38 bang Mỹ kiện Google độc quyền, lũng đoạn thị trường tìm kiếm

18/12/2020 08:57 GMT+7
Google đang đối mặt với vụ kiện chống độc quyền lần thứ ba tại chính quê nhà nước Mỹ.
38 bang Mỹ kiện Google độc quyền, lũng đoạn thị trường tìm kiếm - Ảnh 1.

38 bang Mỹ kiện Google độc quyền, lũng đoạn thị trường tìm kiếm

Hôm 17/12 (giờ Mỹ), có tới 38 tổng chưởng lý các bang đã đệ đơn kiện gã khổng lồ công nghệ Google, cáo buộc công ty này hoạt động độc quyền bất hợp pháp trên thị trường tìm kiếm trực tuyến và quảng cáo tìm kiếm. 

Vụ kiện được tiên phong bởi 8 tiểu bang là Arizona, Colorado, Iowa, Nebraska, New York, North Carolina, Tennessee và Utah. Động thái này tiếp nối vụ kiện chống độc quyền trước đó do Bộ Tư pháp và 11 tiểu bang hồi tháng 10, cũng nhằm vào Google. 

Nhưng lần này, vụ kiện thậm chí đi xa hơn khi các bang bổ sung thêm cáo buộc Google chặn hoặc hạ thứ hạng kết quả tìm kiếm từ các công cụ tìm kiếm chuyên dụng trong lĩnh vực du lịch, giải trí và cải tạo nhà ở. Khiếu nại cũng chỉ ra rằng Google có vẻ như đã mua lại và sử dụng lượng lớn dữ liệu của người dùng để củng cố vị thế độc quyền, tạo ra các rào cản với đối thủ cạnh tranh, trích thông cáo từ văn phòng Tổng chưởng lý Colorado Phil Weiser.

Tổng chưởng lý New York Letitia James thì cáo buộc: “Trong nhiều thập kỷ, Google đã đóng vai trò như kẻ gác cổng Internet. Nó vũ khí họa dữ liệu người dùng để tiêu diệt các đối thủ cạnh tranh, kiểm soát việc ra quyết định của chúng ta. Điều này khiến tất cả chúng ta phải trả nhiều tiền hơn cho các dịch vụ sử dụng hàng ngày”.

Cho đến nay, Google vẫn chưa đưa ra bình luận chính thức nào về vụ việc.

Hồi tháng 7/2019, Bộ Tư pháp Mỹ đã tuyên bố mở cuộc điều tra độc quyền nhằm tới các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook để xem liệu họ có "bóp nghẹt" sáng tạo hay kìm hãm cạnh tranh hay không. Theo đó, bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ sẽ xem xét việc "các nền tảng trực tuyến hàng đầu thị trường có đạt được sức mạnh thị trường hay không và như thế nào" hay có tham gia vào việc "làm giảm sự cạnh tranh, bóp nghẹt sự sáng tạo hay gây tổn hại cho người tiêu dùng" hay không. Động thái được Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra trong bối cảnh làn sóng chỉ trích đối với các đại gia công nghệ ngày một tăng.

Đến tháng 10 năm nay, Bộ Tư pháp Mỹ cùng 11 tiểu bang đã đệ đơn kiện Google, cáo buộc hãng sử dụng các thỏa thuận chống cạnh tranh để duy trì vị thế thống trị cho công cụ tìm kiếm Google Search trên thiết bị di động.

Theo bản cáo trạng, cơ quan này chỉ ra rằng Google chiếm tới 88% thị trường tìm kiếm thông thường của Mỹ và 94% các tìm kiếm trên thiết bị di động sử dụng dịch vụ của hãng này. Với sự độc quyền, Google bị cáo buộc đang gây hại cho người tiêu dùng bằng cách giảm chất lượng dịch vụ tìm kiếm và chi phối lựa chọn.

Các chuyên gia pháp lý cho hay vụ kiện mới nhất nhằm vào Google hôm 17/12 đã mở ra một mặt trận pháp lý rộng lớn hơn chống lại gã khổng lồ công nghệ bằng cách bổ sung thêm nhiều cáo buộc đã bị bỏ qua trong cáo buộc hồi tháng 10 của Bộ Tư pháp

David Dinielli, cựu quan chức chống độc quyền cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết đơn khiếu nại mới đã chỉ ra Google dường như đang ưu tiên các dịch vụ tìm kiếm của riêng mình hơn là các trang web của những đối thủ cũng cung cấp dịch vụ tìm kiếm, chẳng hạn như trang tìm kiếm khách sạn Hotels.com.

Dinielli cho biết kết quả tìm kiếm bị chi phối độc quyền từ Google có thể gây hại cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ. "Nếu bạn sở hữu một khách sạn ở Taos, bạn không thể dựa vào xếp hạng tốt trên Hotels.com hoặc một bài báo đề cập đến bạn trên Travel & Leisure để thuyết phục khách hàng, bởi vì Google đã đưa hàng loạt quảng cáo kiếm tiền trên phần lớn màn hình đầu tiên của kết quả tìm kiếm”. "Cách duy nhất bạn có thể tiếp cận những khách hàng mà bạn muốn tiếp cận là trả tiền cho Google để đảm bảo khách sạn của bạn xuất hiện trên trang tìm kiếm đầu tiên đó dưới dạng quảng cáo."


 

NTTD
Cùng chuyên mục