơ hội giành ngôi vương? - Ảnh 1.

Giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan sau 30 năm xuất khẩu gạo. Ảnh: T.L

"Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ giành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (thuế 0%) đối với gạo xay xát và gạo thơm, đồng thời xóa bỏ thuế đối với tấm trong 5 năm. Đây là cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang EU trong thời gian tới, bởi khu vực này đang tiêu thụ khoảng 2,5 triệu tấn gạo/năm".

Ông Trần Thanh Hải

Thống kê giá gạo xuất khẩu các nước của Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 10/8 cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã vượt qua Thái Lan, đạt 497 USD/tấn, trong khi giá gạo cùng loại của Thái Lan đạt 470 USD/tấn. 

Lần đầu tiên trong lịch sử 30 năm xuất khẩu giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan. Đặc biệt, mức chênh lệch từ 15- 20 USD/tấn là không hề nhỏ.

Tương tự, giá gạo xuất khẩu 25% tấm của Việt Nam cũng đã vượt gạo cùng loại của Thái Lan tới hơn 20 USD/tấn. Theo đó, gạo 25% tấm của Việt Nam đạt 472 USD/tấn, trong khi gạo của Thái Lan đạt 451 USD/tấn.

Ông Lý Thái Hưng - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Cúc - doanh nghiệp lớn nhất nhì miền Bắc về xuất khẩu gạo, với mức giá xuất khẩu cao và số lượng đều, năm 2020 có nhiều khả năng lượng gạo xuất khẩu của ta cũng sẽ vượt Thái Lan và trở thành quốc gia giữ vị trí quán quân về xuất khẩu gạo. 

Sở dĩ giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm so với Việt Nam là do đồng baht Thái tăng giá so với USD, khiến giá gạo xuất khẩu nước này mất lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Cụ thể, giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái Lan giao dịch quanh mức 460 USD/tấn, cao hơn 90 USD/tấn so với gạo Ấn Độ và 8 USD so với gạo đồng hạng của Việt Nam.

Trước sức ép cạnh tranh từ gạo Việt, theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi chính sách trong xuất khẩu gạo, nhằm lấy lại đà cạnh tranh với gạo các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ. 

Các chính sách thay đổi sẽ tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu các giống gạo mới... Thái Lan sẽ tập trung vào 3 phân khúc, gồm cao cấp (gạo hương, gạo hom mali), đại trà (gạo trắng, gạo đồ...) và đặc biệt (gạo đặc biệt, gạo nếp).

Trước đó, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng dự báo, xuất khẩu gạo của nước này có khả năng giảm xuống chỉ còn 6,5 triệu tấn trong năm nay, mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, giảm 1 triệu tấn so với dự báo hồi đầu năm 2020 là 7,5 triệu tấn.

Ông Chookiat Ophaswongse - Chủ tịch danh dự của Hiệp hội cho biết, sở dĩ phải hạ mức dự báo gạo xuống chỉ còn 6,5 triệu tấn trong năm nay là do xuất khẩu gạo của Thái Lan bị cản trở bởi một loạt yếu tố tiêu cực, trong đó, dịch Covid-19 đã làm suy yếu nhu cầu toàn cầu, đồng baht mạnh khiến gạo Thái đắt hơn và hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất.

Việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan ở những phân cấp phổ thông cho thấy, chủ trương tái cơ cấu ngành lúa gạo, giảm diện tích lúa phẩm cấp thấp, tăng diện tích lúa thơm, lúa chất lượng cao, đa dạng hóa thị trường của Bộ NNPTNT phát huy hiệu quả. 

Không còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, đến nay, năm 2019, Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang 35 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi với kim ngạch gần 630 triệu USD.

Xây dựng bản đồ gạo của Việt Nam

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cộng với sự gián đoạn sau hơn 1 tháng tạm ngừng xuất khẩu gạo để đánh giá lại nguồn cung, kết quả xuất khẩu gạo của 7 tháng năm 2020 được đánh giá là thành quả của quá trình tái cơ cấu sản xuất đúng hướng. 

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, triển vọng xuất khẩu gạo còn được mở ra khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức được thực thi.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường EU chiếm 14,9% tổng nhập khẩu toàn cầu, khi EVFTA có hiệu lực, với việc xóa bỏ ngay 85,6% số dòng thuế (cho hàng hóa nói chung nhập từ Việt Nam), cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU sẽ càng lớn hơn nữa.

Với mặt hàng gạo, năm 2019, Việt Nam chỉ xuất khẩu được sang EU với giá trị khiêm tốn là 10,7 triệu USD, bởi thuế suất mà EU đang áp lên gạo nhập khẩu từ Việt Nam khá cao, cụ thể là thuế tuyệt đối 175 euro/tấn với gạo xay xát, 65 euro/tấn với gạo tấm, 211 euro/tấn với lúa.

Ông Phạm Thái Bình - Giám đốc Công ty Trung An cũng khẳng định, EVFTA có hiệu lực là một cơ hội hiếm có cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, nhất là dòng sản phẩm cao cấp. Được biết, nhiều năm qua, công ty đã liên kết với nông dân sản xuất khoảng 7.000ha lúa (khoảng 150.000 tấn gạo) theo các quy trình an toàn, đáp ứng các thị trường khó tính và đang nỗ lực thực hiện chuỗi sản xuất lúa gạo an toàn.

Trong khi đó, kỹ sư Hồ Quang Cua - cha đẻ của loại gạo được công nhận ngon nhất thế giới - ST25 cho rằng, các địa phương và doanh nghiệp cần liên kết xây dựng được những vùng gạo ngon của Việt Nam trên bản đồ gạo thế giới.

Ông Cua cho rằng, từ khi gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới thì xu hướng sử dụng gạo có thương hiệu ở Việt Nam tăng lên, khả năng xuất khẩu gạo an toàn sang thị trường Mỹ, EU rất rộng mở. Từ thực tế đó, ông Cua đề xuất xây dựng vùng sản xuất lúa thơm ST ở vùng lúa - tôm của cả bán đảo Cà Mau. Đây sẽ là vùng lúa gạo có tiếng trên bản đồ sản xuất gạo thế giới. 

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh: Nên xem vụ thu đông là vụ sản xuất chính

img

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh

Trong những năm gần đây, vụ lúa thu đông được đánh giá là có hiệu quả kinh tế tương đối cao. Vì vậy, các địa phương nên xem vụ thu đông là vụ sản xuất chính.

Năm 2018 chúng ta khuyến cáo giảm diện tích là do dự báo lũ cao, còn năm nay thì dự báo lũ đến muộn và nhỏ nên phải tập trung sản xuất. Tuy nhiên, phải sản xuất những giống lúa thơm, lúa chất lượng vừa ít tốn chi phí sản xuất vừa phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu vào những tháng cuối năm. Xin nói thêm là theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam thì thời gian tới, giá lúa sẽ có nhiều tín hiệu khả quan hơn.

Tuy nhiên, những địa phương có vùng đất thấp, không có đê bao thì không sản xuất lúa thu đông. Bộ NNPTNT sẽ cử các đơn vị trực thuộc đến ngành nông nghiệp từng địa phương để khảo sát, xem điều kiện các đê bao để có hướng dẫn sản xuất cụ thể sao cho an toàn, người dân yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Việt - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NNPTNT): Hoàn toàn có cơ sở tăng diện tích lúa thu đông

Nhờ điểm sáng của thị trường, xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2020 đã đạt gần 4 triệu tấn, trị giá 2 tỷ USD, tuy giảm khoảng 1,5% về khối lượng nhưng giá trị thu về tăng khoảng 11% so với cùng kỳ năm 2019.

img

Với thành tích này, Việt Nam là nước có sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo cao thứ 2 trên thế giới trong bối cảnh chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. Đây cũng là cơ sở để Bộ NNPTNT khuyến khích các địa phương tăng diện tích vụ lúa thu đông.

Tính đến ngày 20/7, các địa phương đã xuống giống được 317.100ha, tăng 0,4% so với cùng kỳ (nếu tính đến hết tháng 7 thì diện tích gieo cấy vụ thu đông đạt 420.000ha). Hiện lúa đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng; sinh trưởng và phát triển khá. Do vụ đông xuân và 1 phần vụ hè thu kết thúc sớm, thị trường lúa gạo đang có tín hiệu tốt, do vậy Bộ NNPTNT chỉ đạo địa phương chủ động tăng diện tích lúa thu đông lên 800.000 - 820.000ha, như vậy so với năm 2019 sẽ tăng từ 80.000 - 100.000ha (năm 2019 diện tích gieo cấy vụ thu đông đạt 720.000ha).

P.V (ghi)


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem