4 năm tái cơ cấu nông nghiệp Tây Bắc: Vẽ lại bức tranh nông nghiệp Trung du miền núi phía Bắc

Lê Hân - Tuệ Linh Thứ tư, ngày 30/09/2020 13:11 PM (GMT+7)
Chỉ sau gần 4 năm triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, bức tranh nông nghiệp ở trung du miền núi phía Bắc (TDMNPB) đã được vẽ lại với những trung tâm chế biến rau, củ, chế biến gỗ... theo đặc thù từng địa phương.
Bình luận 0

Hôm nay (30/9), tại Sơn La, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TBMNPB với sự tham gia của 14 tỉnh toàn vùng.

Dự và chủ trì Hội nghị có ông Nguyễn Xuân Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT; ông Nguyễn Hữu Đông, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La; ông Lê Quốc Doanh- Thứ trưởng Bộ NNPTNT; ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La.

Vẽ lại bức tranh nông nghiệp Trung du miền núi phía Bắc - Ảnh 1.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT, tỉnh Sơn La chủ trì Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TBMNPB

Tái cơ cấu nông nghiệp nhìn từ "hiện tượng" của Sơn La

Trước khi diễn ra Hội nghị tái cơ cấu nông nghiệp các tỉnh DMNPB, chiều 29/9, tại huyện Mai Sơn, Sơn La đã diễn ra lễ khởi công Trung tâm chế biến rau, quả Doveco Sơn La với sự có mặt của lãnh đạo Bộ NNPTNT, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cùng gần như toàn bộ Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Sơn La. Điều này cho thấy, việc khởi công Trung tâm chế biến rau, quả này không chỉ là việc của doanh nghiệp, mà còn như "việc nhà" của Bộ, của tỉnh.

Vẽ lại bức tranh nông nghiệp Trung du miền núi phía Bắc - Ảnh 2.

Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TBMNPB với sự tham gia đông đảo của các đại biểu đến từ 14 tỉnh trong vùng.

Dự án Doveco Sơn La do Công ty CP xuất nhập khẩu Đồng Giao (Doveco) làm chủ đầu tư với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành sau 10 tháng thi công. Ông Đinh Cao Khuê- Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Doveco khẳng định, với việc có nhà máy này có quy mô 50.000 tấn sản phẩm/năm và đảm bảo tiêu thụ được sản phẩm cho 40.000-50.000ha rau quả hàng năm. Việc xây dựng nhà máy này sẽ vẽ lại toàn bộ bức tranh về nông nghiệp tại Sơn La khi sản phẩm của bà con làm ra đã có đầu ra ngay tại chỗ.

Vẽ lại bức tranh nông nghiệp Trung du miền núi phía Bắc - Ảnh 3.

Ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Doveco phát biểu tham luận tại Hội nghị.

Việc nhà máy Doveco được khởi công xây dựng cùng với trước đó Nhà máy chế biến rau quả của Tập đoàn TH được xây dựng ở Vân Hồ đã tạo thành chuỗi sản xuất khép kín cho Sơn La. Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh, chỉ sau vài năm thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, Sơn La đã trở thành tỉnh có diện tích trồng cây ăn quả đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang, đạt 75.000ha và có thể ví Sơn La giờ không khác miệt vườn ở miền Bắc.

Việc chuyển đổi cây trồng ở Sơn La được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường gọi đây là "hiện tượng Sơn La". "Từ một tỉnh đi bán sắn, bán ngô thế mà chỉ sau có mấy năm, Sơn La đã trở thành trung tâm chế biến, sản xuất rau quả lớn nhất vùng Tây Bắc. Cứ đà này, chỉ sau một thời gian ngắn nữa, Sơn La có thể xuất khẩu 1 tỷ USD mỗi năm, trở thành tỉnh giàu có, nông dân giàu có"- Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kỳ vọng.

Vẽ lại bức tranh nông nghiệp Trung du miền núi phía Bắc - Ảnh 4.

Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy cơ cấu lại nông nghiệp các tỉnh vùng TBMNPB.

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường 14 tỉnh TDMNPB có ý nghĩa vô cùng quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng của nước Việt Nam, với diện tích khoảng 10 triệu ha, dân số 12,5 triệu người, vùng tập trung đông đảo bà con dân tộc thiểu số. Đây là vùng quan trọng về an ninh năng lượng. Đây là vùng liên quan đến an ninh nguồn nước, toàn bộ tuyến hệ thống lưu vực sông Hồng, sông Thái Bình đều lệ thuộc vào hệ thống lưu vực ở đây.

"Chính vì thế trong tái cơ cấu nông nghiệp ở vùng này, ta định rõ hướng để khai thác tiềm năng phát triển. Đó là kinh tế rừng, lâm nghiệp ở vùng này là có tiềm năng lợi thế. Thứ 2, kinh tế. Sản phẩm ocop vùng này có lợi thế; phát triển du lịch gắn với bản sắc dân tộc thì sẽ biến một vùng vốn chưa giàu thành vùng từng bước giàu có"- Bộ trưởng Cường cho biết.

Bức tranh nông nghiệp Tây Bắc sẽ được vẽ lại

Theo Bộ NNPTNT, trong 5 năm qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, toàn vùng đã có được những kết quả rất đáng khích lệ trên cả bình diện quy mô tỉnh, huyện, xã. Đến nay, đây là vùng chuyển đổi tới 250.000ha cây ăn quả, đứng thứ 2 trong 7 vùng kinh tế - xã hội toàn quốc. Vùng này có tới 53,5% hệ thống che phủ rừng, trong khi toàn quốc này chỉ có 42%. Đây là vùng có rất nhiều sản phẩm OCOP từ bí hương, hồng không hạt, gạo ở Bắc Kạn.

Vẽ lại bức tranh nông nghiệp Trung du miền núi phía Bắc - Ảnh 5.

Lễ ký kết hợp tác giữa Bộ NNPTNT với UBND tỉnh Sơn La về việc đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp tại Sơn La.

Phát biểu tham luận tại hội nghị, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Sơn La Hoàng Văn Chất rất say sưa khi nói về câu chuyện về hợp tác xã. "Tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp hình thành lên nhiều HTX nông nghiệp, người dân giờ đã ý thức được việc, nếu không tham gia vào HTX, thì sẽ không bán được sản phẩm, nên chỉ trong thời gian ngắn Sơn La đã có thêm 460 HTX nông nghiệp kiểu mẫu".

Ông Chất cho biết, trong nhiệm kỳ trước, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có chủ trương mời gọi các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản ở Sơn La. 

"Chúng tôi đã có 2 tập đoàn lớn là TH và Doveco đầu tư chế biến nông sản và với công suất chế biến của 2 nhà máy nhà máy này, sẽ đảm bảo tiêu thụ bền vững 500.000 tấn nguyên liệu sản phẩm của Sơn La và ới tiềm năng như của tỉnh nhà, chỉ trong thời gian ngắn nữa, Sơn La sẽ có 1 triệu tấn trái cây mỗi năm"- ông Chất nói.

Vẽ lại bức tranh nông nghiệp Trung du miền núi phía Bắc - Ảnh 6.

Bộ Trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo tỉnh Sơn La tham quan gian hàng trưng bày các san phẩm OCOP của tỉnh Sơn La.

Nói về việc mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường kể lại: "Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã đến nhờ tôi mời gọi hộ mấy tập đoàn lớn đầu tư vào tỉnh, bởi đồng chí Bí thư nói, mấy ông đó lớn, khó mời lắm. Bí thư tâm huyết, tha thiết mời gọi như thế, doanh nghiệp từ chối sao được. Tôi đã giới thiệu ngay để đồng chí Bí thư gặp doanh nghiệp và mời gọi đầu tư vào tỉnh".

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nói, nếu như về góc độ địa phương trong tái cơ cấu nông nghiệp có "hiện tượng Sơn La", thì ở góc độ doanh nghiệp có "hiện tượng Đồng Giao", khi làm gì có doanh nghiệp nào mỗi năm xây dựng được một nhà máy chế biến nông sản. Đồng thời, ông Cường hi vọng từ hiện tượng Sơn La, hiện tượng Đồng Giao sẽ trở thành hiện tượng cho cả 14 tỉnh toàn vùng.

Phát biểu với các lãnh đạo 14 tỉnh TBMNPB, ông Đinh Cao Khuê lo ngại, việc xây dựng 1 nhà máy 400 tỷ đồng thì đơn giản, nhưng nếu không có nguyên liệu, năm sau sẽ thành 480 tỷ đồng ngay. Như tại Sơn La, với công suất nhà máy Doveco Sơn La, phải mất 3 năm nữa may ra mới đủ nguyên liệu cho chúng tôi chế biến.

 "Chúng tôi lo nhất vẫn là vùng nguyên liệu không đủ cho nhà máy chế biến, còn nếu làm đúng theo yêu cầu, tiêu chuẩn thì bao nhiêu chúng tôi cũng mua hết"- ông Khuê nói.

Trước lo ngại này của doanh nghiệp, ông Hoàng Quốc Khánh- Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La đã đứng dậy cam kết, tỉnh Sơn La sẽ đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy. "Ngay trong tuần này, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị bàn về phát triển vùng nguyên liệu trái cây và sẽ mời các đồng chí Bí thư, Chủ tịch các huyện của Sơn La cũng như các tỉnh khác dự. Tôi cũng mời anh Khuê cùng dự để cam kết thực hiện cho bằng được việc này"- ông Khánh nói.

Để cụ thể hoá cam kết về thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp TBMNPB, trong khuôn khổ hội nghị sáng 30/9, Bộ NNPTNT đã trực tiếp ký cam kết đồng hành cùng thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp với tỉnh Sơn La và là tỉnh đầu tiên toàn vùng mà Bộ NNPTNT thực hiện ký kết.

Mục tiêu phát triển tái cơ cấu nông nghiệp TDMNPB

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản của vùng đạt trung bình khoảng 3,5%/năm giai đoạn 2021 - 2025;

- Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt khoảng 20%;

- Tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt khoảng 54,2%;

- Có 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 30% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

- Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96%.

Nhiệm vụ trọng tâm

- Trồng trọt: Phát triển các cây ăn quả chủ lực, cây công nghiệp có lợi thế, cây dược liệu, lúa chất lượng cao, lúa bản địa có giá trị kinh tế cao. Sản xuất với quy mô lớn, tập trung gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ; đẩy mạnh các biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, lựa chọn các giống chất lượng, năng suất cao đưa vào sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hóa; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

- Chăn nuôi: Phát triển mạnh chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò, dê, ngựa), phục tráng giống và phát triển các loại vật nuôi đặc sản, bản địa cung cấp cho thị trường trong nước; hình thành các vùng chăn nuôi an toàn, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao.

- Lâm nghiệp: Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả rừng sản xuất theo hướng trồng rừng thâm canh bằng các giống mới, năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế; chuyển mạnh từ khai thác gỗ non sang khai thác gỗ lớn; trồng cây dược liệu, cây bản địa có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng, nhất là tại các huyện miền núi; từng bước phát triển chế biến tinh, sâu, giảm dần chế biến thô, xây dựng nhà máy chế biến hiện đại trên địa bàn vùng.

- Thủy sản: Phát triển nuôi thủy sản ở các hồ thủy lợi, thủy điện và trên các vùng nước ven sông, đưa diện tích nuôi trồng đạt khoảng 50 nghìn ha. Nuôi trồng một số loài có giá trị kinh tế cao, như cá hồi, cá tầm, cá tiểu bạc và cá nước lạnh có lợi thế về địa hình, khí hậu.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem